Việt Nam đề xuất kiểm toán chung về sử dụng nguồn nước sông Mê Kông
Việt Nam đề xuất kiểm toán chung về sử dụng nguồn nước sông Mê Kông
Cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ đem lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững nhằm cải thiện môi trường sống của các quốc gia lưu vực sông Mê Kông.
Ngày 27.7, cuộc họp Ban điều hành Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 55 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam (KTNN), Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 – 2021.
Tại cuộc họp, một trong những nội dung rất được quan tâm là việc KTNN báo cáo kế hoạch cuộc kiểm toán hợp tác về môi trường của ASOSAI tại khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2020 – 2021, với đề xuất lựa chọn chủ đề kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, dự kiến cuộc kiểm toán do KTNN chủ trì, có sự tham gia của một số thành viên ở Đông Nam Á. KTNN cho rằng, với chủ đề này, cuộc kiểm toán được kỳ vọng sẽ đem lại những phân tích, đánh giá và giải pháp mang tính bền vững nhằm cải thiện môi trường sống của các quốc gia lưu vực sông Mê Kông. Việc chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán này thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của KTNN trên cương vị Chủ tịch ASOSAI đối với việc thúc đẩy thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội tại đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018, tăng cường bảo vệ môi trường trong khu vực. Đề xuất này của KTNN đã được cuộc họp đồng tình cao và nhất trí thông qua.
KTNN cho biết thêm, những năm gần đây, vùng hạ nguồn sông Mê Kông liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường… do biến đổi khí hậu và đặc biệt là việc gia tăng xây dựng thủy điện ở thượng nguồn để khai thác sử dụng nước trên các sông nhánh và dòng chính sông Mê Kông làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu.
Giai đoạn 2012 – 2013, kiểm toán các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã thực hiện thành công cuộc kiểm toán song song về vấn đề nước lưu vực sông Mê Kông. Kết quả kiểm toán cho thấy, ở phạm vi quốc gia, thực trạng khai thác, sử dụng nước bất hợp lý và ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Mặc dù một số khuyến nghị đã được thực hiện ở tầm quốc gia, song vấn đề sông Mê Kông vẫn là thách thức và quan ngại lớn của hầu hết các quốc gia liên quan và cộng đồng khu vực.
Do vậy, KTNN kỳ vọng cuộc kiểm toán chung tới đây sẽ làm tăng sự quan tâm của các quốc gia và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề môi trường và phát triển bền vững trong khu vực, đồng thời tìm kiếm giải pháp mang tính bền vững cho lưu vực sông Mê Kông.
CHÍ HIẾU
TNO