24/11/2024

Hàng chục ngàn căn hộ bị ‘treo’ sổ hồng do tắc tiền sử dụng đất

Hàng chục ngàn căn hộ bị ‘treo’ sổ hồng do tắc tiền sử dụng đất

Doanh nghiệp tha thiết đóng tiền sử dụng đất để làm sổ đỏ cho khách hàng nhưng việc này lại không hề đơn giản. 
Hội thảo "Tắc tiền sử dụng đất" sáng 10.9 do Báo Thanh Niên tổ chức /// Ảnh: Độc Lập
Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” sáng 10.9 do Báo Thanh Niên tổ chức ẢNH: ĐỘC LẬP
Đó là nghịch lý được các doanh nghiệp bức xúc chia sẻ tại Hội thảo “Tắc tiền sử dụng đất” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 10- 09. Việc tắc tiền sử dụng đất khiến cho hàng vạn hộ dân đã bị treo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (sổ đỏ), ngân sách thất thu, chủ đầu tư bất đắc dĩ “bội tín” với khách hàng…

Nhiều dự án “đứng bánh” vì tắc tiền sử dụng đất

Phát biểu khai mạc hội thảo sáng 10.9, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Niên, cho biết trước khi hội thảo diễn ra, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có công văn gởi UBND TP.HCM và các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị về một số dự án cụ thể xung quanh vấn đề này. Báo Thanh Niên trong mấy năm qua cũng đã có nhiều bài viết phản ánh những vướng mắc, khó khăn cả về phía Nhà nước cũng như doanh nghiệp liên quan đến quy trình, thủ tục đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên cho đến nay, hàng loạt dự án vẫn bị tắc sổ hồng vì tắc tiền sử dụng đất.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM mới công bố, trong 6 tháng năm nay, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước thực hiện 163.173 tỉ đồng, chỉ đạt 40,2% dự toán, giảm 14,4% so cùng kỳ năm trước, trong đó thu tiền sử dụng đất giảm 21%. Vẫn biết là năm nay, các nguồn thu đều gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng do Covid-19; TP cũng đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giãn thuế, giảm thuế… cho doanh nghiệp. Thế nhưng đây là lần đầu tiên trong thời gian 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước của thành phố bị sụt giảm mạnh, trong khi chi ngân sách địa phương lại tăng cao.
Là “đầu tàu”, nguồn thu của thành phố tác động rất lớn đến đầu tư, phát triển của cả nước nói chung và bản thân thành phố nói riêng. Đó là lý do Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ các thủ tục hành chính, giảm bớt các rào cản pháp lý, sự chồng chéo trong thực hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh trên mọi lĩnh vực, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế bên cạnh sự hỗ trợ thông qua các chính sách tài khóa – tiền tệ.
Bản thân các doanh nghiệp bất động sản cũng đã nhiều lần lên tiếng, không cần hỗ trợ tiền, chỉ cần hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách mà trong đó, trọng tâm là tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính để các dự án được khởi công, thi công, hoàn thiện. “Chúng tôi nghĩ rằng, tháo gỡ những vướng mắc đang gây tắc nghẽn tiền sử dụng đất không chỉ giúp ngân sách có thêm nguồn thu, doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục cho dự án, giữ chữ tín với khách hàng mà quan trọng hơn là đảm bảo quyền lợi của những cư dân đã mua bất động sản tại các dự án đang vướng vấn đề này, đặc biệt là các dự án đã bàn giao cho cư dân vào ở, các dự án đã hoàn thiện thủ tục pháp lý…”, ông Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.
Để đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, suy thoái… giải pháp hiệu quả nhất là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Thời gian vừa qua, chúng ta mới chỉ tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, một nguồn lực rất lớn trong xã hội đó chính là vốn tư. Tạo một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi dậy khát vọng khởi nghiệp trong cộng đồng; tháo gỡ các rào cản pháp lý, thủ tục hành chính để các dự án bất động sản khởi công, hoàn thiện và đi vào hoạt động… là góp phần thúc đẩy vốn tư nhân vào nền kinh tế. Cứ mỗi một dự án bất động sản được khởi công, kéo thu nhu cầu xi măng, sắt, thép, sỏi, đá, vôi, cát, nội thất… Từ đó kích hoạt các công ty vật liệu xây dựng sản xuất; giải quyết hàng ngàn, hàng vạn lao động trực tiếp- gián tiếp. 10 dự án thì nhu cầu, lượng lao động được giải quyết gấp 10 lần, còn trăm dự án thì gấp trăm lần. Đó chính là giải pháp kích cầu hiệu quả nhất, thiết thực nhất và giải pháp này không chỉ đúng chủ trương, mục đích của Chính phủ mà cũng nằm hoàn toàn trong khả năng của chúng ta.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: “Điều báo Thanh Niên mong muốn nhất trong cuộc hội thảo ngày hôm nay chính là tìm ra hướng giải quyết cho các dự án đang vướng mắc việc đóng tiền sử dụng đất, đặc biệt là các dự án đã hoàn tất thủ tục pháp lý; đã bàn giao nhà, người dân đã vào ở. Theo tôi được biết, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn được tạm đóng trước tiền sử dụng đất (trong khi chờ được đóng tiền sử dụng đất) để làm sổ đỏ cho cư dân, bảo đảm quyền lợi của cư dân”.

