18/11/2024

Mỹ – Nhật liên minh phòng thủ tên lửa toàn diện

Mỹ – Nhật liên minh phòng thủ tên lửa toàn diện

Trong cuộc hội đàm vừa qua ở đảo Guam, bên cạnh việc chỉ trích hành vi của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono thống nhất mở rộng hợp tác quốc phòng song phương.
Mỹ đang nâng tầm khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện /// US NAVY
Mỹ đang nâng tầm khả năng phòng thủ tên lửa toàn diện US NAVY
Theo thông tin do Lầu Năm Góc công bố ngày 30.8 (theo giờ Việt Nam), trong cuộc gặp trên, hai bộ trưởng chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Cụ thể, Mỹ và Nhật lo ngại các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như các diễn biến quanh eo biển Đài Loan, tình hình Hồng Kông.

Phòng ngừa tấn công tổng hợp

Giữa bối cảnh như vậy, Washington và Tokyo thống nhất tăng cường hợp tác quân sự, nâng cao năng lực liên minh. Trong đó, đặc biệt là hệ thống tích hợp phòng thủ tên lửa và phòng không (IAMD), cùng các chức năng tình báo – giám sát – trinh sát (ISR).
Về ISR, một số chuyên trang quân sự gần đây cung cấp hình ảnh và thông tin cho thấy lục quân Mỹ đã điều động một máy bay ISR đến Nhật. Đây là loại máy bay được cho là “sở chỉ huy trên không” của quân đội Mỹ, nhằm giúp cho lục quân hỗ trợ hải quân để phối hợp các hoạt động quân sự ở Indo-Pacific trước các hành động của Trung Quốc.
Còn IAMD được xem là một bước tiến mới trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa toàn diện. Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho biết: “IAMD là hệ thống phòng thủ có tính tích hợp cao, được thiết kế để phòng thủ trước một cuộc tấn công phối hợp trên không bao gồm tổng lực tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình…”.
Cựu đại tá Schuster giải thích thêm rằng IAMD đòi hỏi nền tảng kỹ thuật công nghệ rất cao khi phải xây dựng hệ thống cảnh báo và theo dõi rất phức tạp, từ đó xác định mức độ ưu tiên đánh chặn, đưa ra kế hoạch tác chiến.

Bước tiến mới về phòng thủ

Theo Viện Nghiên cứu hải quân Mỹ, giờ đây cần đánh giá lại hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD). Một thách thức mà hải quân đang đối mặt là bảo vệ tàu sân bay và tàu đổ bộ trước tên lửa đạn đạo chống hạm. Bên cạnh đó, hải quân cũng cần phối hợp phòng thủ trước tên lửa đạn đạo tấn công các mục tiêu trên đất liền. Các loại vũ khí tấn công từ trên không ngày nay đa dạng bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, phương tiện bay bội thanh… Trong đó, ở Indo-Pacific, một thách thức mà Mỹ đang đối mặt là các tàu chiến, đặc biệt là tàu sân bay và tàu đổ bộ, của nước này đang bị đe dọa bởi tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc. Mới đây, ngày 26.8, Trung Quốc đã phóng thử hai tên lửa đạn đạo chống hạm là Đông Phong 21 và Đông Phong 26 ra Biển Đông.
Thực tế trên khiến hệ thống phòng thủ tên lửa phải có bước tiến mới, trong đó không chỉ đánh chặn tên lửa mà thậm chí phải phá hủy hệ thống phóng và phối hợp tác chiến của đối phương. Việc đánh chặn “đơn lẻ” nhằm vào tên lửa được nâng cao thành đánh chặn mang tính hệ thống, tức giải quyết tận gốc chứ không chỉ “phần ngọn”.
Theo đó, IAMD sẽ bao gồm năng lực tấn công vào hệ thống cảm biến và radar đối phương (vốn là thành phần quan trọng của một hệ thống tên lửa), tấn công mạng để vô hiệu hóa năng lực tác chiến của đối phương. Kèm theo đó là đánh chặn tên lửa và tấn công vào hạ tầng hỗ trợ của đối phương. Đây chính là giải pháp phòng thủ toàn diện mới mà Mỹ và Nhật đang hợp tác xây dựng ở Indo-Pacific.
HOÀNG ĐÌNH
TNO