24/11/2024

30 doanh nghiệp Nhật được Chính phủ hỗ trợ giảm phụ thuộc Trung Quốc, một nửa hoạt động ở VN

30 doanh nghiệp Nhật được Chính phủ hỗ trợ giảm phụ thuộc Trung Quốc, một nửa hoạt động ở VN

30 doanh nghiệp Nhật đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Nhật trong chương trình “Hỗ trợ đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở nước ngoài” tại Đông Nam Á. Một nửa trong số này là các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động ở Việt Nam.

 

30 doanh nghiệp Nhật được Chính phủ hỗ trợ giảm phụ thuộc Trung Quốc, một nửa hoạt động ở VN - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc trong một dây chuyền sản xuất bên trong một nhà máy do Nhật Bản sở hữu ở Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 4-2020 – Ảnh: REUTERS

Chương trình Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài do Chính phủ Nhật Bản triển khai từ tháng 4 khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á hoặc trở về Nhật Bản, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm rối loạn đáng kể chuỗi cung ứng của những công ty này, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Chương trình cũng khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng thêm một cơ sở ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng do phụ thuộc vào một thị trường.

Tăng tốc sản xuất thiết bị y tế chống COVID-19

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-7, ông Hirai Shinji – trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM – bày tỏ ấn tượng khi thấy 15/30 doanh nghiệp được hỗ trợ đang hoạt động ở Việt Nam. “Ồ! Việt Nam nổi tiếng quá” – ông Hirai vui mừng nói.

Đại diện JETRO cho biết 15 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất thiết bị y tế như khẩu trang y tế, áo phòng chống dịch, dây dẫn sản xuất vắcxin… là những mặt hàng thiết yếu, đang rất cần thiết cho cuộc chiến chống dịch COVID-19.

“Những doanh nghiệp này đã hoạt động ở Việt Nam một thời gian và đang được khuyến khích tăng công suất lên nữa, mở rộng hoạt động sản xuất. Hiện vẫn đang đợi thông tin triển khai từ phía JETRO Tokyo, nhưng chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp này triển khai dự án hiệu quả để có thể tiếp cận được các gói hỗ trợ. Và ngay cả những doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam nhưng chưa có tên trong danh sách này cũng cần được hỗ trợ tương ứng như thế” – ông Hirai Shinji nói.

Theo công bố, chương trình Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài của Chính phủ Nhật Bản sẽ được chia thành hai nhóm hỗ trợ, gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài và nhóm doanh nghiệp Nhật Bản là những công ty con của các tập đoàn mẹ ở Nhật Bản đầu tư ra bên ngoài.

Doanh nghiệp nhóm 1 nhận được nhiều ưu đãi hơn, từ 100 triệu đến 5 tỉ yen Nhật với tỉ lệ hỗ trợ theo quy mô dự án, nhằm thúc đẩy công suất hiện có của mình. Thời gian kết thúc nhận gói hỗ trợ kéo dài đến 31-3-2025. Trong khi đó, nhóm 2 sẽ nhận số vốn hỗ trợ từ 1 triệu đến 5 tỉ yen Nhật, thời gian kết thúc sớm hơn 2 năm.

Chương trình hỗ trợ hướng đến mục tiêu giúp các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng việc hỗ trợ tài chính để xây dựng các cơ sở sản xuất, cũng như những nghiên cứu khả thi tại các nước ASEAN.

Sáng kiến này được đưa ra sau khi nhiều hãng sản xuất xe hơi và các nhà chế tạo khác của Nhật Bản bị thiếu hụt phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc do đại dịch COVID-19.

Theo JETRO, đây là động thái để cải thiện lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản, đồng thời tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế và công nghiệp Nhật Bản – ASEAN.

Đứng đầu điểm đến

Dù với mục tiêu gì, việc một nửa danh sách được chọn là các doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam cũng phản ánh đúng sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản về điểm đến đầu tư Việt Nam thời gian qua.

Ông Hirai Shinji cho biết năm ngoái, khi thực hiện khảo sát về các quốc gia được ưu tiên đến nếu di dời nhà máy, hoạt động sản xuất thì Việt Nam đứng đầu danh sách.

