Đề xuất giá điện 3 bậc
Đề xuất giá điện 3 bậc
Thay vì 1 bậc hay 5 bậc như đề xuất của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia cho rằng “đẹp” nhất trong bối cảnh hiện nay là giá điện 3 bậc.
Trước đây, trong dự thảo lấy ý kiến về cơ cấu giá bán lẻ điện, Bộ Công thương đã đưa ra nhiều phương án tính giá điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.
Trong đó, với phương án 3 bậc (thay vì 6 bậc như hiện nay), Bộ Công thương tạm chia ra chỉ số tiêu thụ điện được áp cho từng bậc như sau: bậc 1 từ 0 – 100 kWh, bậc 2 từ 101 – 400 kWh và bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Còn 5 bậc sẽ được chia theo thứ tự: 1 – 100 kWh, 101 – 200 kWh, 201 – 400 kWh, 401 – 700 kWh và từ 701 kWh trở lên.
Nhiều bậc, dễ lạm thu
GS-TSKH Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng 5 bậc mà Bộ Công thương chọn là ghép các bậc với nhau xuất phát từ 6 bậc hiện nay. Nhưng mục tiêu trong tương lai các số bậc tính giá điện phải được giảm dần, 6 bậc hiện nay xuống 5 bậc, 3 bậc và cuối cùng tiến đến 1 bậc.
GS Trần Đình Long phân tích: “Thay đổi quan trọng giữa 6 bậc xuống 5 bậc là thang điện năng tiêu thụ cho từng bậc. Số điện năng mỗi bậc cao hơn, đáp ứng xu thế tiêu thụ điện tăng nhanh và mức nhảy giữa các bậc cũng nới rộng hợp lý. Khác nhau giữa hai phương án 5 bậc và 3 bậc là 5 bậc tính mức tiêu thụ cao nhất từ 701 kWh, trong khi phương án 3 lại từ 401 kWh là ngưỡng cao nhất. Tôi cho 3 bậc là hợp lý”.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng nếu cắt giảm “cái ào” từ 6 bậc xuống 3 bậc ngay trong lúc này hơi khó. An toàn nhất là từ 6 xuống 5 bậc theo hướng mở rộng chỉ số các bậc như đề cập ở trên và sau đó xuống 3 bậc. Bởi về lý thuyết, giá điện phải tiến đến tính theo 1 bậc nếu xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, giống nhau và mọi mức tiêu thụ đều được tính bằng một giá.
“Singapore phát triển rất tốt thị trường bán lẻ điện, cạnh tranh tốt, nên họ chỉ tính 1 giá bán điện và điều chỉnh thay đổi theo từng quý, tùy giá thị trường. Việt Nam theo lộ trình Thủ tướng phê duyệt từ năm 2022 – 2024 phải vận hành thử thị trường bán lẻ điện cạnh tranh và tiến đến năm 2025 phải hoàn chỉnh thị trường bán lẻ điện này. Thế nên, giải pháp thu gọn khoảng cách các bậc tính giá điện trong lúc này là cần thiết”, GS Trần Đình Long nêu quan điểm.
Về phương án giá điện bậc thang, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng do Việt Nam xây dựng biểu giá chưa tuân thủ nguyên tắc “Tổng doanh thu điện sinh hoạt được tính theo từng bậc (5, 6 ,7 bậc…) cho khách hàng (T2) phải cân bằng với tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân (T1)” nên giá điện 5 – 6 bậc theo cách tính của Bộ Công thương hiện nay không minh bạch, thiếu công bằng, có thể có lợi cho ngành điện và bất lợi cho người dùng điện. Cụ thể, hiện nay người dùng điện từ bậc 3 trở lên đã phải tính giá cao hơn giá điện bình quân nên nhiều khả năng tổng doanh thu tính theo từng bậc thang sẽ lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá bình quân.
