24/11/2024

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế

Dịch COVID-19 khiến nhiều chợ truyền thống lâm vào cảnh ế ẩm kéo dài. Nhiều chuyên gia kiến nghị cơ quan thuế cần đánh giá lại doanh thu để có mức giảm thuế sát với thực tế nhằm hỗ trợ tiểu thương.

 

 

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế - Ảnh 1.

Tiểu thương ngồi chơi trong khi vắng khách tại chợ Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Ghi nhận tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) hôm qua 18-9 cho thấy nhiều sạp vẫn còn đóng cửa, trong đó ngành hàng quà lưu niệm có đến khoảng 80% số lượng sạp chưa mở bán lại, nhiều nơi bụi phủ đầy.

Theo bà Hồng – chủ một quầy sạp tại đây, có nhiều sạp đóng cửa từ tháng 3-2020 đến nay và khả năng sẽ đóng cửa đến hết năm vì mở ra cũng không ai mua, lại tốn tiền thuế, phí để duy trì.

“Tôi buôn bán 30 năm nay chưa bao giờ bị ế ẩm kéo dài như bây giờ. Chúng tôi kiến nghị ngành thuế xét giảm thêm nữa chứ tình hình này còn rất khó khăn.

Bà NGUYỄN THỊ VÂN (tiểu thương chợ Tân Định, TP.HCM)

“Ế quá”

Chỉ vừa qua trưa nhưng ông Đỗ Văn Châu – chủ sạp 793, ngành hàng thực phẩm công nghệ chợ Bến Thành – đã lui cui dọn dẹp để chuẩn bị nghỉ bán. Theo ông Châu, ông có 2 sạp nhưng giờ chỉ mở bán 1 sạp để duy trì khách quen.

“Số lượng sạp mở bán đã nhiều hơn các tháng trước và tình hình có khá hơn. Tuy vậy, hiện lượng khách giảm 75% so với bình thường, thậm chí sạp bán đồ sơn mài, mỹ nghệ thì thê thảm hơn vì khách du lịch không có” – ông Châu nhận xét.

Tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM), theo nhiều người bán, khoảng 60-70% lượng hàng bán đi các tỉnh, nhưng hiện tại các tỉnh sức mua giảm mạnh, một số sạp nếu may mắn thì cũng chỉ duy trì với những đơn hàng nhỏ.

“Ế quá, hiện sức mua tại chợ chỉ bằng 20% các năm trước. Hàng chất đống do nhiều tháng tồn lại mà không ai mua” – bà Cúc (một chủ sạp ngành hàng vải sợi) than thở.

Theo bà Cúc, vào tháng 4-2020, hàng ngàn tiểu thương ở chợ đã đồng loạt ký đơn đề nghị xin được miễn, giảm thuế phí, đơn đã được gửi lên các cơ quan chuyên trách. Tuy nhiên đến nay thuế không được miễn, giảm gì.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-9, ông Đinh Hồ Duy Ngọc – trưởng ban quản lý chợ An Đông – cho biết chợ có hơn 2.000 sạp và hiện hầu hết đã mở bán lại. Tuy nhiên, sức mua nhìn chung còn khá thấp, các ngành hàng đều có sạp nghỉ, trong đó ế nhất là ngành hàng thời trang, bánh kẹo.

Ông Ngọc xác nhận tiểu thương có gửi đơn xin miễn giảm thuế, phí. Tuy nhiên, ban quản lý chỉ hỗ trợ miễn, giảm phí chợ cho phần lớn trường hợp trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 6-2020.

Cũng theo ông Ngọc, trong tháng 4-2020, cơ quan thuế đã có hỗ trợ giảm thuế cho một số tiểu thương tại chợ. Tuy nhiên, ông Ngọc thừa nhận nếu so với thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 mang lại từ đầu năm đến nay, việc hỗ trợ này vẫn còn hạn chế và cần có thêm cơ chế hỗ trợ khác.

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế - Ảnh 3.

Khi đến khu chợ Tân Bình ngày 18-9, chúng tôi chỉ thấy các tiểu thương ngồi ngáp ngắn ngáp dài vì không có khách. Tại các khu, gần 1/3 số sạp hàng đã đóng cửa làm kho hoặc treo bảng cho thuê lại khiến khu chợ trở nên đìu hiu hơn hẳn.

