24/11/2024

Cái Mép – Thị Vải cần thêm kết nối

Cái Mép – Thị Vải cần thêm kết nối

Gần 10 năm nay, Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã và đang dần trở thành cảng trung chuyển quốc tế quan trọng của VN với các tàu container siêu trọng tải ra vào nhộn nhịp để “ăn hàng”.

 

 

Cái Mép - Thị Vải cần thêm kết nối - Ảnh 1.

Siêu tàu “CMA CGM Marco Polo” cập cảng CMIT tháng 1-2019 – Ảnh: ĐÔNG HÀ

LTS: Vùng Đông Nam Bộ với TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… được xem là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên thời gian qua hạ tầng giao thông kết nối khu vực này vẫn còn nhiều điểm nghẽn, trở thành trở lực khiến kinh tế vùng này chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài về thực trạng và các giải pháp thúc đẩy tháo gỡ các điểm nghẽn này. Mời bạn đọc góp ý thêm trên Tuổi Trẻ Online qua email: [email protected]

Tuy nhiên, từ TP.HCM cùng các tỉnh “công nghiệp” Đồng Nai, Bình Dương về cảng này chỉ có đường độc đạo là quốc lộ 51 hiện đã quá tải. Vì thế, cần phải phá thế “độc đạo” này để cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải – cảng nước sâu lớn thứ 19 của thế giới và cả thế giới chỉ có 21 cảng có mớm nước sâu – tận dụng được hết lợi thế.

Ngày càng nhộn nhịp

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh – bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu – đã nhiều lần nhận định rằng 40 năm qua, hai tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là “sân bay Tân Sơn Nhất” và “cảng Sài Gòn” nhưng hiện tại đã và đang hình thành hai cái tâm mới là “sân bay Long Thành” và “cảng Cái Mép – Thị Vải”.

Sân bay Long Thành đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng trong khi cảng Cái Mép – Thị Vải đã hình thành từ 10 năm qua và đang minh chứng là một cái tâm quan trọng của vùng.

Trước đây, cảng Cái Mép – Thị Vải chỉ có 8 chuyến tàu mẹ, tàu nội Á cập cảng nhưng hiện tại đã có 25 tuyến tàu vận tải quốc tế ra vào cảng mỗi tuần.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ – phó tổng giám đốc cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) – cho biết nếu như năm 2011 cảng này chỉ đón tàu có trọng tải hơn 130.000 tấn thì năm 2019 siêu tàu dòng “triple” có trọng tải gần 200.000 tấn, có thể chở đến 17.000 teu đã cập cảng này.

Đó là tàu “CMA CGM Marco Polo” của hãng tàu CMA CGM (Pháp). Những con tàu như thế này đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của VN đi thẳng sang thị trường Bắc Âu, Mỹ mà không phải qua trung chuyển như trước đây.

Tại hội thảo về các giải pháp phát triển cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu được tổ chức vào giữa tháng 6-2020, đại tá Nguyễn Năng Toàn, phó tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, khẳng định: “Chính nhờ vào việc tiếp nhận được các tàu siêu lớn nên Cái Mép – Thị Vải đang trở thành một điểm đáng chú ý trên bản đồ hàng hải quốc tế”.

Cần thêm những kết nối đến cảng

Theo đánh giá, những con số thể hiện sự tăng trưởng trên còn có thể cao hơn nữa, nếu Cái Mép – Thị Vải có các yếu tố đồng bộ đi kèm mà một trong số đó là kết nối giao thông giữa cảng này với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và thậm chí từ các tỉnh miền Tây lên.

Vậy hạ tầng kết nối đường bộ giữa Cái Mép – Thị Vải với các tỉnh, thành lân cận hiện có là gì? Đó chỉ là duy nhất quốc lộ 51 mà hiện đã quá tải.

Ông Đinh Hồng Hà – tổng giám đốc Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) – cho biết hiện tại áp lực giao thông trên quốc lộ 51 là rất lớn.

Cái Mép - Thị Vải cần thêm kết nối - Ảnh 2.

“Chỉ trong vòng vài năm nữa, khi thi công sân bay Long Thành, lưu lượng xe trên quốc lộ 51 chắc chắn sẽ tăng rất nhiều nữa nên việc gấp rút làm cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, làm cầu Phước An để giảm tải cho quốc lộ 51 là cần thiết.

“Phát triển các dự án giao thông kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải rất quan trọng cho cả vùng. Nếu việc này chậm ngày nào là lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, lãng phí thời gian ngày đó” – ông Hà nhận định.

Hầu hết các ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Bà Rịa – Vũng Tàu đều kiến nghị phải tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa Cái Mép – Thị Vải và các tỉnh, thành lân cận, vì đó là “hậu phương” của cảng này. Đáng chú ý, phát triển hạ tầng kết nối ở đây là vì “sự phát triển chung”.

Ông Nguyễn Văn Trình – giám đốc Ban quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải – cho rằng giao thông kết nối chưa đồng bộ nên chưa phát huy hết khả năng của một trong những cảng nước sâu lớn như Cái Mép – Thị Vải là chuyện có thể nhìn thấy dù chưa có đánh giá đầy đủ.

Cái Mép - Thị Vải cần thêm kết nối - Ảnh 3.

