Vì sao các nước xung quanh liên tục ‘khó ở’ với Bắc Kinh?
Vì sao các nước xung quanh liên tục ‘khó ở’ với Bắc Kinh?
Mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia liên tục gặp sóng gió, từ biên giới trên đất liền đến hải đảo. Theo chuyên gia, nguyên nhân do Trung Quốc đẩy mạnh hiện thực hoá “Trung Hoa mộng” khiến các nước thấy bị tổn hại lợi ích.
Ngày 31-8, Mỹ đã bắn tiếng về việc thể chế hóa Đối thoại An ninh bốn bên (nhóm QUAD) gồm Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thành một cơ chế như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cả bốn quốc gia này đều đang có những vấn đề nghiêm trọng với Trung Quốc.
Bối cảnh quốc tế mới và lãnh đạo mới, Úc và Ấn Độ đã cho thấy sự sẵn sàng tham gia sâu vào QUAD trong lúc Mỹ và Nhật Bản tìm cách thu hút các nước.
Trong cùng ngày Mỹ bắn tiếng về việc thể chế hóa QUAD, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc lại đối mặt nhau ở biên giới đất liền cách không xa nơi xảy ra cuộc chạm trán khiến hàng chục người thương vong hồi tháng 6. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cùng tố bên còn lại gây hấn trước.
Từ Canberra, Bộ Ngoại giao Úc cùng ngày 31-8 xác nhận một công dân nước này đang làm việc cho truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bị bắt giữ. Úc và Trung Quốc trước đó đã khẩu chiến trong các vấn đề an ninh mạng, nguồn gốc dịch COVID-19, thương mại và Biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Nguyễn Thành Trung – giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS) ở TP.HCM – nhận định việc liên tục có các căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước không hẳn xuất phát từ tính toán sai lầm của Bắc Kinh.
“Các động thái này là một phần trong kế hoạch hiện thực hóa ‘Trung Hoa mộng’ đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra. Nếu họ không làm trong năm 2019 – 2020 thì sang năm sau họ cũng sẽ làm”, ông Thành Trung lý giải.
“Tuy nhiên, Trung Quốc càng đẩy mạnh ‘Trung Hoa mộng’, nước này càng đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ của các nước xung quanh do liên tục đụng tới lợi ích của các quốc gia này. Các động thái này có thể chấm dứt khi các nước bị Bắc Kinh làm tổn hại lợi ích tập hợp lại cùng nhau”, chuyên gia của SCIS nêu quan điểm.
Ông Derek Grossman, một nhà phân tích cấp cao thuộc Tổ chức RAND (Mỹ), nhận định trong số bộ tứ QUAD, Mỹ là nước có nhiều vấn đề nhất với Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay QUAD vẫn công khai chống lại định nghĩa đây là một tập hợp chống Trung Quốc, điều mà ông Grossman cho là có tiếng nói của 3 nước còn lại. Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia của RAND, bối cảnh quốc tế mới sẽ đẩy QUAD đến mức công khai chống Trung Quốc.
Theo ông Grossman, việc công khai QUAD là một tập hợp chống Trung Quốc cũng có mặt hại. “Trung Quốc sẽ sử dụng điều này để tuyên truyền rằng Mỹ là người gây bất ổn khu vực để cảnh báo các nước. Nga có thể sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tạo áp lực chọn phe ở Đông Nam Á và Nam Á”.
Trong ngắn hạn, việc đẩy nhanh thể chế hóa QUAD và mở rộng nó dường như không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun, dù ý tưởng rất hấp dẫn, điều quan trọng là các nước phải tiến lên phía trước cùng một lúc. Việc chỉ tập trung củng cố QUAD vào giai đoạn hiện tại còn xuất phát từ một lý do khác là cuộc bầu cử ở Mỹ.
“Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, hoặc tệ nhất là thua cuộc, chính quyền tiếp theo hoặc nhiệm kỳ 2 của ông Trump sẽ nhận thấy mở rộng QUAD là một điều gì đó rất đáng để khám phá”, nhà ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.