23/12/2024

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh vắng hơn một nửa

Thi đánh giá năng lực: Thí sinh vắng hơn một nửa

Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 đã diễn ra hôm qua (30.8) sau nhiều lần dời lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ghi nhận cuối buổi thi có trên 55% thí sinh vắng thi.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Đăng ký trên 53.000, dự thi trên 23.000

Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức diễn ra ở 4 địa phương: TP.HCM, Bến Tre, An Giang và Nha Trang (Khánh Hòa). Theo số liệu, đợt thi này có 53.341 thí sinh (TS) đăng ký (TP.HCM 43.770, Nha Trang 3.955, An Giang 2.820 và Bến Tre 2.796). Tuy nhiên, số TS đến dự thi chỉ 23.768, đạt tỷ lệ 44,56% (tỷ lệ vắng thi nhiều nhất tại An Giang, tới gần 63%, Bến Tre trên 61%).

Đề thi không khó nhưng cách hỏi mới

TS Quý Trung (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) cho biết cảm thấy tự tin làm đúng khoảng 70 – 80% bài thi. TS này cho rằng đề thi kiểm tra kiến thức cơ bản ở nhiều lĩnh vực và cũng có tính phân loại. Riêng phần kiến thức khoa học tự nhiên, nếu đề thi tốt nghiệp THPT có những bài toán khó kiểu đánh đố, yêu cầu áp dụng kiến thức từ sách giáo khoa thì ở đây đòi hỏi khả năng suy luận, giải quyết vấn đề nhiều hơn.
Cũng đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TS Trung Hải cho biết đề không quá khó nhưng cách hỏi của đề khá mới, một số câu lạ.

Lý giải về số TS đăng ký nhưng không đến thi, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: “Một số TS đã trúng tuyển từ trước bằng các phương thức khác, một số TS đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không cần tham gia thi nữa. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại tác động đến tâm lý một bộ phận TS”.

Trong khi đó, thực tế ghi nhận từ các điểm thi, không ít TS có điểm thi tốt nghiệp THPT cao hoặc đã trúng tuyển vẫn tham gia kỳ thi để tăng cơ hội lựa chọn hoặc thêm cơ hội trải nghiệm.
Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Đình Khang (Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) cho biết đã trúng tuyển ngành khoa học máy tính chương trình chất lượng cao tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM diện ưu tiên xét tuyển. Còn Khánh Hưng (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) đã đạt 26,8 điểm tổ hợp A01. TS này cho biết tham dự kỳ thi năng lực để thử sức mình và chắc chắn hơn khả năng xét tuyển vào ngành kỹ thuật y sinh của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM…

Trường có điều chỉnh chỉ tiêu ?

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, kết quả kỳ thi đợt 1 sẽ được công bố trước ngày 7.9. Đợt 2 kỳ thi này dự kiến được tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 khoảng một tuần dành cho trên 6.000 TS tại cụm thi Đà Nẵng và TP.HCM. Nhưng trước tỷ lệ TS dự thi thấp, đại diện nhiều trường có đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh cho biết sẽ chuẩn bị sẵn những phương án điều chỉnh phù hợp.

Tư vấn trực tuyến: Lựa chọn hướng vào ĐH phù hợp với điểm số

Vào 14 giờ 30 hôm nay (31.8), Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến xét tuyển vào các trường ĐH với chủ đề “Lựa chọn hướng vào ĐH phù hợp với điểm số”. Chương trình được phát sóng trên các kênh: thanhnien.vnFacebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM; Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM; Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Tân Tạo; Thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM; Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến.
Bảo Hân 

Tiến sĩ Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ngay từ đầu đề án tuyển sinh của trường xác định chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này dao động từ 30 – 70% tổng chỉ tiêu. Do vậy, trường hợp không tuyển đủ TS tối đa như mong muốn, tỷ lệ còn lại sẽ tự động điều chuyển cho phương thức còn lại. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phúc, ngay từ những năm đầu, trường xác định chỉ xét tỷ lệ nhất định những TS tốp đầu của kỳ thi này. Do vậy, việc điều chỉnh chỉ tiêu sẽ căn cứ trên số lượng và chất lượng TS cụ thể đăng ký xét tuyển vào trường.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết có thể trường sẽ điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét TS thi năng lực còn khoảng 10% tổng chỉ tiêu (thay vì tối đa 20% tổng chỉ tiêu như đề án ban đầu). Số chỉ tiêu còn lại, trường sẽ chuyển sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết năm nay trường chỉ xét 350 chỉ tiêu theo phương thức này. Trường không điều chỉnh chỉ tiêu nhưng có thể thay đổi mức nhận hồ sơ xét tuyển, 650 điểm thay vì 700 (trên tổng số 1.200 điểm toàn bài thi).
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã có điều chỉnh giảm nhẹ chỉ tiêu xét tuyển ở phương thức thi đánh giá năng lực. Thay vì xét tối đa 50% tổng chỉ tiêu, trường điều chỉnh giảm còn tối đa 40%. Trường ĐH Nha Trang cũng giảm 5% xuống còn tối đa 20% tổng chỉ tiêu năm nay (tương đương 700 TS) cho xét điểm năng lực.
HÀ ÁNH
TNO