ARF yêu cầu không làm phức tạp tình hình Biển Đông
ARF yêu cầu không làm phức tạp tình hình Biển Đông
Hiện ARF là diễn đàn chủ chốt đối thoại và hợp tác về những vấn đề chính trị – an ninh ở khu vực.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 12.9, Ủy viên Bộ Chính trị – Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước, tổ chức tham gia ARF và Tổng thư ký ASEAN.
Hiện ARF là diễn đàn chủ chốt đối thoại và hợp tác về những vấn đề chính trị – an ninh ở khu vực.
Tái khẳng định vai trò của UNCLOS 1982
27 quốc gia ARF bao gồm 10 nước ASEAN; 10 đối tác đối thoại của ASEAN (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Nga, Ấn Độ, Úc, Canada, New Zealand); một số quốc gia khác như Triều Tiên, Mông Cổ, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Timor Leste; và nước quan sát là Papua New Guinea.
Hội nghị nhất trí ARF triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và thực thi ngoại giao phòng ngừa, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên như cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt…
Hội nghị ủng hộ các bên liên quan tiếp tục đối thoại để giải quyết những khác biệt, hướng tới một nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Các bộ trưởng kêu gọi thực hiện đầy đủ, hiệu quả các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.
Các bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, các bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Hội nghị ủng hộ việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ASEAN – Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Các bộ trưởng cũng tái khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên các vùng biển và đại dương.
Quan ngại các hành động vi phạm
Đề cao vai trò của ARF – diễn đàn chủ chốt đối thoại và hợp tác về những vấn đề chính trị – an ninh ở khu vực, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh trong bối cảnh nhiều biến động, ARF càng cần và có thể phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp của mình, đặc biệt trong duy trì đối thoại và hợp tác, tăng cường xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau và phối hợp chính sách, hành động để ứng phó chủ động, hữu hiệu với những thách thức hiện hữu cũng như đang nổi lên, trong đó có dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh truyền nhiễm.
Về Biển Đông, ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến, vụ việc phức tạp, các hành động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển, nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông nêu trong Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, Phó thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã thông qua Kế hoạnh hành động Hà Nội II cho ARF, đề ra các ưu tiên, định hướng hợp tác cho hoạt động của ARF giai đoạn 2020 – 2025. Hội nghị đã ra Tuyên bố Chủ tịch ARF-27.
Chiều 12.9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp báo quốc tế, thông báo kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cùng tham dự trực tuyến họp báo. Tại hội nghị, ASEAN cũng nhất trí trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Ý, chấp thuận Colombia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.
* Chiều 12.9, trong khuôn khổ AMM-53 đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU và ASEAN – Ấn Độ. Tại 2 hội nghị này, các nước dành thời gian trao đổi về các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm. Về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không quân sự hóa, không có các hành động gây phức tạp tình hình.
Anh phản đối “đường lưỡi bò” ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Anh mới đây công bố lập trường chính thức của chính phủ Anh về các vấn đề pháp lý tại Biển Đông. Theo văn bản đăng trên website thư viện quốc hội trong tháng 9, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố nước này hoàn toàn cam kết áp dụng Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cho các vấn đề tại Biển Đông.
Anh tuyên bố phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” (còn gọi là đường lưỡi bò) dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc tại Biển Đông vì không có cơ sở pháp lý. Anh đồng tình với phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 nêu rằng yêu sách “đường 9 đoạn” vượt quá các ranh giới của các khu vực biển mà Trung Quốc được hưởng theo UNCLOS.
Ngoài ra, Anh tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do di chuyển vô hại tại Biển Đông theo luật pháp quốc tế.
Vi Trân
VŨ HÂN
TNO