Chương trình mới, học sinh có phải đi học thêm ?
Chương trình mới, học sinh có phải đi học thêm ?
Sách giáo khoa mới, trường lớp đầu năm học, chương trình giáo dục mới có giảm tải việc học… là những vấn đề được Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đặt ra trong buổi làm việc tại Sở GD-ĐT TP.HCM sáng 21.7.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM thực hiện buổi giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh.
“Có vỏ rồi, cái ruột sẽ được chuẩn bị như thế nào ?”
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết toàn TP hiện đảm bảo tỷ lệ 292 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 – 18 tuổi) nhưng không đồng đều ở các quận, huyện. Tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 70%, nhưng tại một số quận, huyện như Bình Tân, Bình Chánh, 12, Tân Phú do áp lực gia tăng dân số cơ học nên đáp ứng chưa đến 50%.
135.000 học sinh vào lớp 1
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thông tin năm học 2020 – 2021 có khoảng 135.000 học sinh lớp 1, giảm hơn 3.000 so với năm học trước. Với 3 quận: Tân Phú, 12, Bình Tân còn gặp những khó khăn về trường lớp khi triển khai chương trình mới, ông Nam cho hay đã có những bàn bạc, từ nay đến năm 2025, dự kiến những đơn vị này cần thêm gần 3.000 phòng học.
Ngoài ra, lãnh đạo sở cũng thông tin, TP đã hoàn tất bồi dưỡng cho gần 500 giáo viên cốt cán của các quận, huyện.
Cũng tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, ông Hiếu cho hay đầu tháng 5, tất cả trường tiểu học đã hoàn tất việc lựa chọn SGK. Theo ông Hiếu, 5 bộ SGK do Bộ GD-ĐT phê duyệt đều được các trường tiểu học trên địa bàn TP lựa chọn, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là bộ Chân trời sáng tạo do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành. Đại diện Sở GD-ĐT khẳng định việc lựa chọn SGK đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
Qua những báo cáo của Sở GD-ĐT tại buổi làm việc, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, thành viên đoàn giám sát, phát biểu: “Cơ sở vật chất đã có sự đầu tư, tức là có cái vỏ rồi, vậy cái ruột sẽ được chuẩn bị như thế nào? Khi triển khai, ngành giáo dục cần quan tâm đến chỉ số hạnh phúc, HS được học, được bảo vệ sức khỏe, được an toàn thế nào trong môi trường học đường…”.
Yêu cầu công khai SGK lớp 1 trên website trường tiểu học
Trong khi đó, đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đưa ra minh chứng việc HS học 2 buổi/ngày, tối về còn phải đi học thêm, học và làm bài ở nhà đến khuya. “Vì vậy nên có sự đánh giá về chương trình 2 buổi/ngày và việc tương tác với giáo viên và HS tại trường như thế nào? Đặc biệt khi học chương trình mới, HS có còn phải đi học thêm nữa hay không?”, bà Thuận đặt câu hỏi.
Còn bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đặt câu hỏi ngành giáo dục có những chính sách hỗ trợ đối với giáo viên dạy lớp 1 khi thực hiện chương trình mới hay không.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT, thông tin để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, giáo viên thành phố đã thực hiện việc tập huấn trực tuyến theo tài liệu của Bộ GD-ĐT. Riêng cuối tháng này, sở sẽ tổ chức tập huấn trực tiếp cho toàn bộ giáo viên lớp 1 với sự hỗ trợ từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Về SGK lớp 1 cho năm học mới, ông Vinh cho biết sở đã yêu cầu các trường tiểu học công khai trên cổng thông tin điện tử và thông tin cụ thể đến phụ huynh trong quá trình thực hiện tuyển sinh đầu cấp để phụ huynh nắm thông tin chuẩn bị cho con em.
Riêng về thắc mắc khi thực hiện chương trình mới, HS có phải đi học thêm, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, nói rằng TP kiên quyết với việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định, nghiêm cấm tổ chức ở bậc tiểu học. Ở những bậc học khác, phụ huynh nếu có nhu cầu cho con em tham gia thì tìm hiểu và đăng ký ở những trung tâm đã được cấp phép.
BÍCH THANH
TNO