Sửa đổi Nghị định 83/2014: Giá xăng dầu sẽ biến động mạnh?
Sửa đổi Nghị định 83/2014: Giá xăng dầu sẽ biến động mạnh?
Dự thảo sửa đổi NĐ 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến, trong đó công thức tính giá cơ sở xăng dầu dự tính sẽ được điều chỉnh dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ 2 nguồn nhập khẩu và trong nước.
Việc sửa đổi công thức tính giá được xem là phù hợp, song nhiều chuyên gia cho rằng nếu không tính toán kỹ lưỡng cũng như biên độ điều chỉnh có thể khiến giá xăng dầu biến động mạnh trong thời gian tới.
Công thức tính: cơ cấu từ hai nguồn
Trong dự thảo sửa đổi, công thức tính giá cơ sở (giá tối đa) được xác định từ cơ cấu tỉ trọng từ hai nguồn nhập khẩu và trong nước (tỉ trọng được xác định hằng quý).
Sau khi xác định mức giá này và công bố trong chu kỳ 10 ngày (trước đây là 15 ngày), doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được quyền điều chỉnh giá nhưng không được vượt quá mức giá tối đa mà Nhà nước đã quy định.
Trong đó, giá cơ sở từ nguồn nhập khẩu cơ bản vẫn được tính theo công thức cũ, bổ sung thêm quy định về cách tính thuế nhập khẩu theo phương pháp bình quân gia quyền.
Đối với nguồn sản xuất trong nước, giá cơ sở được xác định trên cơ sở giá xăng dầu thế giới cùng với khoản chênh lệch so với giá xăng dầu thế giới để xác định giá mua bán xăng dầu thực tế (Premium), chi phí định mức tối đa đưa về cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt cùng các chi phí thuế, phí khác.
Riêng với xăng E5 và E10 sẽ được tính thêm giá của ethanol nhiên liệu được nhập khẩu và mua từ nguồn trong nước theo tỉ lệ nhất định.
Lý giải việc thay đổi công thức này, Bộ Công thương cho rằng trước đây khi ban hành nghị định 83, cơ cấu nguồn chủ yếu là xăng dầu nhập khẩu, chiếm tới 70%.
Tuy nhiên đến nay, sản xuất trong nước chiếm 70-75%, số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, làm tăng tính cạnh tranh; việc tham gia các hiệp định thương mại FTA dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau, nên cần thiết phải sửa đổi công thức tính giá cơ sở dựa trên các yếu tố chi phí hình thành từ hai nguồn, gắn với xác định mức thuế nhập khẩu phù hợp từ các nguồn khác nhau để đưa vào công thức tính giá.
Điều chỉnh biên độ tăng giá bán lẻ xăng dầu
Trước đây, nghị định 83 quy định các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trong phạm vi 3%, thương nhân được quyền tăng giá tương ứng; trường hợp tăng 5-7%, cơ quan quyết định giá là liên bộ Tài chính – Công thương; còn trường hợp tăng từ 7% trở lên thì báo cáo xin ý kiến Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tuy nhiên, với dự thảo sửa đổi, Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh từ mức 7% lên 10% sẽ báo cáo xin ý kiến Thủ tướng, nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt của cơ quan điều hành giá và bỏ quy định tự quyết giá của thương nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho rằng việc loại bỏ quyền tự chủ trong việc quyết định giá của thương nhân, cũng như nâng mức điều chỉnh giá từ 7% lên 10% mới xin ý kiến của Thủ tướng, sẽ làm khoảng cách biến động giá quá lớn mà không rõ cơ quan nào sẽ kiểm soát.
Trường hợp giá xăng dầu tăng ở mức dưới 10% thì thương nhân sẽ được quyền quyết định thế nào, và cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá ra sao.
Trong khi đó, việc tăng giá lên tới 10% có thể ảnh hưởng lớn tới điều hành kinh tế – xã hội, kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Với công thức tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính dựa theo sản lượng nhập khẩu của quý trước áp dụng để tính giá cơ sở từ nguồn nhập khẩu quý sau, theo vị chuyên gia này, là không phù hợp với Luật thuế xuất nhập khẩu.
Chưa kể, việc áp dụng mức thuế dựa trên cơ sở dữ liệu của quý trước để tính cho quý sau, có độ trễ tới 90 ngày, sẽ dẫn đến giá bán xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành quý sau không phản ánh đúng diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới; tính công khai, minh bạch không được đảm bảo.