“Trong 159 trường hợp có hoạt động di dời sản xuất một phần, hoặc có kế hoạch chuyển đổi sang nước khác thì có đến 39 trường hợp lựa chọn điểm đến Việt Nam. Thái Lan xếp thứ 2 với 23 trường hợp, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines… Việt Nam đã được lựa chọn từ nhiều năm gần đây” – đại diện JETRO TP.HCM cho biết thêm.

Các khảo sát của JETRO làm khá rõ các câu hỏi “muốn dịch chuyển” và “muốn mở rộng” hoạt động của doanh nghiệp Nhật ở nước ngoài. Như với câu hỏi “Quốc gia nào được chọn khi doanh nghiệp muốn mở rộng ra nước ngoài?”, JETRO ghi nhận khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc đang được thu hẹp đáng kể trong 10 năm qua.

Nếu như năm 2011 có đến 67,9% doanh nghiệp trả lời chọn Trung Quốc, 27,9% chọn Việt Nam thì sau 9 năm, khoảng cách này chỉ còn hơn 7% với 48,1% chọn Trung Quốc và 41% chọn Việt Nam. Điều đó có nghĩa Việt Nam đang gần bắt kịp Trung Quốc trong thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam là trong một khảo sát về mức độ phục hồi kinh tế của JETRO ở ba miền thì có đến 40% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động kinh doanh có thể hồi phục cuối năm nay. Trên thực tế, họ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đây là con số cao hơn hẳn so với các nước khác nhờ dịch COVID-19 ở Việt Nam sớm khống chế thành công.

“Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tính hấp dẫn của thị trường, chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ, môi trường sống cho người nước ngoài tốt thì để đón thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam vẫn còn cần phải tiếp tục cải thiện một số vấn đề. Trong đó, yếu tố doanh nghiệp quan tâm nhất là cơ sở hạ tầng từ logistics, đường sá, cầu cảng đến hạ tầng công nghệ” – ông Hirai Shinji thẳng thắn góp ý.

Ưu đãi đặc biệt

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 20-7, một lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết để đón các nhà đầu tư FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản chuyển dịch đến Việt Nam, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát đất đai khu công nghiệp; rà soát, tập hợp nguồn nhân lực đã đi lao động tại nước ngoài trở về Việt Nam, qua đó hình thành một mạng lưới lao động có tay nghề để các nhà đầu tư lựa chọn.

Theo vị lãnh đạo này, Luật đầu tư vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung hình thức ưu đãi đặc biệt. Những nhà đầu tư FDI nào đến đầu tư đáp ứng các điều kiện thu hút đầu tư có chọn lọc, công nghệ cao, có trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng sản xuất, có giá trị gia tăng cao… sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt.

“Luật đầu tư hiện nay cũng đã đơn giản hóa nhiều thủ tục đầu tư, tăng phân cấp cho địa phương trong tiếp nhận đầu tư FDI. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Có thể thấy Chính phủ đã triển khai một loạt giải pháp tổng thể” – vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

B.NGỌC

23,5 tỉ yen

Tờ Nikkei Asian Review ngày 17-7 đưa tin Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản cuối tuần trước đã công bố danh sách 87 công ty đầu tiên nhận được hỗ trợ của chính phủ để di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 30 trong số 87 công ty này sẽ di chuyển đến Đông Nam Á, 57 công ty còn lại sẽ quay về Nhật Bản.

Theo đó, 87 công ty này sẽ nhận hỗ trợ tài chính tổng cộng 70 tỉ yen (653 triệu USD) để dịch chuyển các cơ sở sản xuất nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như tự xây dựng các chuỗi cung ứng.

Tổng giá trị gói hỗ trợ của chương trình trong năm tài chính 2020 là hơn 2 tỉ USD, trong đó gói hỗ trợ tài chính để thúc đẩy đa dạng hóa các cơ sở sản xuất sang Đông Nam Á trị giá 23,5 tỉ yen (220 triệu USD).

DIỆU AN

NHƯ BÌNH
TTO