Kích cầu, tăng sức mua để cứu doanh nghiệp
Kích cầu, tăng sức mua để cứu doanh nghiệp
Cần có gói kích thích nhằm tăng sức mua của người dân, bên cạnh đẩy mạnh đầu tư công, đó là giải pháp quan trọng để cứu doanh nghiệp.
Nhưng tăng sức mua bằng cách nào khi nhiều người giảm thu nhập, mất việc?
Vấn đề này được nêu ra tại “bàn tròn” giữa Tuổi Trẻ với TS Trương Văn Phước – nguyên quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, và TS Trần Ngọc Thơ – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.
Duy trì sinh kế quan trọng không kém chống dịch
* Covid-19 quay lại, có ý kiến cho rằng nên ưu tiên chống dịch, đừng để kinh tế ảnh hưởng chống dịch vì không thể vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ông nghĩ sao?
– Ông Trương Văn Phước: Cho đến nay chúng ta vẫn quyết liệt “chống dịch như chống giặc”. Nhưng dù tập trung cao độ chống dịch cũng không thể triệt tiêu hay lơ là ý chí thúc đẩy phát triển kinh tế. Duy trì sinh kế và cuộc sống người dân quan trọng không kém chống dịch.
Cả thế giới đều làm thế. Trong cao điểm chống COVID-19 đợt 1, chúng ta có gói 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Dù triển khai còn chậm, nhưng đó là định hướng để tiếp tục có những gói hỗ trợ tiếp. Theo tôi, chống dịch và phát triển kinh tế, hai vấn đề này phải hài hòa, không triệt tiêu lẫn nhau.
* Kiên trì thực hiện mục tiêu kép chống dịch và phát triển kinh tế, Thủ tướng có nhắc phải nới lỏng có kiểm soát tiền tệ và tài khóa, có gì khác và mục tiêu là gì?
– Ông Trần Ngọc Thơ: Nới lỏng theo 2 hướng lượng và chất. Về lượng, làm sao cho tiền ra ngoài thị trường nhiều hơn để kích thích mua sắm, tạo việc làm. Tiền ở đâu? Từ nới lỏng. Nới lỏng tài khóa là Nhà nước giảm thuế, vay mượn nhiều hơn để chi tiêu.
Nới lỏng tiền tệ là Ngân hàng Nhà nước làm sao cho hệ thống ngân hàng có nhiều vốn với lãi suất thấp hơn.
Về lượng, phải nới điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn; dự án đầu tư công cũng bớt thủ tục đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế.
Trước đây chúng ta nới lỏng theo hướng “thận trọng”, hàm ý phòng thủ. Nay COVID-19 trở lại, chúng ta chuyển sang nới lỏng “kiểm soát”, hàm ý đột phá, táo bạo nhưng vẫn tuân thủ khuôn khổ.
Vấn đề là khuôn khổ này phải được nới ra. Nếu không, ai cũng sợ không dám làm gì, tình hình khó thay đổi.
Giảm thuế để ngăn sức mua đang chậm lại
* Chính phủ sẽ vay thêm tiền, nhưng đầu tư công vẫn gian nan tiêu tiền, vậy khi nới lỏng, đưa tiền qua kênh nào?
– Ông Trương Văn Phước: Chính phủ đã đưa ra hình tượng cỗ xe tam mã để duy trì phát triển, gồm xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và đầu tư công. VN vẫn xuất siêu hàng tỉ USD, nhưng phải lường các nước nhập khẩu cũng gặp khó do COVID-19.
Giải ngân vốn đầu tư công đang chuyển biến mạnh mẽ, nhưng phải đẩy nhanh hơn trong 5 tháng cuối năm.
Về tiêu dùng nội địa, tiềm năng vô cùng lớn, dù có dịch người dân vẫn phải tiêu dùng. Hiện sức mua đang chậm lại, vì vậy phải kích thích qua hai yếu tố: giá hàng hóa phải rẻ đi thông qua giảm thuế và người dân có thêm tiền để chi tiêu.
Để người dân có tiền, đầu tiên là phải duy trì làm ăn bình thường, kế đến là mở rộng tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp hơn thông qua giảm tỉ lệ rủi ro, cuối cùng là có thêm gói hỗ trợ như gói 62.000 tỉ đồng cho người mất thu nhập.