“Khi tổng doanh thu điện sinh hoạt lớn hơn giá điện bình quân, tức là ngành điện lạm thu, người dùng nhiều điện, trả nhiều tiền không còn chỉ bù đắp cho người dùng ít, trả tiền ít mà còn bù đắp thêm vào “túi riêng” của ngành điện. Chưa kể mức độ chênh nhau quá lớn giữa các bậc khiến người tiêu dùng bức xúc”, ông Lâm nói.
3 bậc là hợp lý
Theo GS-TSKH Trần Đình Long, nếu lấy chỉ số tiêu thụ điện trung bình để xây dựng biểu giá dựa trên mức giá bình quân đã được Thủ tướng phê duyệt và thay đổi hằng năm theo hướng tăng dần sẽ hợp lý. Biểu giá điện theo 3 bậc sẽ được xây dựng theo hướng, tiêu thụ dưới 200 kWh sẽ được hỗ trợ trả dưới mức trung bình theo quy định, từ 201- 400 kWh được coi là bậc thang trung bình và từ 401 kWh trở lên là trả mức cao nhất.
“Cách chia bậc như vậy sẽ tránh được việc doanh thu từ điện sinh hoạt cao hơn doanh thu thực sử dụng. Chính sự chênh lệch giá điện giữa mức thấp nhất và mức cao nhất sẽ hỗ trợ cho nhau chứ không phải lấy chi sử dụng điện của các hộ gia đình ở mức trung bình lại hỗ trợ cho mức tiêu thụ thấp nhất được. Không phải lấy tiền người có mức thu nhập trung bình bổ trợ cho người nghèo”, GS-TSKH Trần Đình Long nhấn mạnh.
TS Ngô Đức Lâm cũng đề xuất tính giá điện theo 3 bậc điều hòa gồm: Bậc 2 dành cho những hộ sử dụng điện ở mức trung bình, có thể trong khoảng từ 200 – 400 kWh/tháng bởi với thực tế cuộc sống xã hội hiện nay, mức điện tiêu thụ này là nhu cầu chính đáng, không phải lãng phí, sẽ trả theo giá điện bình quân; bậc 1 tính cho những người sử dụng ít điện, ở mức dưới giá điện bình quân và bậc 3 là những người dùng nhiều điện trả tiền cao hơn, bù đắp cho người dùng ít.
Như vậy, đa số những người sử dụng điện ở mức trung bình trong xã hội sẽ được hưởng đúng mức giá điện bình quân, người sử dụng nhiều điều hòa cho người sử dụng ít chứ không phải điều hòa cho ngành điện. Mặt khác, giá điện bình quân không phải giá cố định, luôn thay đổi theo các yếu tố đầu vào nên đảm bảo ngành điện không chịu thiệt. Khi đó, giá điện bình quân sẽ được điều chỉnh lên/xuống theo đúng cơ chế thị trường, do thị trường điều tiết.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính, cho rằng chính sách của nhà nước đã có vấn đề về an sinh xã hội, không nên đặt để quá nặng nề trong biểu giá điện. Mỗi tháng nhà nước vẫn có thể chi cho hộ nghèo 50 kWh điện trong mức thấp nhất đã được trợ giá dưới 200 kWh/tháng chẳng hạn. Khi xây dựng bảng giá phải dựa trên nhu cầu thị trường để tiến đến thị trường tiêu thụ điện và bán điện theo cơ chế thị trường đúng nghĩa. Như vậy, chuẩn mức sử dụng từ 200 – 400 kWh để tính toán giá trung bình là hợp lý.
“Ở đây, không chỉ câu chuyện đề xuất biểu giá điện của Bộ Công thương mà chính ngành điện cần phải rà soát lại toàn bộ vấn đề giá điện. Trong đó, yếu tố công khai và minh bạch các khoản thu chi được đánh giá cao. Thứ nữa là các thành phần được đưa vào để tính giá điện đã hợp lý chưa?”, ông Thịnh đặt vấn đề.
NGUYÊN NGA – HÀ MAI
TNO