PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Đến thời điểm này, dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020 – 2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (thay thế cho quyết định đã áp dụng từ năm học 2017 – 2018) đã hoàn thành để trình lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành.
Theo đó, tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 – 2021 là ngày 5.9.2020; không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1.9.2020.
Giảm 2 tuần thực học bằng cách nào ?
Cấp THCS, THPT hiện vẫn rất căng thẳng về thời gian học, nhiều nơi phải học cả thứ bảy. Vậy việc điều chỉnh giảm 2 tuần thực học sẽ được thực hiện ra sao để đảm bảo khả thi, thưa ông?
Thực ra không phải Bộ giảm thời gian năm học một cách cơ học mà phải có giải pháp đồng bộ để giảm được 2 tuần thực học, dù học 35 tuần không quá tải mà còn hiệu quả hơn. Giải pháp bắt buộc trước hết là phải tinh giản nội dung, tạo cơ hội cho đổi mới phương pháp dạy học, tăng thực hành, trải nghiệm cho học sinh (HS). Việc tinh giản này khác với học kỳ 2 của năm học vừa qua khi Bộ buộc phải tinh giản chương trình để phù hợp với số thời gian thực học bị giảm vì dịch Covid-19. Nhưng trong điều kiện bình thường thì thời gian không bị co lại, các trường vẫn có 35 tuần thực học nhưng vẫn tinh giản nội dung đi để có thêm thời gian hoạt động bổ trợ ngoài dạy học trên lớp. Việc tinh giản áp dụng theo nhiều cách, trong đó sẽ sắp xếp, thiết kế lại, tăng tích hợp, bỏ những nội dung trùng lặp, không phù hợp, cũng giúp tiết kiệm được thời gian dạy học.
Bộ có văn bản hướng dẫn hay để các cơ sở giáo dục tự xây dựng dựa trên hướng dẫn tinh giản áp dụng trong năm học vừa qua?
Hướng dẫn
tinh giản áp dụng cho học kỳ 2 năm học vừa qua chỉ áp dụng cho năm học bị ảnh hưởng vì
Covid-19. Còn tinh giản mà tôi nói ở trên là áp dụng cho năm học bình thường. Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng hướng dẫn này để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Để làm được điều đó, chúng tôi đang tiến hành rà soát chương trình giáo dục cả năm học của từng lớp chứ không chỉ riêng học kỳ 2 như năm vừa qua. Có những nội dung của học kỳ 2 năm học vừa qua buộc phải tinh giản sẽ được “hồi tố” khi trở lại thời gian học bình thường để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của chương trình.
Năm học mới, thời gian thực học của học sinh THCS và THPT còn 35 tuần thay vì 37 tuần như trước đây ẢNH: Đ.N.THẠCH
|
Vậy kiến thức đã phải tinh giản do dịch bệnh năm học vừa qua khi bước vào năm học sắp tới sẽ được thực hiện ra sao, thưa ông?
Bộ sẽ hướng dẫn trong nhiệm vụ thời gian năm học 2020 – 2021 của từng cấp học về nhiệm vụ này. Các trường sẽ không dành ra thời gian trước năm học mới để bù đắp, củng cố kiến thức đã tinh giản vì dịch Covid-19 mà sẽ thực hiện lồng ghép, hiệu quả hơn trong quá trình dạy chương trình của lớp tiếp theo.
Ví dụ, trong quá trình dạy học môn toán lớp 9, đến những phần nội dung kiến thức có liên quan ở lớp 8 nhưng do năm học trước đã phải đưa vào phần “không dạy, không học” thì giáo viên có nhiệm vụ bổ sung, củng cố cho HS để các em có kiến thức nền tảng phục vụ bài học mới. Như vậy sẽ có sự liên thông về mạch kiến thức và HS dễ tiếp thu hơn.
Trường tư và công thống nhất một chương trình
Các trường phổ thông ngoài công lập của Hà Nội có gửi kiến nghị với Bộ GD-ĐT về việc tiếp tục cho phép trường tư có thể cho HS đến trường sớm hơn 4 tuần so với thời điểm 1.9 mà lâu nay các trường vẫn thực hiện. Bộ có ý kiến ra sao về kiến nghị này?
Riêng năm học 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung HS đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho HS được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.
Về lâu dài, chúng tôi quan điểm rằng, trường tư và trường công đều thực hiện thống nhất một chương trình giáo dục do
Bộ GD-ĐT ban hành. Do vậy, thời gian để tổ chức các hoạt động dạy học là không có sự khác biệt, đều thực hiện chương trình giáo dục 35 tuần thực học ở tất cả các cấp học.
Bộ đưa ra một nguyên tắc là không tổ chức dạy học chương trình chính khóa, dạy các môn
văn hóa của chương trình giáo dục của năm học mới trong khoảng thời gian nghỉ hè của HS. Đó là nội dung phải thống nhất rõ. Trước đây cho phép tựu trường sớm nhất từ 1.8, nhiều trường tổ chức dạy học văn hóa, dạy chương trình của năm học mới.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong thời gian nghỉ hè thì tất cả các trường học trên cả nước phải “đóng cổng” toàn bộ 3 tháng hè. Các nhà trường, với cơ sở vật chất và đội ngũ thuận lợi sẵn có thì có thể tổ chức các hoạt động khác cho HS như rèn luyện thể chất, kỹ năng, văn hóa, văn nghệ… Các trường căn cứ rất rõ vào thực tế về nhu cầu và đối tượng HS, cũng có thể ôn luyện, củng cố kiến thức đã học cho các em để tránh bị hổng kiến thức của năm học trước…
Cần nhấn mạnh lại là tất cả các trường phải thực hiện nghiêm quy định không tổ chức dạy học trước chương trình. Tăng thêm thời gian chỉ có ý nghĩa khi chúng ta tăng cường các hoạt động mang tính rèn luyện thể chất, kỹ năng cho HS, chứ không phải tăng thời gian để bắt HS làm thêm nhiều bài tập khó, bài tập nâng cao vượt yêu cầu của chương trình.
Dự kiến khung thời gian năm học 2020 – 2021
Theo dự thảo khung kế hoạch thời gian năm học 2020 – 2021, tựu trường sớm nhất là 1.9, khai giảng thống nhất trên cả nước là 5.9. Từ 5.9 – 18.1 (thời điểm kết thúc học kỳ 1) vẫn đủ 18 tuần thực học và 1 tuần đầu tiên dành cho các hoạt động đầu năm học.
Sau 18.1, HS học tiếp 2 tuần chương trình học kỳ 2 thì sẽ nghỉ
Tết Nguyên đán (tối thiểu 1 tuần) và vẫn còn 1 tuần để đáp ứng nhu cầu nghỉ học đón tết của đồng bào dân tộc ở một số vùng miền.
31.5 là thời điểm muộn nhất để kết thúc năm học.
TUỆ NGUYỄN
TNO