Việc giảm thuế và hỗ trợ thu nhập cho người thất nghiệp chính là vai trò của chính sách tài khóa.
* Hiện các bộ ngành lấn cấn, muốn cứu kinh tế phải có tiền, nhưng nới lỏng để có tiền lại sợ đụng “khuôn thước” trần nợ công, bội chi ngân sách…?
– Ông Trương Văn Phước: VN nhiều năm qua đã nỗ lực giảm bội chi ngân sách (hiện còn 3,45% so với mức khống chế 5% GDP) và nợ công dưới 60% (trần là 65% GDP). Trong bối cảnh cần kích thích sức mua, bội chi có thể mở rộng lên hơn 5% GDP và nợ công cao hơn 60% GDP.
Vậy Chính phủ vay tiền trong hay ngoài nước? Kinh tế VN vẫn tăng trưởng, kiểm soát dịch bệnh tốt, vốn gián tiếp nước ngoài vẫn đổ vào, họ mua trái phiếu, Chính phủ vay thêm để hỗ trợ chi tiêu cho người dân. Đây là cách vay trong nước từ nguồn vốn nước ngoài.
Cẩn thận với lạm phát
* Theo ông, vì sao Ngân hàng Nhà nước chưa hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc để tăng thêm tiền, giúp ngân hàng có nhiều vốn rẻ?
– Ông Trần Ngọc Thơ: Không loại trừ Ngân hàng Nhà nước sử dụng công cụ này cho các giai đoạn sau nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến kinh tế. Nhưng trước mắt có thể áp dụng giải pháp dung hòa.
Như hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc với ngân hàng dành nhiều vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các dự án, công trình có hiệu quả theo mục tiêu của Chính phủ nhằm không để đứt gãy sản xuất.
Điều này sẽ khích lệ nhiều ngân hàng tham gia hợp tác cùng với Chính phủ cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công trình quốc kế dân sinh.
– Ông Trương Văn Phước: Dự trự bắt buộc là công cụ để ngân hàng trung ương kiểm soát lượng tiền đưa vào nền kinh tế được nhiều nước áp dụng qua đó kiểm soát lạm phát. Mỗi nước có mức khác nhau, tại VN hiện là 3%, ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực.
Nên sử dụng dự trữ bắt buộc thế nào? Trong 7 tháng đầu năm, vốn huy động tăng 5,7% trong khi cho vay chỉ tăng 4,03%, cho thấy hệ thống ngân hàng đang thừa tiền.
Đúng là nền kinh tế đang cần vốn rẻ hơn nhưng cần lưu ý, năm 2020 lạm phát trên thế giới đều ở mức thấp, nhưng với những năm sau đó cần theo dõi chặt chẽ.
Vì các nước đều tung gói kích thích kinh tế, đã xuất hiện tâm lý lo lắng lạm phát quay trở lại. Giá vàng thế giới tăng phi mã phản ánh nỗi lo này. Do vậy, VN giữ dự trữ bắt buộc 3% là hợp lý, chính là chốt chặn để kiểm soát lạm phát trong tương lai.
Ông Trần Ngọc Thơ: Nên giảm thuế để kích tiêu dùng
Các nước đều giảm thuế để kích tiêu dùng. Hàn Quốc giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 50.000 – 60.000 USD. Có 900.000 người tiết kiệm được 160 – 660 USD, nguồn thu thuế giảm 720 triệu USD trong 2 năm tới. Nước này còn phát phiếu quà tặng trị giá 5 tỉ USD và 2,5 tỉ USD tem phiếu để dân mua sắm…
Còn Đài Loan phát hành “Phiếu mua hàng kích thích tiêu dùng gấp 3 lần”. Bỏ 1.000 đài tệ sẽ nhận phiếu mua hàng 3.000 đài tệ. Người thu nhập thấp và trung bình thì được cấp phiếu mua hàng 3.000 đài tệ… VN có thể giảm thuế qua tem thuế có thời hạn, khi mua hàng được trừ khoản thuế này ra…
Việc giảm thuế để kích cầu có hiệu ứng rộng hơn, bên cạnh cấp tem phiếu hay phát tiền cho người mất thu nhập. Cách kích cầu này hữu hình, chứ không phải như tình trạng “giá chỉ giảm trên tivi” như từng xảy ra với thịt heo.