24/11/2024

Thay đổi cách kiểm tra, cho điểm từ lớp 1 đến lớp 12

Thay đổi cách kiểm tra, cho điểm từ lớp 1 đến lớp 12

Đầu năm học, Bộ GD-ĐT ban hành 2 thông tư sửa đổi về kiểm tra đánh giá học sinh, 1 dành cho tiểu học, 1 dành cho THCS và THPT.
Ngoại ngữ trở thành một trong những môn điều kiện để xếp loại học sinh
Ngoại ngữ trở thành một trong những môn điều kiện để xếp loại học sinh
Bộ GD-ĐT cho biết sự thay đổi này hướng tới mục tiêu đánh giá thực chất hơn, đề cao sự tiến bộ của học sinh (HS) và giảm áp lực điểm số.

Từ lớp 1 đến lớp 3: Mỗi môn chỉ 2 bài kiểm tra/năm học

Theo quy định mới, giáo viên (GV) có thể sử dụng nhiều phương pháp như: quan sát; vấn đáp; đánh giá qua hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của HS; kiểm tra viết dưới hình thức trắc nghiệm, tự luận hoặc kết hợp trắc nghiệm và tự luận. GV đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục của HS, về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của HS. Việc đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học/hoạt động giáo dục được thực hiện vào giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối năm học.
Vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc gồm: tiếng Việt, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử và địa lý, khoa học, tin học và công nghệ, sẽ có bài kiểm tra định kỳ để đánh giá HS. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kỳ môn tiếng Việt, môn toán vào giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2. Bài kiểm tra được GV sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho HS. Điểm của bài kiểm tra định kỳ không dùng để so sánh HS này với HS khác.

Đa dạng hình thức đánh giá

Bộ GD-ĐT cũng ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại HS THCS và HS THPT ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/BGD-ĐT ngày 12.12.2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, với nhiều thay đổi như: giảm số đầu điểm, đa dạng hóa hình thức kiểm tra; bổ sung môn ngoại ngữ có tầm quan trọng như toán, văn trong xếp loại HS.
Ông Sái Công Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết một trong những thay đổi lớn trong đánh giá HS trung học là tất cả các môn học được bổ sung đánh giá bằng nhận xét, thay vì chỉ cho điểm như trước kia. Điều này giúp GV quan tâm sát sao hơn đến từng HS, đánh giá sự tiến bộ của các em thay vì chỉ cho điểm mà bản thân HS cũng chưa biết mình cần phải cố gắng hoặc điều chỉnh ra sao để việc học tập hiệu quả hơn.
Thông tư mới cũng bổ sung quy định về kiểm tra đánh giá HS THCS và THPT, hình thức kiểm tra đánh giá gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ. Hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên gồm: hỏi – đáp, thuyết trình, viết ngắn, thực hành, sản phẩm học tập. Hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ gồm: bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; thuyết trình; thực hành; sản phẩm học tập.

Nâng tầm môn ngoại ngữ và không còn “học sinh yếu”

Theo quy định trong Thông tư 58 về tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và xếp loại cả năm học, HS được xếp loại HS giỏi nếu điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó, điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 8,0 trở lên. Tương tự, HS được xếp loại khá phải có điểm trung bình các môn học từ 6,5 trở lên, trong đó, điểm trung bình của 1 trong 2 môn toán, ngữ văn từ 6,5 trở lên. Tuy nhiên, quy định tại Thông tư 26 đã thêm môn ngoại ngữ trở thành một trong những môn điều kiện để xếp loại HS. Cụ thể, để đạt HS giỏi phải có điểm của 1 trong 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8,0; HS khá thì phải có điểm của 1 trong 3 từ 6,5 trở lên.
Xung quanh quy định mới này, ông Sái Công Hồng cho biết bổ sung môn ngoại ngữ vì trong các kỳ thi, như thi tốt nghiệp THPT thì toán, văn, ngoại ngữ đều là 3 môn thi bắt buộc. Quy định này cũng nhằm khuyến khích, tạo động lực cho HS và các nhà trường quan tâm xứng đáng hơn cho môn ngoại ngữ.
Đáng chú ý trong quy định mới là bỏ việc đánh giá, xếp loại “HS yếu” như lâu nay vẫn áp dụng, thay vào đó là cụm từ “cần rèn luyện thêm” đối với HS có điểm số, hạnh kiểm chưa đạt yêu cầu xếp loại từ trung bình trở lên.
TUỆ NGUYỄN
TNO