Chị Lưu Thị Hà cho biết chị buôn bán ở đây đã mấy chục năm nhưng lần đầu tiên thấy khu chợ ế ẩm như vậy. Sạp hàng của chị qua 2 đợt dịch COVID-19 đã giảm hơn một nửa doanh thu.

“Mấy tháng nay ra chợ cho có chứ không có ai, người bán còn nhiều hơn người đi mua hàng”, chị Hà nói.

Còn chị Nguyễn Thị Hương – chủ một sạp ở chợ, cho biết tùy vào các khu, hàng tháng giá thuê mặt bằng từ vài triệu đến vài chục triệu, tiền thuế cũng từ 2 đến 3 triệu đồng.

Theo chị Hương, tiền thuê nhân công, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng hằng tháng sạp chị phải trả gần 50 triệu đồng nhưng hàng lại không bán được. Vì càng ế ẩm mà sạp mất giá thêm nghiêm trọng.

“Những năm trước, có khu giá sạp lên đến tiền tỉ nhưng có đến nay, bán rẻ cũng không ai mua. Với tình hình này mà không có chính sách hỗ trợ thì nhiều tiểu thương sẽ vỡ nợ. Năm nay sẽ vỡ nợ nhiều”, chị Hương nói.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Phương – phó trưởng ban Quản lý chợ Tân Bình, cho biết chợ Tân Bình có hơn 3.300 sạp hàng. Tuy nhiên qua 2 làn sóng dịch COVID-19, gần 1.000 sạp hàng đã ngưng nghỉ bán.

Giảm “chẳng thấm vào đâu”

Nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành, Tân Định (Q.1) khẳng định tới thời điểm này không được hỗ trợ miễn giảm về thuế, họ chờ mòn mỏi dù đã có đơn xin hỗ trợ gửi đến cơ quan chức năng. Riêng khoản phí chợ đã giảm nhưng “chẳng thấm vào đâu” nếu so với thiệt hại kéo dài do dịch bệnh.

Tại chợ Tân Định (Q.1), sau nhiều lần kiến nghị, giữa tháng 8 vừa qua tiểu thương chợ này đã nhận được thông báo giảm thuế.

Bà Nguyễn Thị Thoa – kinh doanh bánh kẹo – cho hay bà được giảm thuế khoán bao gồm: thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng trong ba tháng (tháng 3 đến 5-2020) với tổng số tiền thuế giảm hơn 1,65 triệu đồng. Trong đó giảm mạnh nhất là tháng 3 và tháng 4, còn tháng 5 chỉ giảm 328.500 đồng.

Nhưng một số sạp khác chỉ được mức giảm thuế tổng cộng trong 3 tháng vài trăm ngàn đồng. Như sạp của ông Lê Đào Thắng được giảm 298.500 đồng, một sạp khác được giảm 463.500 đồng. Số thuế được giảm cơ quan thuế sẽ trừ dần vào tiền thuế các tháng sau cho đến khi hết.

Các tiểu thương đều cho rằng thiệt hại do dịch bệnh quá lớn và mức giảm như trên chưa tương xứng. Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, tiểu thương chợ Tân Định (Q.1), nói mong được giảm thuế từ nay tới cuối năm và đề nghị cơ quan thuế có khảo sát, đánh giá thực tế để điều chỉnh doanh thu sát với thực tế.

Tiểu thương mòn mỏi chờ giảm thuế - Ảnh 4.

Chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vắng vẻ – Ảnh: DUYÊN PHAN

Sẽ đánh giá lại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Duy Minh – cục trưởng Cục Thuế TP.HCM – cho biết sau hai đợt dịch COVID-19, đến nay số hộ kinh doanh ở TP.HCM làm đơn xin ngưng, nghỉ kinh doanh rất nhiều. Chỉ tính trên địa bàn Q.1, số thu thuế từ khu vực hộ kinh doanh 8 tháng đầu năm chỉ bằng 64% so với cùng kỳ. Như vậy có đến gần 40% đã ngưng kinh doanh trong thời gian qua.

