Nhật hết nhịn Trung Quốc ở Hoa Đông
Nhật hết nhịn Trung Quốc ở Hoa Đông
Sự thắng thế của phái đòi hỏi cứng rắn với Trung Quốc trong Đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản đã dẫn tới những thay đổi thấy rõ trên biển, đặc biệt ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản đang cải thiện sức mạnh của lực lượng phòng vệ biển, bao gồm cải tạo tàu sân bay trực thăng Izumo thành tàu sân bay hạng trung có khả năng chở theo tiêm kích F-35BẢnh: AFP
Bắc Kinh đã kêu gọi đối thoại hàng hải với Tokyo chỉ vài ngày sau khi một tướng Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ đồng minh Nhật trên biển Hoa Đông.
Thông cáo ngắn gọn của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết Trung Quốc đã chủ động gọi điện trong ngày 31-7 và nhắc đến mong muốn biến biển Hoa Đông thành vùng biển “hòa bình, hữu nghị, hợp tác”.
Riêng cuộc đối thoại an ninh hàng hải cấp cao lần thứ 12 như Trung Quốc kêu gọi, phía Nhật cho biết sẽ không diễn ra sớm.
Chuyển từ phòng thủ sang tấn công
Báo cáo công bố ngày 30-7 của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Mỹ cho thấy Nhật Bản đã biến các đảo nhỏ trong chuỗi đảo nằm chắn ngang đường ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc thành những tiền đồn quân sự.
AMTI nhận định tranh chấp đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư đang nóng lên trước sự xâm nhập chưa từng có của tàu Trung Quốc và các động thái đáp trả từ Nhật Bản.
Một ngày sau báo cáo của AMTI, một ủy ban của Đảng Dân chủ tự do đã đề xuất triển khai tên lửa tấn công để đối phó với các mối đe dọa từ “kẻ thù”, thay vì tập trung vào tên lửa phòng thủ. Nếu ý tưởng này được hiện thực hóa, nó không chỉ phá vỡ chính sách phòng vệ của Tokyo mà còn mở đường cho sự hiện diện của các tên lửa Mỹ – điều chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh khó chịu.
Theo AMTI, ngoài một đơn vị tên lửa phòng không đã được triển khai tới đảo Okinawa, Nhật đã xây dựng thêm các căn cứ mới cho lực lượng tên lửa trên các đảo Amami Oshima, Miyako và Ishigaki trong 2 năm trở lại đây.
Các căn cứ này được trang bị tên lửa phòng không Type 03 và tên lửa chống hạm Type 12 có tầm bắn bao trùm quần đảo Senkaku. Nhật cũng âm thầm phát triển biến thể mới của Type 12 có thể bắn từ máy bay tuần thám P-1 và một loại tên lửa chống hạm siêu âm khác cho mục đích “bảo vệ các đảo ở xa”.
Tờ Japan Times hồi tháng 7 dẫn các nguồn thạo tin cho biết các máy bay chiến đấu của Nhật đã bay tuần tra mỗi ngày, “từ sáng đến tối” trên biển Hoa Đông.
Một mệnh lệnh mới cũng được đưa ra: các tiêm kích F-15 của Nhật tại Okinawa phải xuất kích ngay sau khi máy bay J-11 của Trung Quốc cất cánh, không được chờ chúng có dấu hiệu tiến vào không phận rồi mới phản ứng như trước. Giờ đây, mỗi máy bay Trung Quốc sẽ đối mặt với 4 tiêm kích Nhật thay vì 2 như trước.
AMTI bình luận Nhật đã phản ứng một cách rất khôn ngoan khi biến vị trí địa lý thành lợi thế. Thay vì cố gắng đóng tàu lớn để đua với Trung Quốc ở Senkaku, Nhật giữ cán cân quân sự trong khu vực được cân bằng nhờ vào vũ khí trên các đảo gần đó.
Lúc cương lúc nhu
Trong quyển sách về tranh chấp Trung – Nhật ở Senkaku xuất bản năm 2014, TS James Manicom nhận định dù căng thẳng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Tokyo và Bắc Kinh vẫn hợp tác trong các lĩnh vực khác trên biển Hoa Đông.
Ông chỉ ra thỏa thuận Trung – Nhật về đánh bắt cá ký năm 1997 và có hiệu lực năm 2000; thỏa thuận năm 2001 về việc mỗi bên phải đưa ra thông báo trước mỗi khi tiến hành các cuộc khảo sát ở vùng biển tranh chấp và gần đây nhất là thỏa thuận khai thác dầu khí chung năm 2008.
Tuy nhiên, các diễn biến gần đây đã khiến Tokyo đánh giá lại cách tiếp cận với Bắc Kinh trên biển Hoa Đông. 12 năm sau khi đạt được thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, 16 giàn khoan treo cờ Trung Quốc đã mọc lên ngoài khu vực khai thác chung và nằm sát ranh giới thềm lục địa do Nhật Bản đưa ra, mặc những lời kêu gọi tham vấn song phương từ Tokyo.
Mới đây nhất là chuyện Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông và đưa tàu hải cảnh xua đuổi tàu cá Nhật gần quần đảo Senkaku.
Giới quan sát nhận định nỗ lực hòa giải quan hệ với Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo đang gặp gió lớn trước sự trỗi dậy của phái chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh.
Hồi năm ngoái, thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật phát sau cuộc gặp của ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “sẽ không có sự cải thiện nào trong quan hệ Nhật – Trung nếu không có sự ổn định trên biển Hoa Đông và an ninh hàng hải”.