23/12/2024

Nhiều hướng đi sau lớp 9

Nhiều hướng đi sau lớp 9

Sở GD-ĐT TP.HCM đã công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm 2020 – 2021. Theo chỉ tiêu lớp 10 công lập với hơn 66.000 thì dự kiến có gần 20.000 học sinh không trúng tuyển.

 

Nhiều hướng đi sau lớp 9 - Ảnh 1.

Học sinh Trường trung cấp Việt Giao (TP.HCM) trong giờ thực hành nghiệp vụ buồng phòng du lịch khách sạn. Đây là một trong những trường tuyển nhiều học sinh vào học khi tốt nghiệp THCS – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi nghĩ rằng học trường công không phải là con đường duy nhất. Học tiếp tục bậc THPT ở trường nghề, học nghề cũng là con đường sáng cho tương lai.

Ông NGUYỄN VĂN LÂM (phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM)

Hướng đi nào cho những em này?

Còn nhiều lựa chọn

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, nếu không đậu vào các trường THPT công lập, học sinh có thể chọn tiếp tục học ở các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cũng cho hay những em không đậu lớp 10 công lập vẫn còn nhiều lựa chọn tại các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

“TP.HCM có hơn 100.000 học sinh hoàn thành THCS nhưng có 82.000 em tuyển sinh vào lớp 10. Nghĩa là hơn 20.000 em đã xác định được việc học ở bậc THPT. Và sau kỳ thi, khoảng 20.000 em đó sẽ lựa chọn ở các trường ngoài công lập, GDTX và hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp. Tổng chỉ tiêu tôi nắm được từ các hệ này là hơn 35.000. Tức là tất cả học sinh đều có quyền lựa chọn sau THCS rất thuận tiện” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Hiếu thông tin thêm: “Hiện nay chương trình GDTX và THPT giống nhau. Các em chọn trường trung cấp chuyên nghiệp đi làm phụ giúp gia đình sau đó học liên thông vẫn được. Hoặc các em chọn trung tâm GDTX tại địa phương cho gần nhà, đi lại tiện. Nhìn chung, phải đặt việc chọn trường sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình lên trước tiên…”.

Đa dạng ngành nghề

Theo thống kê của Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, hiện thành phố có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: 52 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp, 86 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 364 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp cho thị trường lao động gần 250.000 người tốt nghiệp các trình độ. Chất lượng đào tạo một số lĩnh vực như điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ… được quan tâm tuyển dụng. Bình quân, khối trung cấp có gần 80% học sinh tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, khối cao đẳng thì có gần 82%.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở Lao động – thương binh và xã hội TP.HCM, đánh giá: “Công tác tuyển sinh các hệ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp trong năm 2019 vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó có 9 ngành dịch vụ tiếp tục chiếm tỉ trọng cao trong tổng số người học tuyển mới (chiếm hơn 75%), còn lại là 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và nghề tự do, dịch chuyển lao động”.

Ông Lâm dẫn cụ thể ngành cơ khí điện, điện công nghiệp, công nghệ thông tin, đó là những ngành nhu cầu xã hội cao. “Dẫn như thế để các em học sinh cân nhắc lựa chọn ngành trong đa dạng các ngành ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp” – ông Lâm nói.

Giới thiệu việc làm sau khi tốt nghiệp

Cô Hồng Thị Thanh Thủy, phó hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết: “Môi trường học tập ở trường chúng tôi luôn chào đón các em. Hiện tại chỉ tiêu chung cho cả cao đẳng, trung cấp là 1.775 em, tăng 10% so với năm trước. Hiện trường có 14 nghề đào tạo. Các em hoàn thành THCS vào đây học tiếp THPT hệ GDTX do trường kết hợp với Trung tâm GDTX – hướng nghiệp dạy nghề Gia Định dạy tại trường, song song với học nghề tự chọn mà các em thích. Các em chỉ học 1 năm rưỡi, năm cuối cấp tập trung học văn hóa nhiều hơn để thi hoàn thành THPT. Sau đó có thể liên thông lên cao đẳng”.

Về cơ hội việc làm, cô Hồng Thị Thanh Thủy thông tin trường sẽ giới thiệu việc làm cho các em sau khi ra trường bởi trường có liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM – cho biết hai năm qua trường đang áp dụng chương trình đào tạo 9 + hệ cao đẳng (gồm đào tạo 7 môn văn hóa phổ thông) để đón các em học sinh hoàn thành THCS. Số học sinh đăng ký mỗi năm đều tăng.

“Số học sinh lớp 9 vào trường nghề theo hướng đào tạo này không những tăng về số lượng, mà cả chất lượng. Năm đầu tiên chỉ 20% số học sinh giỏi, năm tiếp theo con số này tăng lên 34,7%. Năm nay tiếp tục triển khai chương trình đào tạo đó. Trường áp dụng dạy 7 môn văn hóa và kèm dạy cao đẳng nghề cho học sinh ngay khi các em bước vào học chương trình lớp 10, 11”.

Ông Lý cho biết thêm: “Các em có thể chọn những ngành đào tạo đại trà như: dược, quản trị doanh nghiệp, quản trị nhà hàng khách sạn, điện công nghiệp… hoặc các chương trình chất lượng cao, chương trình quốc tế mà trường liên kết”.

Nhiều con đường học tập khác nhau

Thạc sĩ Trần Thanh Hải – hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông – nói: “Có nhiều môi trường, nhiều con đường học tập khác nhau. Chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là gần 1.000, các em sẽ học hệ GDTX được trường phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đào tạo văn hóa cho học sinh. Đồng thời có các nghề thông dụng phù hợp như điều dưỡng, chăm sóc sắc đẹp, thiết kế đồ họa, công nghệ…”.

THẢO THƯƠNG
TTO