Ông Minh cũng thừa nhận do giãn cách xã hội, một số chợ lớn như chợ Bến Thành, An Đông… hiện nay rất vắng, tình hình mua bán rất ế ẩm do không có khách du lịch. Do vậy Cục Thuế TP.HCM đã giao các chi cục trưởng nắm lại tình hình kinh doanh trên địa bàn, đánh giá lại quy mô hoạt động tại các chợ lớn.

Với những hộ vẫn kinh doanh, cơ quan thuế sẽ kiến nghị để có chính sách thỏa đáng cũng như xác định lại doanh thu khoán cho các hộ này sao cho sát với thực tế.

Được biết trước đó Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép điều chỉnh ngay theo tỉ lệ giảm thực tế nếu số liệu kiểm tra cho thấy doanh thu có thay đổi, không bắt buộc phải sụt giảm từ 50% trở lên như quy định trong bối cảnh bình thường.

Tuy nhiên trong văn bản trả lời mới đây, Tổng cục Thuế cho biết sẽ ghi nhận và tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với tình hình quản lý thực tế.

Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Thuế TP cho biết sẽ tham mưu UBND TP.HCM có văn bản lại với Bộ Tài chính để xác định lại mức độ sụt giảm doanh thu của hộ kinh doanh và điều chỉnh theo tỉ lệ giảm thực tế, vì hiện nay đã trải qua hai đợt dịch và các hộ kinh doanh cũng bị thiệt hại nặng nề.

Nên có chính sách linh hoạt

Luật sư Trần Xoa – giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang – cho rằng tiểu thương nhiều chợ đã làm đơn kiến nghị nhưng việc giảm thuế cho tiểu thương còn hạn chế.

Lý do là tại thông tư 92, Bộ Tài chính yêu cầu nếu hộ kinh doanh không thay đổi ngành nghề kinh doanh thì cơ quan thuế chỉ xác định lại doanh thu khoán để áp dụng cho thời gian còn lại của năm tính thuế nếu qua số liệu xác minh, kiểm tra, thanh tra có căn cứ xác định doanh thu khoán thay đổi từ 50% trở lên so với mức doanh thu đã khoán.

“Qua hai đợt dịch, có hộ doanh thu giảm mạnh nhưng liệu cơ quan thuế có đủ lực lượng để xác định lại doanh thu của từng hộ hay không?”, luật sư Xoa nêu câu hỏi.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng khi xây dựng chính sách thuế, cơ quan thuế đã không lường trước tình huống dịch bệnh này nên quy định quá cứng nhắc. Ông Sơn cho rằng đây là vấn đề cần lưu ý trong các đợt sửa luật tới đây.

Ông Sơn cũng nhận định rằng thời gian qua hộ cá thể chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy chính sách miễn giảm thuế áp dụng mỗi chợ mỗi khác.

“Trước đây khi kinh tế khó khăn, cơ quan thuế đã từng cho giãn thuế để chờ xin ý kiến Quốc hội về việc miễn giảm thuế. Tôi cho rằng đợt dịch này còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, do vậy cũng có thể áp dụng cơ chế linh hoạt đó cho đối tượng tiểu thương để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Sơn đề nghị. (A.HỒNG)

Đà Nẵng: sẽ miễn, giảm chi phí

Ngày 18-9, ông Đàm Văn Tẩu – giám đốc Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng – cho biết tình hình buôn bán, kinh doanh ở các chợ vẫn chưa được bình thường như trước (thực hiện giãn cách xã hội, đi chợ theo phiếu cấp phát) nên hàng hóa tiêu thụ chậm, ngoại trừ mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, nhưng chưa có hộ nào trả lại sạp, mặt bằng chợ cho công ty.

Để hỗ trợ các hộ tiểu thương, giảm gánh nặng chi phí do nghỉ bán vì dịch bệnh từ cuối tháng 7 đến nay, ông Tẩu cho hay công ty đang thống kê và sẽ đề xuất Sở Công thương, UBND TP về các mức hỗ trợ đối với gần 5.000 hộ tiểu thương kinh doanh ở 4 chợ lớn trên địa bàn là chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường.

