26/01/2025

Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á – Thái Bình Dương: Nhật – Trung so kè

Trước đây, tàu sân bay chủ yếu chỉ Mỹ và các cường quốc châu Âu sở hữu. Nay “món đồ chơi khủng” ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành tiêu chí chạy đua ở châu Á – Thái Bình Dương, nổi bật là Trung Quốc và Nhật Bản.

 

Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á – Thái Bình Dương: Nhật – Trung so kè

Trước đây, tàu sân bay chủ yếu chỉ Mỹ và các cường quốc châu Âu sở hữu. Nay “món đồ chơi khủng” ngày càng phổ biến, thậm chí trở thành tiêu chí chạy đua ở châu Á – Thái Bình Dương, nổi bật là Trung Quốc và Nhật Bản.

 

 

 

Chiến hạm JS Izumo (trái) và tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc 001A (phải) /// Ảnh: Alert 5/Popsci

Chiến hạm JS Izumo (trái) và tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc 001A (phải)  ẢNH: ALERT 5/POPSCI

 
Vừa qua, chuyên san The Diplomat đưa tin tàu chiến Trung Quốc tiến hành theo đuôi khá gần tàu khu trục chở trực thăng JS Kaga của Nhật trên Biển Đông. Dù mang tên gọi là loại tàu chở máy bay trực thăng, nhưng chiến hạm JS Kaga thực tế đóng vai trò lớn khiến Bắc Kinh phải e ngại khi có thể sớm trở thành tàu sân bay đúng nghĩa.
 
Vị thế của “samurai”
Từ đầu năm nay, The Diplomat dẫn một số nguồn tin tiết lộ Nhật đang xem xét nâng cấp hai chiến hạm thuộc lớp Izumo là JS Izumo và JS Kaga trở thành tàu sân bay thực thụ. Cụ thể, Nhật dự định nâng cấp sàn tàu, phát triển hệ thống đẩy phóng máy bay. Việc nâng cấp này kết hợp cùng hệ thống hậu cần, nâng hạ máy bay sẽ giúp cho lớp tàu Izumo có thể triển khai tác chiến tàu sân bay. Hãng tin Kyodo cũng dẫn lời giới chức Nhật tiết lộ nước này đang nghiên cứu để vận hành chiến đấu cơ F-35B cho chiến hạm lớp Izumo. Đây là lớp tàu dài 248 m, có độ choán nước toàn tải 27.000 tấn, có thể mang theo 28 máy bay trực thăng (chưa rõ số chiến đấu cơ F-35 có thể mang theo), trang bị tên lửa và pháo phòng không cận chiến, cùng một số loại ngư lôi.
 
Từ cuối năm 2015, Nhật cùng Mỹ bắt đầu vận hành dây chuyền chế tạo chiến đấu cơ tàng hình  F-35 ở Nagoya (Nhật), trong đó có phiên bản F-35B mang thiết kế cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Đến nay, Mỹ cũng đã nhiều lần thử nghiệm thành công việc cất cánh thẳng đứng đối với dòng chiến đấu cơ F-35B. Chính vì thế, việc triển khai loại máy bay này trên tàu Izumo là hoàn toàn khả thi như nhận định của nhiều chuyên gia quốc phòng. Hơn thế nữa, Nhật Bản vốn dĩ có kinh nghiệm tác chiến tàu sân bay từ hơn 100 năm trước và từng là một thế lực tàu sân bay ở châu Á – Thái Bình Dương vào giai đoạn Thế chiến 2, nên nước này có nhiều lợi thế để phát triển lực lượng hàng không mẫu hạm. Tokyo còn sở hữu 2 tàu chở trực thăng khác thuộc lớp Hyuga (có chiều dài 197 m, độ choán nước toàn tải 19.000 tấn) cũng có thể đóng vai trò hậu cần quan trọng.
 
Nhộn nhịp chạy đua
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hàng không mẫu hạm thứ hai do nước này tự đóng.
Hồi tháng trước, tờ South China Morning Post đưa tin Bắc Kinh vừa tiến hành chạy thử lần cuối đối với tàu này.
 
