COVID-19 ngày 22-7: Thế giới hơn 15 triệu ca nhiễm, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
COVID-19 ngày 22-7: Thế giới hơn 15 triệu ca nhiễm, Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
Số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt 15 triệu. Liên minh châu Âu đã huy động gói ‘Nhóm châu Âu’ trị giá hơn 800 triệu euro để hỗ trợ các nước ASEAN chống dịch COVID-19, ở cả cấp khu vực và quốc gia.
Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp
Ngày 22-7, Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã thông qua việc kéo dài sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 1 tháng cho tới ngày 31-8.
Theo quan chức CCSA, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ hạn chế người đến, theo sát những ca nghi nhiễm COVID-19 và áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động.
CCSA cũng đã thông qua trên nguyên tắc việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với một số nhóm người nước ngoài, nhưng đang chờ những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh từ các bộ liên quan trước khi công bố ngày áp dụng.
CCSA cho tới nay đã quyết định 4 nhóm người nước ngoài sẽ được phép vào Thái Lan là người nước ngoài tham gia các hội chợ thương mại ở Thái Lan (sẽ chỉ được phép ở lại cho đến khi hội chợ kết thúc); đoàn làm phim nước ngoài có lịch trình cụ thể để có thể kiểm soát; lao động di cư từ Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar làm việc trong ngành thực phẩm và xây dựng; khách du lịch y tế.
Tất cả những người nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong vòng 3 ngày trước khi lên đường, có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả 100.000 USD, đặt chỗ cách ly tại cơ sở thay thế có đóng phí, tiếp cận một nhân viên liên lạc và sử dụng ứng dụng truy vết dịch bệnh ThaiChana.
Trong khi đó, chính phủ sẽ cho phép người có thẻ đặc quyền Thái Lan (Thailand Elite Card) nhập cảnh với điều kiện họ phải tham gia cách ly 14 ngày tại một cơ sở cách ly thay thế có đóng phí.
Kể từ tháng 1-2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.261 ca COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong.
Hong Kong bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng
Chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm ngày 22-7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần.
Quan chức phụ trách y tế Hong Kong, bà Sophia Chan, cho biết các ca nhiễm mới gia tăng mới đây chủ yếu do người dân không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, lệnh đóng cửa 12 loại địa điểm tập trung đông người như phòng tập thể dục và trung tâm giải trí cũng như lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng sau 18h sẽ kéo dài đến ngày 28-7.
Kể từ cuối tháng 1 vừa qua, Hong Kong ghi nhận hơn 2.000 người nhiễm COVID-19, trong đó 14 người tử vong.
Số ca nhiễm toàn cầu vượt 15 triệu
Theo cập nhật của trang Wordometers lúc 6h sáng 22-7, số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên tới hơn 15.071.000 ca. Trong đó có 618.265 ca tử vong và 9.100.991 ca đã hồi phục.
Mỹ và Brazil vẫn là hai nước có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới. Mỹ ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm, còn Brazil có hơn 2,1 triệu ca nhiễm.
10 quốc gia có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu từ thấp đến cao là: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga, Nam Phi, Peru, Mexico, Chile, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh.
Việt Nam hiện đứng thứ 160 xét về số ca nhiễm trên bảng thống kê của Wordometers.
Brazil thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine phòng COVID-19
Ngày 21-7-2020, Brazil bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vắcxin CoronaVac do tập đoàn Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất. Vắcxin CoronaVac sẽ được cấp đến 6 tiểu bang để thử nghiệm trên 9.000 người.
Các tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 liều trong ba tháng. Nếu thành công, Brazil có quyền sản xuất 120 triệu liều vắcxin theo thỏa thuận đạt được với công ty.
Brazil hiện là nước bị ảnh hưởng nặng thứ hai thế giới do COVID-19. Nước này có hơn 2,1 triệu ca nhiễm với 81.597 ca tử vong.
Brazil cũng tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của một loại vắcxin khác do Đại học Oxford University và công ty AstraZeneca đồng phát triển.
Melbourne phạt 200 đô la những người không đeo khẩu trang
Kể từ hôm nay, 22-7, người dân sống ở Melbourne – thành phố đông dân thứ nhì nước Úc, bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà nếu không muốn bị phạt 200 đô la Úc.
Việc đi lại giữa hai bang Victoria và New South Wales (NSW) cũng hạn chế, chỉ cho phép những người có giấy tờ chứng minh mình đi làm, đi học hoặc đi khám bệnh. Riêng đối với sinh viên từ bang Victoria đến NSW để đi học, họ buộc phải tự cách ly trong 2 tuần và phải có kết quả âm tính với virus corona. Những người làm việc thời vụ từ bang Victoria thì tạm thời vẫn bị cấm.
Theo Reuters, đây là lần đầu tiên trong 100 năm, địa giới giữa hai bang nói trên tạm đóng cửa để hạn chế COVID-19 lây lan.
Thành phố Melbourne, bang Victoria trong những tuần gân đây có số ca nhiễm virus corona tăng cao, đối tượng nhiễm thuộc nhiều độ tuổi, trong đó có ổ dịch trong nhà dưỡng lão và nhà tù.
Cho đến nay, Úc có gần 12.500 ca nhiễm virus corona và 126 ca tử vong.
Canada khuyến nghị sinh viên nước ngoài không đến nước này
Bộ Nhập cư – Tị nạn và Quốc tịch Canada ngày 21-7 khuyến cáo sinh viên quốc tế không nên đến Canada cho đến khi các hạn chế về đi lại được gỡ bỏ.
