20/11/2024

Bảo vệ trẻ em gái khỏi tấn công tình dục

Ngày 11.10 hằng năm đã được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày Quốc tế trẻ em gái. Chúng ta có thể làm gì để chung tay bảo vệ các bé gái khỏi những tên ‘yêu râu xanh’?

 

Bảo vệ trẻ em gái khỏi tấn công tình dục

Ngày 11.10 hằng năm đã được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày Quốc tế trẻ em gái. Chúng ta có thể làm gì để chung tay bảo vệ các bé gái khỏi những tên ‘yêu râu xanh’?

 
 
 
Mẹ của một bé gái bị thanh niên dụ dỗ quan hệ tình dục đang trình bày đơn thư tố cáo kẻ phạm tội với phóng viên Thanh Niên /// Thúy Hằng

Mẹ của một bé gái bị thanh niên dụ dỗ quan hệ tình dục đang trình bày đơn thư tố cáo kẻ phạm tội với phóng viên Thanh Niên   THUÝ HẰNG

 
Không ít nạn nhân (trẻ em gái) bị hoảng loạn, tâm thần bất ổn, cuộc đời đi vào ngõ cụt, thậm chí tìm đến cái chết sau khi bị xâm hại…
 
Cần xem xâm hại tình dục trẻ em là vấn nạn
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, bà Phan Thị Ngọc Thuý, chuyên gia về giới, quản lý quốc gia Viện Kết nối toàn cầu, cho biết ở VN, một số vấn đề liên quan đến trẻ em gái như: giáo dục, y tế… đã có sự quan tâm, thay đổi tích cực. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em gái bị buôn bán qua biên giới và bị tấn công tình dục có chiều hướng gia tăng.
 
Ngày 5.6.2018 tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIV, trong phiên đăng đàn trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã gửi báo cáo tới các đại biểu về vấn đề đang được dư luận quan tâm là xâm hại trẻ em. Theo báo cáo, thống kê 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
 
“Những bé gái sau khi bị tấn công tình dục đều chịu nhiều tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Có những em bị hoảng loạn, thay đổi hoàn toàn tâm tính, mất niềm tin vào con người và cuộc đời, không thể tìm lối thoát trong tương lai”, bà Thuý cho biết.
 
Bà Thuý đưa ra một số nguyên nhân gia tăng các vụ trẻ em gái bị tấn công tình dục như một bộ phận trong xã hội bị xuống cấp, lệch chuẩn đạo đức, suy đồi giá trị văn hoá… 


Cũng theo bà Th
, có nhiều vấn đề lớn khiến nạn nhân là trẻ em trong các vụ xâm hại tình dục chịu nhiều tổn thương và thiệt thòi, đó là không có người thân bên cạnh để bênh vực, sợ bị tai tiếng, không dám tố cáo thủ phạm… “Chúng ta cần phải nhìn nhận xâm hại tình dục trẻ em là một vấn nạn vô cùng nghiêm trọng và thủ phạm cần phải bị xử lý nghiêm khắc”, bà Th nhấn mạnh.

 
Bà Th cũng nêu ra các giải pháp, phải có nhiều hơn nữa những chương trình có thể nâng cao nhận thức cho chính bé gái, cha mẹ các em, người thân và cả cộng đồng để trẻ em gái được bảo vệ. Bên cạnh đó, cần có nhiều hơn các buổi tập huấn để những cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em có cách khai thác thông tin, điều tra, không làm tổn thương, không bắt các em kể đi kể lại hay diễn tả nhiều lần đã bị hiếp dâm ra sao.
 
Hãy lên tiếng – không xấu hổ
Ngày 7.10, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn trẻ em gái với chủ đề “Thúc đẩy quyền của trẻ em gái để thay đổi và phát triển”. Tại đây, nhiều trẻ em đã đặt câu hỏi với các đại biểu tham gia chương trình. Bé gái tên M.A nêu vấn đề: “Nhiều bé gái bị chính cha dượng của mình giở trò đồi bại, làm sao để bảo vệ các bạn?”.
 
