Vì sao giá gạo Việt cao hơn Thái Lan?
Vì sao giá gạo Việt cao hơn Thái Lan?
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), trong 3 “cường quốc” xuất khẩu gạo trên thế giới là VN, Thái Lan và Ấn Độ, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của VN đang ở mức cao nhất.
Những ngày qua, gạo 5% tấm của VN được giao dịch ở mức gần 500 USD/tấn, cao hơn khoảng 20 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan. Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL xuống giống vụ hè thu 1,4 triệu hecta thì đã thu hoạch 930.000ha.
Lúa mới trổ bông đã đặt cọc mua
Gạo VN xuất khẩu bán được giá cao, kéo theo giá lúa tại ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung tăng đáng kể.
Vừa thu hoạch xong 2ha lúa hè thu, ông Nguyễn Văn Non (xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) tậu ngay một chiếc xe tay ga trên 30 triệu đồng cho con trai mới thi tốt nghiệp THPT như một phần quà. Giá lúa nhảy lên 5.620 đồng/kg, ông nói: “Tui làm ruộng gần 40 năm, chưa bao giờ thấy giá lúa lại tốt như vậy. Thu hoạch được 14 tấn, trừ chi phí tôi còn lời gần 70 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Văn Khải (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cũng vui vẻ cho biết vụ hè thu này anh thuê 3ha đất trồng lúa giống Đài Thơm 8, được khoảng 17 tấn, bán được giá 6.200 đồng/kg. “Đây là lần đầu tôi thấy giá lúa trong vụ hè thu cao hơn vụ đông xuân. Trả chi phí thuê đất, mưa gió giảm năng suất, nếu không tôi đâu chỉ lời 30 triệu đồng” – anh Khải nói.
Bà Nguyễn Ngọc Hóa (ngụ xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho biết nhiều thửa ruộng lúa mới trổ bông đã được thương lái đến tận ruộng đặt cọc mua với giá cao.
Hạt gạo Việt được nâng chất
Ông Nguyễn Văn Đôn – giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) – cho biết rất vui khi từ đầu tháng 8-2020, giá gạo của VN đang so kè từng ngày rồi cao hơn Thái Lan từ 10 USD, sau đó lên gần 20 USD/tấn.
“Chuyện giá gạo VN cao hơn Thái Lan là khá hiếm” – ông Đôn nói và cho rằng ngọn nguồn là từ việc nông dân chịu thay đổi, làm lúa chất lượng. Các công ty cũng từng ngày nâng chất lượng, giữ uy tín hạt gạo Việt, nhất là gần đây gạo ST25 thắng giải gạo ngon nhất thế giới nên thế giới công nhận và ưa chuộng hạt gạo Việt của ta hơn.
Ông Võ Văn Chiêu – giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng – cho rằng ngoài tâm lý tích trữ lương thực trong mùa dịch bệnh tăng cao, ảnh hưởng thời tiết bất lợi, phải ghi nhận cũng nhờ “hơi” gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới cuối năm 2019 mà giá gạo xuất khẩu đã thay đổi thứ hạng. Ông Chiêu cho rằng không chỉ trong nước, nhiều người tiêu dùng nước ngoài cũng khát khao được một lần thưởng thức gạo ngon nhất thế giới.
“Nhiều yếu tố gộp lại để hạt gạo Việt vươn tầm thế giới với giá cao như hiện nay. Không chỉ gạo 5% tấm của VN cao hơn Thái Lan mà gạo thơm ST cũng đang vượt qua ngưỡng 1.000 USD/tấn. Đây thật sự là cơ hội tốt cho hạt gạo VN mở rộng thị trường” – ông Chiêu kỳ vọng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực thị trường gạo nhận định, giá gạo xuất khẩu của VN đã lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do nhu cầu trên thế giới tăng cao trong khi nguồn cung hai nước Ấn Độ, Thái Lan vẫn bị hạn chế.
Một điểm nữa là chất lượng gạo VN năm nay rất cao, đặc biệt là gạo thơm, nên kéo giá gạo tăng lên. Chuyên gia này dự báo, từ nay đến cuối năm, dự báo giá gạo xuất khẩu của VN sẽ vẫn giữ ở mức cao nếu Thái Lan không đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
“Theo đánh giá chung thì giá gạo xuất khẩu VN có thể tăng nữa vì một số nước giảm xuất khẩu trong khi nhu cầu trên thế giới tăng cao”, vị này thông tin thêm.
Còn nhiều nỗi lo
Tuy nhiên, theo ông Chiêu, vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Vì dù tăng trưởng mạnh nhưng phần lớn gạo Sóc Trăng và nhiều địa phương được xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Philippines, Trung Quốc và Đài Loan, còn những thị trường khó tính lại chưa nhiều.
Cùng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo lớn ở An Giang cho biết giá gạo của VN hiện nay cao hơn so với các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, tuy nhiên thị trường dường như đã bình ổn, các nước cần gạo họ đã mua trước đó.
“Ngoài thị trường truyền thống, các doanh nghiệp hiện rất khó tìm được thị trường mới” – đại diện doanh nghiệp này nói.
Anh hùng lao động, cha đẻ gạo ST25 Hồ Quang Cua cho biết trong nhiều năm qua, có thời điểm gạo thơm ST được bán ra nước ngoài giá trên 1.000 USD/tấn, qua mặt gạo thơm của Thái Lan, nhưng chẳng ai ngó ngàng đến. “Gần đây mọi người quan tâm hơn. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để nâng tầm hạt gạo Việt, giúp nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn” – ông Cua chia sẻ.
Ông Cua cho biết thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp nhờ ông phối hợp, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu lúa thơm ST24 và ST25. “Những doanh nghiệp này đầu tư bài bản, hợp đồng với nông dân hẳn hoi, sản xuất đúng quy trình nên hứa hẹn có vùng nguyên liệu lớn, an toàn phục vụ xuất khẩu vào những thị trường khó tính” – ông Cua cho biết.
Ông Trần Anh Thư – phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết tỉnh này đang sản xuất lúa theo tiêu chuẩn của diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform) gắn với thương hiệu để vào thị trường châu Âu. Một khi doanh nghiệp làm, nông dân sẽ theo. Còn để nông dân tự bơi, không ai hướng dẫn quy trình gạo xuất khẩu thì rất khó tiếp cận thị trường châu Âu.
Ông Hồ Quang Cua (Anh hùng lao động): Giữ phong độ mới khó
Gạo bán được giá cao, nông dân vui mừng, từ đó mở ra hi vọng cho hàng triệu nông dân có thể giàu lên từ trồng lúa. Thời gian qua không chỉ có hiện tượng giả gạo ST25 mà ngay cả giống lúa này cũng bị giả. Đã có được thành tựu, có tiếng vang, xuất khẩu bán giá cao, nhưng nếu không ngăn chặn tình trạng sản xuất giống ST25 giả, nay mai chất lượng sẽ bị xuống dốc, khách hàng không còn tin tưởng nữa.
Có phong độ rồi, cần phải giữ được phong độ đó mới là cái khó. Do vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp, xử lý thật nghiêm để răn đe.
Tăng trồng lúa
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 7 tháng đầu năm, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỉ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân nửa đầu năm đạt 487,6 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho hay theo kế hoạch hằng năm, vụ thu đông ở ĐBSCL sẽ gieo trồng không quá 750.000ha nhưng năm nay, trước bối cảnh dịch COVID-19 và giá gạo đang tăng cao, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương tăng cường gieo trồng ít nhất 800.000ha để bảo đảm tăng trưởng của ngành, vừa đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.