Cầu Phước An sớm xây dựng giúp hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải có thể tỏa đi nhiều nơi qua cao tốc Bến Lức – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu – Đồ họa: TẤN ĐẠT

Gỡ khó cho cầu Phước An

Không chỉ quốc lộ 51, theo tìm hiểu, ngay khi cảng Cái Mép – Thị Vải hình thành, đã có chủ trương làm các dự án giao thông kết nối liên cảng, liên vùng, trong đó có cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải để nối với Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Trong đó, con đường liên cảng thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tính đến thời điểm này, với giá trị thực hiện hơn 2.600 tỉ đồng, khối lượng công việc đạt gần 98% chỉ chờ cầu Phước An là có thể nối tiếp vào cao tốc Bến Lức – Long Thành để hình thành một con đường nối từ miền Tây lên thẳng Cái Mép.

Theo ông Nguyễn Văn Trình, khi có cầu Phước An thì hàng hóa từ miền Tây, TP.HCM về sẽ đi đường này vì không có trạm thu phí, đường đi rút ngắn khoảng 30km, qua đó giảm tải cho quốc lộ 51, tăng tính liên kết vùng.

Cái Mép - Thị Vải cần thêm kết nối - Ảnh 4.

Thủ tướng thị sát vị trí làm cầu Phước An cuối tháng 5-2020- Ảnh: Đ.H

Thế nhưng từ hơn 10 năm qua, dự án cầu Phước An gặp nhiều vướng mắc, trở ngại. Cụ thể, trước đây chủ trương để xây cầu Phước An là bằng vốn đầu tư ODA Nhật Bản và đối tác công tư.

Đến năm 2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thu hồi chủ trương đầu tư dự án cầu Phước An theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), chuyển sang hình thức đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Quá trình triển khai cầu Phước An bằng ngân sách nhà nước lại gặp khó về hướng tuyến của cầu vì liên quan đến đất, đến quy hoạch của phía Đồng Nai. Cuối tháng 5-2020, trước khi chủ trì hội nghị phát triển kinh tế vùng trọng điểm phía Nam, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vị trí xây cầu.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tháng 7-2020, lãnh đạo hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai đã làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT để tháo gỡ vướng mắc.

Kết quả, các bên thống nhất dời cầu lên phía thượng lưu thêm 150m so với vị trí mà Bà Rịa – Vũng Tàu đã báo cáo trước đây. Hiện đơn vị tư vấn nghiên cứu, báo cáo để hai tỉnh thống nhất, trình lên bộ, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Ông Nguyễn Văn Trình cho biết nếu nhanh thì sẽ trình dự án lên HĐND tỉnh phê duyệt vào kỳ họp cuối năm nay và sang năm 2021 lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật và khởi công. “Nhưng tất cả cũng chỉ là dự kiến vì không thể lường trước được những khó khăn, vướng mắc” – ông Trình nói.

* Ông Nguyễn Hồng Lĩnh (bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu):

Phát triển Cái Mép – Thị Vải là “thuận theo tự nhiên”

27420ong nguyen hong linh 1 1(read-only)

Một trong những thế mạnh quan trọng của Bà Rịa – Vũng Tàu là cảng biển. Cảng là phục vụ cho cả vùng. Phát triển cảng biển, sử dụng cảng biển là theo quy luật phát triển tự nhiên. Thế kỷ 18, cảng Hội An sầm uất vì lúc đó chỉ đi tàu một, hai ngàn tấn.

Khi người ta đi tàu 10.000 tấn thì cảng ở Sài Gòn nổi lên, Hội An trở thành thành phố cổ. Bây giờ người ta đi tàu 100.000-200.000 tấn thì sao? Thì đã có cảng Cái Mép – Thị Vải đáp ứng. Cái Mép – Thị Vải lợi thế so sánh thiên nhiên ban tặng cho Bà Rịa – Vũng Tàu thì phải đóng tròn vai để thúc đẩy sự phát triển cho toàn vùng, cho cả nước.

Rút ngắn thời gian có khi quan trọng hơn giá rẻ

Có một nghịch lý tại Cái Mép – Thị Vải là mặc dù tàu mẹ đưa hàng đi và đến cập nhiều nhưng chủ yếu được thông quan tại TP.HCM. Container được sà lan vận chuyển từ đây lên TP.HCM để làm thủ tục hải quan.

Lý do là bởi ở Cái Mép thiếu “hệ sinh thái” logistics như cảng cạn, kho chứa container rỗng, thiếu các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm và giao thông kết nối chưa đồng bộ.

Theo các doanh nghiệp logistics, tuy hàng hóa chuyển bằng sà lan lên TP.HCM rồi đến nhà máy, đến kho có rẻ nhưng lại mất thời gian lưu kho, lưu công và trung chuyển.

“Nếu có cao tốc từ Biên Hòa về đến Cái Mép thuận tiện, thông thoáng, ít trạm thu phí, nếu có cầu Phước An kết nối, rút ngắn hàng chục cây số từ miền Tây, TP.HCM về Cái Mép thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp logistics sẽ chọn thông quan ngay tại Cái Mép để chở hàng đi thẳng về nhà máy, về kho.

Bởi nhiều khi rút ngắn thời gian quan trọng hơn là giá rẻ. Mà thời gian cũng chính là tiền bạc. Tôi tin rằng nếu có giao thông hạ tầng kết nối tốt, chắc chắn Cái Mép – Thị Vải sẽ nhộn nhịp hơn và khi có giao thông rồi thì tự khắc sẽ hình thành hệ sinh thái” – một doanh nghiệp cho biết.

ĐÔNG HÀ
TTO