Chơi ‘ngoại giao vắc xin’: Ấn Độ đi sau nhưng uy tín hơn Trung Quốc
Chơi ‘ngoại giao vắc xin’: Ấn Độ đi sau nhưng uy tín hơn Trung Quốc
Trung Quốc đưa ra các hứa hẹn ưu tiên vắc xin với các nước láng giềng, thì Ấn Độ cũng hứa hẹn tương tự. Các công ty Ấn Độ được đánh giá giữ một số lợi thế so với phía Trung Quốc để đưa vắc xin ra thế giới nếu thành công.
Khi Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla có mặt tại thủ đô Dhaka tuần trước để cố gắng vá lành mối quan hệ căng thẳng với Bangladesh, một trong những lời đề nghị hấp dẫn ông đưa ra chính là về vắc xin ngừa COVID-19. Ông cho biết Bangladesh sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc xin do Ấn Độ sản xuất.
“Khi vắc xin được sản xuất, hiển nhiên những nước láng giềng, những người bạn, những đối tác và những nước khác thân thiết nhất của chúng tôi sẽ là một phần trong đó” – ông Harsh Vardhan Shringla nói với các phóng viên ở Dhaka, Bangladesh.
Đó là một phần trong bức tranh về “ngoại giao vắc xin” mà Ấn Độ vừa mới khởi động, được báo Straits Times tường thuật trong bài viết hôm 28-8.
“Ngoại giao vắc xin” của quốc gia Nam Á này diễn ra vào thời điểm đối thủ chiến lược của họ là Trung Quốc cũng đưa ra những hứa hẹn tương tự với Bangladesh.
Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo, đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh Lý Cực Minh (Li Ji Ming) thậm chí đề xuất trở thành “tình nguyện viên đầu tiên” tham gia thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc xin hãng Sinovac (Trung Quốc) khi tiến hành ở Bangladesh.
Sau hơn 1 tháng cân nhắc, Bangladesh vừa cho phép các cuộc thử nghiệm của Sinovac được tiến hành ở nước này hôm 27-8. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đưa ra những hứa hẹn ưu tiên tương tự cho Pakistan và các nước ở châu Phi.
Một nguồn tin Chính phủ Ấn Độ nói với báo Straits Times rằng các chi tiết trong chương trình chia sẻ vắc xin sẽ được đưa ra khi Ấn Độ đã chắc chắn về việc có được một vắc xin thành công. “Khi chúng tôi triển khai, chúng tôi sẽ tuân thủ chính sách Láng giềng trên hết” – nguồn tin nói.
Trước khi cung cấp vắc xin cho nước khác, Ấn Độ sẽ cần tiêm vắc xin cho 1,3 tỉ dân của họ. Trong khi đó, Trung Quốc có thể có khởi đầu tốt hơn trong việc xuất khẩu vắc xin do nước này nhìn chung đã kiềm chế được đại dịch.
Tuy nhiên, tiến sĩ Rory Horner, giảng viên đến từ Đại học Manchester (Anh), bình luận so với các công ty Trung Quốc, các công ty Ấn Độ có lợi thế nhờ từ lâu đã được xem là một đối tác sản xuất và là nhà cung cấp vắc xin, thuốc men đáng tin cậy trên toàn cầu.
“Họ được trao cho lợi thế xét về các mối quan hệ đáng tin cậy, phê chuẩn chất lượng và quan hệ đối tác với các công ty, chính phủ, tổ chức quốc tế… khi cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu nếu vắc xin chứng minh hiệu quả” – tiến sĩ Horner giải thích, đồng thời nói thêm rằng các công ty Trung Quốc không có một chỗ đứng tốt tương tự để cung cấp vắc xin khắp thế giới.
Trong khi Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa chốt về cách thức chia sẻ vắc xin với nước khác, tiến sĩ Bhaskar Balakrishnan đến từ Hệ thống Nghiên cứu và thông tin dành cho các nước đang phát triển (RIS) ở Delhi cho rằng Ấn Độ có thể thực hiện thông qua Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ đã có từ năm 1964.
Cách tiếp cận này có thể sẽ khác với cách làm của Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh được cho là cung cấp vắc xin thông qua các khoản vay mượn đòi hỏi phải trả lại.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) – nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới xét về năng lực sản xuất – đã đạt được một hợp đồng sản xuất cho hai ứng viên vắc xin hàng đầu đến từ hãng dược AstraZeneca và Novavax.
Họ cũng hợp tác với GAVI (Liên minh Vắc xin toàn cầu) và Quỹ Bill & Melinda Gates để tăng tốc sản xuất và phân phát lên tới 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Ấn Độ và các nước có thu nhập trung bình, thấp trong năm 2021. Nga cũng đang xem xét khả năng sản xuất vắc xin Sputnik V ở Ấn Độ.
Tuần này, SII đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 tại Ấn Độ với vắc xin Covishield của hãng AstraZeneca. Bharat Biotech và Zydus Cadila, hai công ty Ấn Độ đang phát triển các vắc xin nội địa, đã hoàn thành những cuộc thử nghiệm giai đoạn 1.