Mang tên lớp là 001A và là hàng không mẫu hạm tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, nhưng chiến hạm này chủ yếu được phát triển trên nền tảng chiếc Liêu Ninh thuộc lớp Varyag thời Liên Xô mà Bắc Kinh biên chế làm tàu huấn luyện từ hơn 5 năm qua.
 
Chính vì thế, tàu vẫn còn mang kiểu thiết kế mũi hếch truyền thống để máy bay lấy đà cất cánh chứ chưa có thiết kế sàn bằng phẳng và tích hợp bộ phóng máy bay như các lớp hàng không mẫu hạm Nimitz hay Ford của Mỹ. Hàng không mẫu hạm lớp 001A dài 315 m cùng độ choán nước toàn tải 70.000 tấn, có thể chở theo 38 máy bay tiêm kích và khoảng 30 máy bay trực thăng, trang bị tên lửa cùng pháo tác chiến đa nhiệm.
 
Để tăng cường sức mạnh hải quân, Bắc Kinh cấp tập hoàn thiện khả năng phối hợp để hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay khi kết hợp cùng lực lượng tàu chiến như tàu khu trục lớp Lữ Dương 2 (Type-052C), Lữ Dương 3 (Type-052D) và tàu hộ tống lớp Giang Khải 2 (Type-054A). Kèm theo đó, Trung Quốc vừa thử nghiệm tàu khu trục lớn nhất của nước này từ trước đến nay là chiến hạm lớp 055 mang tên lửa dẫn đường, đồng thời vừa triển khai tàu hỗ trợ tác chiến nhanh lớp 091 có độ choán nước lên đến 45.000 tấn.
 
Song hành cùng việc hoàn thiện tàu sân bay 001A, Trung Quốc cũng đang đóng lớp kế tiếp là 002A, mà theo các chuyên trang quân sự quốc tế thì lớp tàu sân bay này tích hợp hệ thống phóng máy bay theo kỹ thuật điện từ tương đương thế hệ tàu sân bay mới nhất của Mỹ là lớp Ford.
 
Ý kiến:
Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương: Nhật - Trung so kè - ảnh 1
Ảnh: NVCC

Gần đây, nhiều nước ở khu vực châu Á, trong đó có Ấn Độ cùng Nhật Bản và Trung Quốc đều đẩy mạnh năng lực tàu sân bay. Tôi nghĩ Tokyo có nhiều ưu thế bởi lực lượng phòng vệ biển của Nhật vốn có nhiều kinh nghiệm và nước này cũng đạt nhiều thành tựu về công nghệ. Thêm vào đó, Nhật Bản còn có nhiều hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này.

PGS Stephen Robert Nagy (chuyên gia của ĐH Cơ đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á – Thái Bình Dương ở Canada)
 
Cuộc đua tàu sân bay ở châu Á - Thái Bình Dương: Nhật - Trung so kè - ảnh 2

Xét về quy mô thì tàu sân bay Trung Quốc lớn hơn, đồng thời cũng có nền tảng từ đầu là tàu sân bay toàn diện, và còn có thể triển khai nhiều loại chiến đấu cơ trong tương lai như J-15 hay J-31. Còn chiến hạm lớp Izumo hay Hyuga của Nhật có kích thước nhỏ hơn, và nguồn gốc chỉ là tàu chở máy bay trực thăng nên sẽ gặp nhiều hạn chế về số lượng chiến đấu cơ có thể mang theo ngay cả khi đã được nâng cấp, nên còn nhiều hạn chế. Chính vì thế, có lẽ, Nhật Bản trong tương lai cần có tàu sân bay chính thức. Tuy nhiên, năng lực hiện nay cho phép Nhật Bản có thể hoạt động tốt khi phối hợp cùng Mỹ.

TS Koh Swee Lean Collin (Chuyên gia quân sự – Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore)

 

NGÔ MINH TRÍ