Theo báo The Star, sinh viên quốc tế sẽ không được nhập cảnh vào Canada nếu họ được cấp visa sau khi Canada quyết định phong tỏa đất nước vào ngày 18-3. Sinh viên đã có visa trước ngày 18-3 cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh trừ khi họ chứng minh được mình có lý do thật cần thiết.
Hầu hết các trường ở Canada đều không còn các lớp học trực tiếp nhưng vẫn mở các lớp học trực tuyến. Chính quyền liên bang cho phép sinh viên được tính thời gian học online ở nước ngoài để xin giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp nếu đơn đăng ký học của họ đã được chấp thuận và hoàn thành ít nhất ½ chương trình học ở Canada tới thời điểm biên giới mở cửa trở lại.
Theo thống kê, hơn 58.000 cựu sinh viên quốc tế đã có thẻ thường trú tại Canada.
Nhật Bản cho dùng thuốc kháng viêm Dexamethasone để điều trị COVID-19
Theo báo chí Nhật Bản ngày 22-7, Bộ Y tế nước này đã cho phép sử dụng thuốc kháng viêm Dexamethasone – một loại steroid giá rẻ và phổ biến, để điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi kết quả thử nghiệm tại Anh cho thấy thuốc này làm giảm tỉ lệ tử vong ở các bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình hoặc tiến triển nặng.
Trước đó, Nhật Bản cũng cho phép dùng thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị COVID-19.
EU huy động 920 triệu USD giúp ASEAN đối phó COVID-19
Trang Tempo (Indonesia) ngày 21-7 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) vừa huy động gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá hơn 800 triệu euro (khoảng 920 triệu USD) để hỗ trợ các nước ASEAN chống dịch COVID-19.
Theo cách tiếp cận “Nhóm châu Âu”, EU kết hợp các nguồn lực của mình với nguồn lực của các quốc gia thành viên EU và của các tổ chức tài chính.
Số tiền nói trên sẽ hỗ trợ các hành động ở cấp quốc gia và khu vực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng y tế trước mắt, tăng cường các hệ thống y tế, nước sạch và vệ sinh cũng như giảm thiểu các tác động kinh tế – xã hội do dịch bệnh gây ra.
“Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, với những hậu quả nghiêm trọng ở cả EU và ASEAN. Với tinh thần hợp tác mạnh mẽ, xây dựng trên quan hệ đối tác giữa hai khu vực 4 thập niên, EU đã huy động gói ‘Nhóm châu Âu’ hơn 800 triệu euro để hỗ trợ ASEAN và các quốc gia thành viên của mình giảm thiểu các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19” – Đại sứ EU tại ASEAN Igor Driesmans nói.
Được biết EU đã công bố gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” có tổng giá trị gần 36 tỉ euro để hỗ trợ các nước đối tác trên toàn cầu.
Các hãng bay thúc EU, Nhà Trắng thực hiện chương trình xét nghiệm với hành khách
Ngày 21-7, các hãng bay lớn của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu EU cùng Nhà Trắng xem xét một chương trình chung giữa Mỹ – EU để xét nghiệm COVID-19 với các hành khách, nhằm cho phép mọi người được đi lại giữa Mỹ và châu Âu.
Trong một lá thư gửi tới Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU Ylva Johansson, lãnh đạo của các hãng American Airlines, United Airlines, Lufthansa và công ty International Airlines Group yêu cầu “khôi phục an toàn và nhanh chóng việc đi lại bằng máy bay giữa Mỹ và châu Âu”.
Do đại dịch COVID-19, hiện tại gần như tất cả người dân châu Âu bị cấm đến Mỹ và các biện pháp hạn chế tương tự cũng được áp dụng với những người Mỹ muốn đến châu Âu.
“Chúng tôi thừa nhận rằng việc xét nghiệm đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng tôi tin một chương trình xét nghiệm thí điểm dành cho thị trường xuyên Đại Tây Dương này có thể là cơ hội rất tốt để chính quyền và ngành công nghiệp này cùng hợp tác tìm cách vượt qua các rào cản… và khôi phục an toàn việc đi lại của hành khách giữa Mỹ và châu Âu” – lá thư trên viết.
Tổng thống Trump khuyến khích người Mỹ đeo khẩu trang
Trong một sự thay đổi giọng điệu về vấn đề đeo khẩu trang, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21-7 đã khuyến khích người Mỹ đeo khẩu trang để ngăn sự lây lan của COVID-19 nếu họ không thể duy trì giãn cách xã hội với những người xung quanh họ.
“Chúng tôi yêu cầu mọi người là khi các bạn không thể giữ giãn cách xã hội, hãy đeo một cái khẩu trang vào. Dù bạn thích khẩu trang hay không, chúng cũng đều có tác dụng” – Hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump.
Trong cuộc họp báo đầu tiên của ông về đại dịch COVID-19 sau nhiều tháng, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng COVID-19 có lẽ sẽ tồi tệ hơn trước khi tình hình trở nên tốt hơn.
Trước đó, chính ông Trump cũng là người do dự đeo khẩu trang nơi công cộng. Ông đeo khẩu trang trước công chúng lần đầu tiên trong chuyến thăm gần đây tại một bệnh viện quân đội. Giờ đây ông Trump nói rằng ông đang quen với việc đeo khẩu trang và sẽ đeo khẩu trang khi xuất hiện cạnh nhiều người hoặc khi đi thang máy.