Dự kiến đề xuất đối với các hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, nghỉ thời gian dài thì miễn 100% tiền thuê mặt bằng, vệ sinh, dịch vụ… trong tháng 8; các hộ tiểu thương được phép buôn bán các mặt hàng thiết yếu thì giảm 30% tiền thuê mặt bằng, vệ sinh, dịch vụ…; còn trong tháng 9 đề xuất giảm các chi phí trên khoảng 25% cho các hộ tiểu thương.

Về hỗ trợ thuế, Cục Thuế TP và các chi cục thuế quận, huyện đang kiểm tra, rà soát và có kiến nghị riêng. (V.HÙNG)

 

a1 18-danang ho tro tieu thuong cac cho

Chợ Hàn lớn nhất Đà Nẵng ngưng hoạt động trong những ngày thực hiện cách ly – Ảnh: V.HÙNG

Cần Thơ: các hộ kinh doanh đều gặp khó

Do ảnh hưởng của hai đợt dịch, một lãnh đạo Sở Công thương Cần Thơ cho hay tình hình kinh doanh của hầu hết các hộ mua bán đều gặp khó, thậm chí rất khó. Tuy nhiên hiện thành phố chưa có thống kê, đánh giá nào về tình hình kinh doanh sụt giảm, hay số cơ sở đóng cửa… do ảnh hưởng hai đợt dịch bệnh vừa qua.

Ông Trần Minh Đạt – phó ban quản lý chợ cổ Cần Thơ – cho biết chợ có 80 lô, nhưng hiện đã có 22 lô trả mặt bằng. Về chính sách hỗ trợ, trong đợt dịch thứ nhất, ban quản lý có miễn giảm không thu tiền mặt bằng, còn đợt này thì chưa có chính sách gì.

Nói về những khó khăn do kinh doanh mua bán ế ẩm, chị N., một tiểu thương bán quần áo tại chợ cổ Cần Thơ, cho biết các tiểu thương cũng có làm đơn kiến nghị giảm tiền mặt bằng, giảm hoặc giãn tiền thuế… nhưng các cơ quan, từ ban quản lý chợ, đến cơ quan thuế không ai đứng ra giải quyết. (T.LŨY)

Tiểu thương Hà Nội ngán ngẩm

Tình trạng đóng cửa hay trả lại mặt bằng không diễn ra phổ biến ở nhiều chợ tại Hà Nội, nhưng khảo sát nhiều chợ lớn tại Hà Nội, hoạt động buôn bán khá ế ẩm.

Chị Hương (kinh doanh quần áo tại chợ Ngã Tư Sở) cho biết từ nhiều năm nay kinh doanh buôn bán khó khăn hơn do sự phát triển của thương mại điện tử, khách hàng chuyển sang mua hàng online nhiều hơn. Đặc biệt từ đầu năm nay, dịch bệnh diễn ra liên miên khiến cho hoạt động kinh doanh càng khó khăn.

“Trước đây chợ Ngã Tư Sở mua bán tấp nập, kinh doanh tốt lắm nên các quầy ở chợ đều kín chỗ. Thế nhưng mua bán càng ngày càng khó khăn, gần đây tôi phải kết hợp cả kinh doanh online mới đủ trang trải các chi phí, duy trì mặt bằng” – chị Hương chia sẻ thêm rằng nếu tới đây doanh thu tiếp tục giảm sẽ phải bỏ mặt bằng chuyển sang buôn bán online.

Tại chợ Hà Đông, hoạt động kinh doanh sôi động hơn vì đây cũng là chợ đầu mối khu vực phía Nam của Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ở đây cho hay doanh thu nhiều tháng nay giảm mạnh vì nhu cầu mua sắm, chi tiêu ít hơn. Đặc biệt là ở những quầy hàng không thiết yếu như thời trang, túi xách, vải, đồ chơi trẻ em, quầy hàng bánh kẹo…

Chị Lan (kinh doanh hàng mỹ nghệ, quà tặng) cho biết vẫn cố duy trì để giữ quầy, mặc dù doanh thu ngày càng giảm sút, có tháng chưa đầy chục triệu tiền hàng, không đủ tiền chi trả cho nhân viên nên đã cho nghỉ việc. (NGỌC AN)

A.HỒNG – N.TRÍ – THẢO LÊ
TTO