Rủi ro khi tìm cách miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Rủi ro khi tìm cách miễn dịch cộng đồng với Covid-19
Chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ cảnh báo hậu quả khó lường nếu như nhà chức trách muốn để Covid-19 lây lan nhằm tạo miễn dịch cộng đồng.
Miễn dịch cộng đồng là khi đa số người dân trong một cộng đồng trở nên miễn nhiễm với một bệnh dịch thông qua tiêm vắc xin hoặc bị nhiễm bệnh và hồi phục, hình thành kháng thể. Vi rút gây bệnh khi đó không còn đủ vật chủ để lây nhiễm cho những người chưa được miễn dịch.
Theo Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan, hầu hết các nhà khoa học cho rằng miễn dịch cộng đồng đạt được khi có khoảng 60 – 80% dân số miễn dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nhà khoa học còn đang nghiên cứu phát triển vắc xin ngừa Covid-19, xuất hiện một số ý kiến cho rằng có thể để người dân nhiễm bệnh và hồi phục để đạt miễn dịch cộng đồng.
CNN ngày 15.8 dẫn lời bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, cảnh báo chính sách này có thể khiến nhiều người tử vong, ngay cả khi tỷ lệ người nhiễm không triệu chứng ở mức tương đối cao. “Với nạn béo phì, cao huyết áp và tiểu đường tại Mỹ, nếu mọi người bị nhiễm Covid-19, con số tử vong sẽ rất lớn và hoàn toàn không thể chấp nhận”, bác sĩ Fauci giải thích.
Tính đến ngày 15.8, số người nhiễm Covid-19 tại Mỹ là hơn 5,3 triệu, chưa bằng 2% tổng dân số, nhưng số ca tử vong sắp chạm mốc 170.000. Trước đó, giới quan chức WHO cảnh báo các nước không nên để Covid-19 lan rộng nhằm đạt miễn dịch cộng đồng vì việc này sẽ khiến các cơ sở y tế bị quá tải và nhiều người tử vong. Bên cạnh đó, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về việc bệnh nhân Covid-19 hồi phục sẽ được miễn dịch.
Tính đến nay, mới chỉ có một loại vắc xin ngừa Covid-19 duy nhất là Sputnik V do Nga phát triển được cấp phép sản xuất, nhưng giới chuyên gia phương Tây vẫn còn nhiều e ngại về vắc xin này. Bộ Y tế Nga ngày 15.8 thông báo việc sản xuất đã bắt đầu, theo Đài RT. Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày nói phía Mỹ chưa biết nhiều về Sputnik V nhưng hy vọng nó sẽ hiệu nghiệm.
Kênh CNBC dẫn lời Tổng thống Trump cho rằng Nga đã cắt ngắn một số thử nghiệm nên vắc xin mới sớm được cấp phép, trong khi phía Mỹ nhấn mạnh việc quan trọng là hoàn tất đầy đủ quy trình.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump hy vọng Mỹ sẽ có được vắc xin trong “tương lai không quá xa” và sẽ được cung cấp trước tiên cho những người có nguy cơ cao. Nhà lãnh đạo cũng nói ông sẽ tiêm vắc xin “trước tiên hoặc sau cùng”, tùy vào khuyến cáo của giới chuyên gia.
VI TRÂN
TNO