Được hỗ trợ, vẫn khó cho vay
Cụ thể theo nghị định (NĐ), hạn mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tối đa 100 triệu đồng (quy định cũ là 50 triệu đồng). Đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn tối đa 200 triệu đồng (quy định cũ 100 triệu đồng). Đối với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án. Ngoài ra, NĐ còn đưa ra một số ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng như không phải nộp phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại phòng công chứng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm…
Trên thực tế, so với các lĩnh vực khác, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dù được hỗ trợ nhiều về chính sách trong thời gian qua nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng không cao bằng. Điều này cũng dễ hiểu bởi cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khách hàng liên tiếp bị thiệt hại bởi nhiều đợt thiên tai, dịch bệnh; lĩnh vực xuất khẩu nông sản luôn đối mặt với rào cản thương mại phức tạp, khắt khe; tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết bộc lộ hạn chế; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của ngân hàng (NH). Bên cạnh đó, doanh nghiệp nông nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn như phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi, năng lực tài chính hạn chế, thông tin tài chính thiếu minh bạch… dẫn đến khó tiếp cận vốn.
Tăng cường bảo lãnh tín dụng để NH mạnh dạn cho vay
NĐ 116 có hiệu lực từ ngày 25.10. Như vậy chỉ còn 21 ngày nữa những quy định mới, cởi mở hơn sẽ chính thức được áp dụng. Thế nhưng khi đề cập đến việc chuẩn bị triển khai, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank, là NH dành 70% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn) cho hay đang chờ thông tư hướng dẫn thực hiện. Phía NHNN phản hồi hiện đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện và dự kiến sẽ ban hành trước ngày 25.10. Ngoài NHNN, NĐ116 cũng còn liên quan đến các bộ ngành khác như Bộ Tư pháp hướng dẫn việc không thu phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và phí đăng ký giao dịch bảo đảm; Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện khoanh nợ cho khách hàng…
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, NH ngại cho vay nông nghiệp, nông thôn vì rủi ro cao bởi dễ bị nợ xấu khi xảy ra thiên tai, lũ lụt… NĐ 116 đã mở hướng giải quyết nợ xấu bằng cách cho NH giữ nhóm nợ để họ mạnh dạn hơn trong việc cho vay, dùng ngân sách trả lãi. Thế nhưng nợ không đòi được thì vẫn là nợ xấu, NH cho vay vẫn có thể mất vốn bởi những rủi ro khí hậu, mùa màng là điều nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Trải qua khoảng 10 năm gánh nợ xấu và hiện vẫn phải xử lý những khoản này nên các NH đều rất sợ, đặc biệt là các NH thương mại. “Các biện pháp hỗ trợ phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn là điều cần thiết nhưng Chính phủ cần tăng cường biện pháp bảo lãnh tín dụng để các NH mạnh dạn cho vay hơn. Đối với biện pháp dùng ngân sách trả lãi đối với các khoản khoanh nợ, cần có quy định cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn để thực hiện. Khi ngân sách dồi dào, chính quyền địa phương, T.Ư có nguồn để trả lãi cho NH, nhưng trong bối cảnh khó khăn thì như thế nào”, ông Hiếu đặt vấn đề.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng NĐ 116 có nhiều điểm mới, đối với khoanh nợ hay bù đắp giảm lãi ở tổ chức tín dụng, cần có cơ chế quy trình đơn giản hoá, không kéo dài thời gian bù đắp lãi cho NH để các NH không “oải” khi tham gia.
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tính đến tháng 6.2018 tăng 4,41% so với cuối năm trước, đạt hơn 669.756 tỉ đồng. Trong khi đó, dư nợ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,81% so với cuối năm trước; hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tăng 9,77%; các dịch vụ khác tăng 7,64%.
|
THANH XUÂN