24/11/2024

Thuyền viên kẹt trên biển do… phí cảng

Thuyền viên kẹt trên biển do… phí cảng

Hàng trăm thuyền viên VN đang mắc kẹt trên các tàu chở hàng khắp thế giới nhiều tháng qua. Họ chưa thể rời tàu dù đã quá thời hạn hợp đồng làm việc do chi phí cập cảng tại vùng biển VN quá cao.

 

Thuyền viên kẹt trên biển do... phí cảng - Ảnh 1.

Thuyền viên rời tàu Stotl Vestand ở cảng Alang, Ấn Độ, hiện đang chờ chuyến bay giải cứu về VN – Ảnh: M.H.

Theo các doanh nghiệp vận tải biển, việc chấp nhận cập cảng VN để đưa thuyền viên người Việt hết hạn hợp đồng về nước là vì lý do nhân đạo, khi các đường bay quốc tế vẫn chưa mở cửa trở lại.

Thế nhưng, phí cập cảng VN vẫn giữ ở mức quá cao, trong đó có khoản phí do đại lý “kê” lên, gây khó cho chính những thuyền viên người Việt

Đưa 3 thuyền viên lên bờ: 12.000 USD!?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 23-7, anh Nguyễn Tấn Tài, thuyền viên làm việc trên tàu Stolt Breland thuộc Công ty Stolt Tanker B.V của Hà Lan, cho biết vẫn đang trên đường di chuyển từ Singapore đến kênh đào Suez, chưa biết bao giờ mới có thể trở về VN dù đã hết hạn hợp đồng từ ngày 20-5, tức cách nay hơn… 2 tháng.

Anh Tài cho biết cùng 2 thuyền viên người Việt khác làm việc trên tàu này theo hợp đồng 4 tháng, kết thúc hợp đồng từ ngày 20-5. Thông thường khi cập cảng một quốc gia nào đó, thuyền viên được đưa lên bờ để mua vé máy bay về nước. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia đều đóng cửa biên giới nên anh Tài cùng 2 người bạn bị kẹt lại trên tàu.

Khi tàu Stolt Breland có kế hoạch đi từ cảng Cao Hùng (Đài Loan) đến Thái Lan, ngang qua vùng biển Vũng Tàu vào ngày 1-7, chủ tàu thông báo sẽ thả neo, nhằm tạo điều kiện đưa 3 thuyền viên người Việt hết hạn hợp đồng rời tàu để vào đất liền.

Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo của đại lý cho biết chi phí cập cảng quá cao, lên đến 12.000 USD, chủ tàu quyết định không cập cảng Vũng Tàu nữa. Do đó, cánh cửa về nước của anh Tài cùng 2 thuyền viên người Việt khác đã bị đóng sập lại.

Thuyền viên kẹt trên biển do... phí cảng - Ảnh 2.

Hàng trăm thuyền viên VN đang kẹt trên biển – Ảnh: M.H.

“Tháng tới là thôi nôi đứa con đầu lòng nhưng có lẽ tôi cũng không có mặt. Người thân đau ốm, là cháu đích tôn trong nhà tôi cũng không về lo trọn trách nhiệm. Làm nghề thủy thủ bôn ba khắp 4 phương trời, chưa bao giờ tôi thấy hụt hẫng và bế tắc như bây giờ. Về tới cửa ngõ nhà nhưng không thể vào nhà được mà phải tiếp tục đi trong buồn tủi” – anh Tài nói.

Trong khi đó, theo anh Tài, thuyền viên các quốc gia khác như Nhật Bản, Philippines… đều hưởng chính sách giảm và miễn phí tàu quốc tế vào thay người, đặc biệt là công dân nước họ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, khoản phí lên tới 12.000 USD do đại lý W.H.S (TP Vũng Tàu) thông báo cho chủ tàu Stolt Breland gồm chi phí đại lý và chi phí cảng.

Trong đó, phí cảng hơn 6.300 USD gồm phí tải trọng 1.047 USD, phí vào luồng 3.079 USD, phí thả neo 219 USD, cách ly, thủ tục… Chi phí mà đại lý thu là 4.765 USD, gồm chi phí thay người, giấy tờ, nhập cảnh, phí cách ly, phí xe đi lại, tiền công…

Trong email phản hồi với đại lý W.H.S, chủ tàu Stolt Breland thông báo: “Chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc phải hủy việc rời tàu của thuyền viên VN. Bởi vì chúng tôi gặp khó khăn với chi phí cuối cùng.

Chi phí đưa ra quá cao so với ngân sách tài chính dự định cho việc thu xếp này. Nếu không thể đưa ra phương án giảm toàn bộ chi phí xuống mức 6.000 – 7.000 USD, chúng tôi sẽ hủy việc thu xếp này”. Tuy nhiên, phía đại lý W.H.S cho rằng đây là mức giá cạnh tranh, không thể cắt giảm chi phí xuống mức như chủ tàu yêu cầu.

Kẹt ở nhiều nước

Đang quản lý hơn 150 thuyền viên người VN làm việc trên các tàu nước ngoài, ông Martijn Hendriks – tổng giám đốc Công ty TNHH đào tạo và nguồn nhân lực Hàng hải (UT-STC) – cho biết doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn về thay thuyền viên.