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết nguy cơ xâm hại tình dục có thể xảy ra với trẻ em nói chung. Không chỉ có trẻ em gái, trẻ em trai cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
 
Theo ông Nam, trước hết cần tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em, và phải nhấn mạnh cho các em kỹ năng biết lên tiếng và dám lên tiếng. Quá trình giáo dục này cần phải thực hiện lâu dài, kiên trì, có sự chung tay mạnh mẽ của toàn xã hội.
 
Ông Nam cũng cho biết Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em đã, đang và sẽ kết hợp với Bộ GD-ĐT có nhiều chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em.
 
Theo ông Nam, người bảo vệ trẻ em tốt nhất chính là cha mẹ, gia đình. Do đó thời gian tới, phía cục cũng sẽ tăng cường các chương trình có thể giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho nhiều phụ huynh, nhất là những người có con trong độ tuổi vị thành niên, dễ bị xâm hại… để biết cách chăm sóc, bảo vệ con em mình.
 
“Chúng ta có tổng đài quốc gia trẻ em 111, hoạt động 24/24, hoàn toàn miễn phí. Tất cả các em khi bị xâm hại nói chung, xâm hại tình dục nói riêng có thể gọi điện đến bất cứ lúc nào để được tư vấn, hỗ trợ”, ông Nam khuyên.
 
Còn bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN, nhấn mạnh khi bị xâm hại, tấn công tình dục, trẻ em không được im lặng, không xấu hổ mà hãy mạnh dạn nói với cha mẹ, người thân, các tổ chức xã hội, hoặc gọi tới tổng đài 111. Theo bà Hoà, phải thừa nhận một thực tế, khi cha mẹ ly hôn, các em bé sẽ chỉ được lựa chọn ở cùng cha hoặc mẹ. Đây là những em dễ bị xâm hại, bạo hành nhất. Do đó, bà Hoà cũng mong muốn xã hội, cộng đồng cùng quan tâm, giúp đỡ các em nhỏ có mái ấm không trọn vẹn.
 
Nhiều vụ không được khởi tố hình sự với lý do thiếu chứng cứ
“Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nhức nhối. Tuy nhiên, nhiều vụ việc bị chìm xuồng, rơi vào quên lãng, nhiều vụ không được khởi tố hình sự với lý do thiếu chứng cứ… Tuy nhiên, có nhiều điều đang khiến người thân của nạn nhân mệt mỏi khi tham gia tố cáo, khiếu nại, mất niềm tin vào cơ quan tố tụng, ví dụ: gửi đơn tố cáo, chậm phản hồi và xử lý; khi tiếp nhận đơn thư tố cáo, không đưa nạn nhân đi giám định ngay; lấy lời khai của nạn nhân là trẻ em nhưng không cho luật sư có mặt; bắt trẻ em phải nhiều lần kể lại hành vi kẻ giao cấu với mình đã làm gì…”.
Luật sư Đoàn Ngọc Thanh, (Đoàn luật sư TP.HCM)
 
Biết mà không lên tiếng là tiếp tay cho tội ác
“Tôi có con gái, tôi phẫn nộ mỗi khi đọc các bản tin trẻ em bị xâm hại tình dục. Có một thực tế, nhiều người Việt vẫn mang tư tưởng lạc hậu, không tố cáo kẻ đã xâm hại con mình vì sợ vụ việc bị làm ầm ĩ, gia đình tủi hổ, do đó khiến các em bé sống âm thầm trong nỗi ác mộng hằng ngày và kẻ phạm tội vẫn lộng hành. Biết tội ác mà không lên tiếng, người thân của các bé gái cũng đang tiếp tay để tội ác có cớ sinh sôi”.
Nhiếp ảnh gia Phùng Văn Sơn (Q.3, TP.HCM)
 
Đừng để con cảm thấy bị cô độc
“Tôi muốn nói với các phụ huynh, hãy quan tâm con em mình hơn, giáo dục giới tính sớm cho các con, từ 11 – 12 tuổi để các con luôn tự bảo vệ được chính bản thân mình. Khi phát hiện con mình bị xâm hại, hãy đồng hành cùng với con, quan tâm con và không để con cảm thấy bị cô độc, ghẻ lạnh, có thể tìm đến cái chết”.
Bà T.T.M (Q.4, TP.HCM) (mẹ của một nạn nhân bị xâm hại tình dục khi mới 14 tuổi vào năm 2015)

 

THUÝ HẰNG – BẢO VY