Hàng chục ngàn căn hộ chưa được cấp sổ hồng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định, đây là vấn đề bức xúc của người dân lẫn doanh nghiệp thời gian qua. Hệ quả của việc tắc tiền sử dụng đất là người dân không được cấp sổ hồng, quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà và cũng là quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi khi có sổ hồng thì doanh nghiệp mới thu được 5% còn lại sau khi bàn giao nhà ở, nếu chậm ngày nào doanh nghiệp khó khăn ngày đó, trong khi áp lực dòng vốn với doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, người dân khiếu kiện, thậm chí tập trung căng băng rôn, khiếu nại gay gắt ở các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của chủ đầu tư.
Theo ông Châu, dự án lâu nhất là hơn 20 năm vẫn chưa được nộp tiền sử dụng đất. Trong 4 năm trở lại đây, thành phố đã có nhiều cuộc họp trực tiếp với doanh nghiệp, người dân để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn có  dự án ở P.Hiệp Bình Chánh hay Bình Thạnh; đến 2014 – 2015 có những dự án ở Tân Bình, Tân Phú… bị vướng mắc, vì nhiều lý do nên cư dân cũng chưa được cấp sổ hồng.
Hàng chục ngàn căn hộ bị 'treo' sổ hồng do tắc tiền sử dụng đất - ảnh 1

Ông Lê Hoàng Châu phát biểu tại hội thảo sáng 10.9   ĐỘC LẬP

 

Chẳng hạn, Tập đoàn Novaland có 11 dự án, Hưng Thịnh có 2 dự án đã tạm đóng tiền sử dụng đất  nhưng nay xin xác nhận cho số tiền sử dụng đất chính xác là bao nhiêu để hoàn tất nghĩa vụ tài chính để được cấp sổ hồng cho người dân không được… Số liệu thống kê của hiệp hội cho biết, có 11 doanh nghiệp với 44 dự án gồm hơn 22.000 căn hộ chưa được cấp sổ hồng. Nghĩa là  22.000 hộ gia đình bức xúc.
Theo ông Châu, hiệp hội đã đề xuất tháo gỡ khó khăn nhưng quy trình sử dụng tính tiền đất phải qua rất nhiều khâu. Việc tắc tiền sử dụng đất có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất; đã nộp và được cấp sổ hồng 1 phần nhưng nay không được cấp tiếp vì có vướng mắc phải xác định lại tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên môi trường mới đề nghị xác định đất ở bao gồm diện tích đất xây dựng chung cư khối đế, hồ bơi, sân vườn, sân chơi, lối đi nội bộ… nhưng đây là quy định không đúng với quy định hiện tại, nhất là với những chung cư lớn. Đặc biệt, từ quan điểm của Sở Tài nguyên môi trường thì toàn bộ dự án đều bị tắc trong vấn đề này.
Ngoài ra, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, thậm chí có trường hợp đã được thành phố xác nhận hệ số sử dụng đất không thay đổi nhưng gần cả năm vẫn chưa được cấp sổ hồng. Hay có việc góp vốn đầu tư thì xác định là chuyển nhượng dự án hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng khó khăn khiến dự án không được cấp sổ hồng.
Có điểm chung là hồ sơ trình lên Sở Tài nguyên môi trường hiện nay xin được cấp sổ hồng đều được giải quyết rất chậm. Tạo điều kiện xác định tiền sử dụng đất đầu tiên hay có nghĩa vụ tài chính bổ sung cho doanh nghiệp, khi nhận hồ sơ thì ký nhanh hơn. Hiệp hội cũng sẽ kiến nghị sắp tới khi sửa Luật Đất đai nên có thể phân quyền việc ký cấp sổ hồng cho các quận huyện để nhanh hơn, thay vì chỉ tập trung vào Sở Tài nguyên môi trường. Vấn đề này được giải quyết nhanh sẽ giảm bức xúc cho người dân, tăng thêm nguồn thu cho nền kinh tế và tạo sự lan tỏa, phục hồi thị trường bất động sản sau dịch Covid-19.
MAI PHƯƠNG
TNO