Do hành trình các tàu biển không cố định, di chuyển từ nước này sang nước khác. Khi đến cảng ở nước ngoài, đưa thuyền viên vào bờ rất khó khăn, có nơi không có nhập cảnh hoặc lên bờ thì phải chờ rất lâu vì chưa có các chuyến bay thương mại đi, đến VN.

Theo ông Martijn Hendriks, trong tháng 7-2020, công ty này thu xếp các tàu đi ngang qua vùng biển VN sẽ cập vào cảng hoặc thả neo để thay thế người. Tuy nhiên, do chi phí cho việc thay thế quá cao khiến các chủ tàu không đồng ý cập cảng.

Tàu ghé vào VN chỉ để thay thuyền viên, không làm hàng nhưng phí quá cao như phí cảng, phí vào luồng, phí thả neo, phí cách ly… và cả thuế. Thống kê hiện nay đang có 70 người đã hết hợp đồng lao động và đang kẹt ở các nước.

Bà Trần Thị Cẩm Hà, phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế – Inlaco Saigon, thừa nhận các chủ tàu biển đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa thuyền viên hết hạn hợp đồng rời tàu, do đại lý dịch vụ chào quá cao. Thậm chí nhiều đại lý báo với chủ tàu rằng khu cách ly hết chỗ, phải chuyển sang ở khách sạn 2 sao với phí rất cao.

Thuyền viên kẹt trên biển do... phí cảng - Ảnh 3.

Tàu container cập cảng Cái Mép – Thị Vải – Ảnh: Đ.HÀ

Chẳng hạn, khi Inlaco Saigon liên hệ để thay thế 16 thuyền viên ở Vũng Tàu, đại lý báo giá 6.300 USD nhưng cho biết đã hết chỗ ở khu cách ly rồi đề nghị doanh nghiệp phải đưa số thuyền viên này vào khách sạn để… cách ly với số tiền 235 USD/người/ngày, một mức giá quá cao. “Các chủ tàu phản ứng mạnh vì cho rằng mức phí này quá cao, thậm chí quá vô lý như phí ăn ở tại khách sạn” – bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, doanh nghiệp này đang có 1.000 thuyền viên và 6 tàu vận tải biển, trong đó có 20-30 thuyền viên hết hợp đồng lao động, đang bị kẹt ở nước ngoài do không thể cập cảng VN để thay thế thuyền viên bởi chi phí quá cao.

Trong bối cảnh số lượng chuyến bay quốc tế đến VN vẫn còn hạn chế và khó khăn trong việc đặt vé cho thuyền viên VN bay về nước, bà Hà cho biết đang nỗ lực phối hợp với các chủ tàu tìm nguồn hàng ở khu vực Đông Nam Á để thay thế thuyền viên.

Nhiều doanh nghiệp vận tải biển cho rằng khi thay đổi hành trình, ghé vào vùng biển VN để thay thế thuyền viên là người Việt chứ không làm hàng, các chủ tàu đã chịu thiệt hại khá nhiều. Trong khi đó, các loại phí neo, vào luồng… vẫn giữ nguyên là gây khó cho chính thuyền viên người Việt.

“Lẽ ra phía VN nên giảm 50% phí cảng, đại lý dịch vụ cũng bớt “ăn dày” để tạo điều kiện cho các thuyền viên được về nhà sau nhiều tháng làm việc trên biển và đã hết hợp đồng. Thế nhưng, dù các doanh nghiệp đã kêu nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả” – lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải biển nói.

Thu phí theo quy định của Nhà nước!

Chiều 23-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết tất cả các loại phí, lệ phí đều thu theo quy định của Nhà nước. Trong trường hợp các tàu cập cảng không bốc dỡ hàng hóa mà vì nhân đạo, cũng đã có quy định xem xét giảm các loại phí, lệ phí từ 25 đến 75%.

Theo vị này, có rất nhiều loại phí được các cơ quan chức năng thu như hải quan, biên phòng, kiểm dịch, cảng vụ. Việc đại lý kê lên hay không phải gặp đại lý để “bắt tận tay” mới khẳng định được. “Chắc chắn không ai dám kê tiền thu phí, lệ phí lên cao hơn so với quy định đã được ban hành”, vị này nói.

Đ.HÀ

Nhiều thuyền viên chờ “giải cứu”

Ngày 17-7, tàu Stotl Vestand cập cảng Alang ở Ấn Độ, kết thúc “số phận” sau 28 năm hoạt động để đưa vào cắt, phá hủy tàu vì hết niên hạn. Hàng trăm thuyền viên và nhân viên làm việc trên tàu này, trong đó có 3 thuyền viên người Việt, đều phải lên bờ.

Anh Đỗ Minh Hoàng, một trong 3 thuyền viên người Việt làm việc trên tàu Stotl Vestand, cho biết đang cùng 2 thuyền viên người Việt khác bị mắc kẹt ở Ấn Độ do không có chuyến bay về nước. Tương tự, nhiều thuyền viên của Công ty CP Vận tải biển và hợp tác lao động quốc tế – Inlaco Saigon đang bị kẹt tại Hàn Quốc hơn 3 tháng nay vẫn nằm trong danh sách chờ chuyến bay giải cứu.

CÔNG TRUNG
TTO