Bất chấp Covid-19, người Việt chi 35 tỉ USD mua hàng từ Trung Quốc
Bất chấp Covid-19, người Việt chi 35 tỉ USD mua hàng từ Trung Quốc
Trong 6 tháng đầu năm, hàng hóa nhập từ Trung Quốc đạt giá trị 35 tỉ USD, chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Theo cập nhật từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc tiếp tục là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch 34,92 tỉ USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm gần 30% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong 6 tháng đầu năm.
Sự áp đảo của Trung Quốc thể hiện rõ vị trí dẫn đầu ở hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Đặc biệt, nhiều nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn từ 1 tỉ USD trở lên đều tập trung hàng từ Trung Quốc. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt hơn 3 tỉ USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 1,45 tỉ USD; sắt thép gần 1,4 tỉ USD.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, theo Tổng cục Hải quan, có 3 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỉ USD trở lên, sản lượng tương đương cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên giá trị của 2/3 nhóm hàng bị sụt giảm so với 1 năm trước.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với kim ngạch đạt 27,16 tỉ USD, tăng gần 14%, tương ứng 3,3 tỉ USD, so với 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, hàng nhập từ Trung Quốc đạt 6,65 tỉ USD, tăng 14,2%.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 2 là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,82 tỉ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng nhập từ Trung Quốc ở mức cao nhất với giá trị gần 7 tỉ USD.
Nhóm hàng nhập khẩu lớn thứ 3 là nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày (bông; vải; xơ sợi dệt và nguyên phụ liệu dệt may da giày) với tổng giá trị 10,26 tỉ USD, giảm mạnh 16% (tương ứng giảm 1,94 tỉ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam khi đạt trị giá 4,93 tỉ USD.
LAM NGHI
TNO