Không phê bình học sinh trước lớp: Phụ huynh, chuyên gia giáo dục nói gì?
Không phê bình học sinh trước lớp: Phụ huynh, chuyên gia giáo dục nói gì?
“Chỉ muốn bục giảng có hố sâu để con chui xuống”
Bắt đầu từ năm học này, thông tư 28 của Bộ GD-ĐT ban hành về điều lệ trường tiểu học sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, nếu như trước đây, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình. Thì nay, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn, hay thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Trong đó, đặc biệt lưu ý, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Là phụ huynh có con vừa hoàn tất bậc tiểu học nên ngay khi nắm bắt thông tin này, chị Nguyễn Bích Chi, phụ huynh học sinh tại Q.1, TP.HCM, đồng tình và cho rằng đây là một quy định thể hiện tính nhân văn, phù hợp với môi trường giáo dục.
Chị Bích Chi chia sẻ về chính câu chuyện của con gái mình: “Một buổi chiều, khi đón con tan trường, cháu rất buồn, khắc hẳn với tâm trạng hằng ngày thường vui vẻ kể chuyện trường, chuyện lớp với mẹ. Thấy lạ tôi liền nhẹ nhàng khơi gợi thì con gái cho biết bị cô giáo gọi lên đứng ở bục giảng vì lỗi nói chuyện, làm việc riêng với bạn. Cháu nói, phải đứng trên bục giảng quay xuống lớp và các bạn bên dưới cười cười, chỉ trỏ, ‘lúc đó con nhớ mẹ kinh khủng và chỉ muốn bục giảng có hố sâu con có thể chui xuống’”.
Phụ huynh này nói tiếp: “Nghe con kể, là một người mẹ, lý trí thôi thúc tôi phải trao đổi ngay với cô giáo. Vì hôm nay là con gái tôi nhưng sang buổi học khác có thể là những bé khác sẽ bị phê bình trước lớp như vậy. Các cháu đang bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, có những thay đổi về tâm sinh lý và rất nhạy cảm. Nếu không có những xử lý tinh tế sẽ khiến các cháu chán ghét việc học, có những phản ứng tiêu cực”.
“Là cuộc cách mạng hướng đến sự trưởng thành toàn diện”
Cũng bày tỏ sự đồng tình trước quy định này của Bộ GD-ĐT, bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, nói rằng: “Đây có thể xem là một động thái cực kỳ tích cực và tâm lý của Bộ khi quyết định thay đổi điều lệ nhà trường. Cách đây vài năm tôi đã từng lên tiếng và mong mỏi quyết định này. Nay đã thành sự thật. Rất cảm kích những vị lãnh đạo đã kịp thời điều chỉnh những tồn tại nhiều năm của điều lệ khiến nhiều đứa trẻ đã trở nên lỳ bướng, bất hợp tác do bị xử lý kỷ luật thiếu hợp lý”.
Bà Diễm Quyên đưa ra phân tích: “Phê bình học sinh trước lớp và trước toàn trường là một hành vi phản giáo dục và phản tác dụng. Nó giống như đem đứa trẻ ra đấu tố. Sau đấu tố hoặc đuổi học trẻ có ngoan hơn không?. Có thể nhiều thầy cô sẽ bức xúc với quyết định về điều lệ nhà trường này và cho rằng không còn cách để trẻ sợ. Dễ hiểu vì thầy cô ấy đã từng sử dụng phê bình và khiển trách trước tập thể là một vũ khí trấn áp “học sinh cá biệt”. Họ quên so sánh rằng bản thân họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu ban giám hiệu phê bình họ trước toàn thể hội đồng sư phạm. Nếu giáo dục dựa trên nỗi sợ hãi thì sẽ ngăn cản tính chủ động tích cực của con người”.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia giáo dục nói thêm: “Còn một mong mỏi nữa, đó là làm thế nào để chúng ta ngăn cản phụ huynh đừng so sánh con mình với đứa trẻ khác và cũng đừng tranh thủ có người ngoài đến nhà để than thở chê bai chỉ trích con mình. Đó cũng là một hành vi phản giáo dục, phản tác dụng và gây cho con mất đi lòng tự trọng. Đã từng có những đứa trẻ căm ghét gia đình bởi ở đó các em luôn cảm thấy mình là đồ bỏ đi hoặc gánh nặng của cha mẹ”.
Vị chuyên gia này ủng hộ những thay đổi của điều lệ nhà trường. Có thể coi quy định không phê bình học sinh trước lớp là cuộc cách mạng giáo dục hướng đến sự trưởng thành cả kiến thức, tâm hồn, nhân cách và kỹ năng cho trẻ…
BÍCH THANH
TNO