Nới biên độ kiểm soát tới 10%, có dễ biến động mạnh?
Ngay cả cơ quan soạn thảo cũng nhìn nhận công thức tính giá xăng dầu này có hạn chế là có thể chưa phản ánh được hết thực tế mua bán xăng dầu từ nguồn trong nước, bởi hiện nay sản lượng xăng dầu mua từ nguồn trong nước chiếm đa số, giá mua bán là do doanh nghiệp trong nước quyết định và thỏa thuận đàm phán với doanh nghiệp đầu mối, nhưng cơ bản vẫn dựa trên giá thế giới, nên có thể dẫn tới việc nâng mức Premium lên quá cao để hưởng lợi.
Chưa kể mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền với nguồn nhập khẩu cũng đang cao hơn 10% cũng sẽ tác động đến công thức tính giá nguồn trong nước, khi các doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán lên tương ứng.
Vì vậy, phải tới năm 2024 thuế suất về 0% thì mức Premium của nguồn trong nước mới được điều chỉnh đúng yếu tố thị trường như nguồn nhập khẩu.
Tranh cãi việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 35%
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo sửa đổi nghị định 83 là việc cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước nếu có hoạt động sản xuất được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.
Theo WTO, xăng dầu là mặt hàng không cam kết, có quyền mở bất cứ lúc nào và từ thực tế, một số doanh nghiệp trong nước muốn cổ phần hóa đều phải xin cơ chế đặc thù về mở cửa nhà đầu tư nước ngoài, nên có tình trạng “mỗi doanh nghiệp xin một kiểu”.
Chưa kể nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là công ty đại chúng, niêm yết trên sàn, trong khi xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nên cần phải rà soát lại văn bản để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Cũng có ý kiến theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối xăng dầu nói chung.
Văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp cũng cho rằng hiện nay VN chưa cam kết mở cửa thị trường xăng dầu nên việc quản lý phụ thuộc vào quyết định của VN.
Vì vậy, việc quy định rõ trong dự thảo về tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần được đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách, nên đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đánh giá tác động để báo cáo Chính phủ.
Giữ nguyên quỹ bình ổn giá nhưng tăng tính công khai, minh bạch
Dự thảo sửa đổi nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu vẫn cơ bản giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu, với lý do xăng dầu cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nên giá bán xăng dầu trong nước phải được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của Nhà nước.
Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch và trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện trích lập, sử dụng và quản lý số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan soạn thảo cho hay đã đưa thêm cơ chế báo cáo, theo dõi (số dư tài khoản quỹ bình ổn giá tại ngân hàng), trách nhiệm công bố công khai số dư quỹ.
Đồng thời, rà soát sửa đổi quy định về cách tính lãi suất, nguồn tài chính trong trường hợp thương nhân xăng dầu đầu mối thực hiện sử dụng quỹ bình ổn giá trong khi quỹ bình ổn giá tại doanh nghiệp đang bị âm.
Bộ Tư pháp: còn một số băn khoăn
Trong báo cáo thẩm định dự thảo sửa đổi nghị định 83, Bộ Tư pháp cho rằng xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, không thuộc diện Nhà nước định giá.
Tuy nhiên, nguyên tắc điều hành giá hiện nay vẫn là cho phép thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối được quyền quyết định giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với chi phí thực tế phát sinh tại doanh nghiệp nhưng không cao hơn mức giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước công bố.
Vì vậy, theo Bộ Tư pháp, việc quy định giá tối đa dẫn đến cơ quan quản lý giá bán xăng dầu đang quản lý giá như đối với mặt hàng do Nhà nước định giá.
Chưa kể, dự thảo cũng không quy định cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được tăng giá bán lẻ tương ứng trong trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% như nghị định 83, mà chỉ quy định Bộ Công thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến trong trường hợp giá cơ sở tăng trên 10% hoặc giảm quá sâu, theo Bộ Tư pháp, có thể dẫn tới hạn chế quyền quyết định giá của thương nhân kinh doanh xăng dầu.
Việc quy định Thủ tướng xem xét, cho ý kiến biện pháp điều hành cụ thể cũng không rõ ràng và không phù hợp với vai trò của Thủ tướng, theo Bộ Tư pháp.\