Singapore và Hong Kong: Hai số phận
Singapore và Hong Kong: Hai số phận
Lịch sử có những định đoạt khác nhau, dễ lầm tưởng là số phận. Singapore và Hong Kong là hai trường hợp như thế, do con người chọn lựa. Tất nhiên, Singapore khác Hong Kong ở chỗ là một quốc gia, còn Hong Kong thì không phải.
Người dân Singapore chọn gì?
Kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 10-7 cho thấy đảng cầm quyền Hành động nhân dân (PAP) vẫn chiếm đa số trong Quốc hội mới, được 73 ghế trong tổng số 83 ghế, song cũng đã phải chia cho Đảng Công nhân (WP) 10 ghế, nhiều hơn 4 ghế so với cuộc bầu cử trước và là nhiều nhất trong lịch sử Singapore với một đảng đối lập.
Tuy nhiên, đây không hẳn là câu chuyện chọn ai, đảng nào, mà là chọn những ưu tiên gì trong giai đoạn nhọc nhằn này, không chỉ của mỗi mình Singapore.
Trong thực tế hầu như trên toàn cầu, các nước – từ chính phủ đến người dân – đều đang “thấm đòn” COVID-19, không chỉ về sinh mạng (ngày càng tổn thất) hay sức khỏe công cộng (ngày càng nhiều người nhiễm), mà còn là và nhất là, tình trạng “chết dở” về kinh tế – xã hội.
Để hi vọng thoát ra, sau khi đã đưa ra những giải pháp “cứu hộ” ngắn hạn, các chính phủ cần đưa ra được những đối sách trung và dài hạn đủ sức thuyết phục với người dân, mà để có thể công bố và thực thi, cần nhận được sự đồng thuận cao nhất của cử tri.
Sự đồng thuận đó không đương nhiên mà có. Ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long thừa hiểu dân chúng muốn gì, trông đợi gì nơi chính phủ để cả nước cùng ra khỏi đại dịch COVID-19 mà chính ông Lý đã báo trước là sẽ còn dai dẳng và chưa “buông tha” Singapore: “COVID-19 sẽ ở lại với chúng ta ít nhất một năm…
Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho những trồi sụt trong cuộc chiến chống COVID-19”. Bằng cớ là hôm 9-7, ở Singapore số ca nhiễm mới là 158 người, song đến ngày 13-7, số ca nhiễm mới lại là 322 người, trong đó có 10 ca trong cộng đồng!
Nghĩa là nước này vẫn còn đang bị COVID-19 “khống chế”, và nhà nước cũng như người dân có muốn làm gì cũng phải trên thực tế mối đe dọa còn hiển hiện, với một đất nước có diện tích chỉ vỏn vẹn 721,5km2 – “quay ngang, quay dọc” đều có thể nhiễm bệnh!
Cho tới nay, Chính phủ Singapore đã tung ra 100 tỉ đôla Singapore chia làm bốn đợt hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Song, “cứu hộ” là giai đoạn đầu khi phải tự đóng cửa cách ly “chịu trận” đợt tấn công đầu tiên của COVID-19, chớ không thể cứ “chịu trận” mãi được, phải sinh hoạt, lao động, sản xuất trở lại, cho dù thế giới vẫn đang chưa “ngồi dậy” được về kinh tế.
Muốn làm gì hơn nữa, Thủ tướng Lý Hiển Long phải nhận được một sự ủy nhiệm rõ ràng của người dân, qua lá phiếu cho đảng cầm quyền của ông.
Chính vì thế, ông thừa nhận trong bài phát biểu nhân chuyến thăm một trường trung học: “Đây không phải là một cuộc bầu cử lấp chỗ trống. Đây là cuộc tổng tuyển cử cho những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến đất nước vào thời điểm khủng hoảng… Mọi người cần suy nghĩ điều đó khi cân nhắc phiếu bầu của mình”.
Cân nhắc dựa trên những gì? Mỗi đảng đều đã đưa ra tuyên ngôn tranh cử, qua đó cho thấy đâu là ưu tiên của họ. PAP hứa sẽ tạo ra công ăn việc làm, nhất là những công việc mới, bên cạnh chính sách xã hội hỗ trợ các tầng lớp dân chúng trong đại dịch, từ người cao tuổi tới sinh viên, lao động nhập cư.
Câu chuyện “tạo ra những công việc mới” là tối cần thiết khi mà hải cảng và không cảng khắp thế giới vẫn hầu như “đóng cửa” vì không có khách, giao thương còn lâu mới trở lại như cũ. Về lý thuyết, các “công việc mới” đó có thể đến từ tinh thần đổi mới sáng tạo mà Singapore, vốn dẫn đầu năng lực học thuật và khảo cứu, có thể có thừa.
Tuyên cáo tranh cử tựa đề “Cuộc sống của chúng ta, việc làm của chúng ta, tương lai của chúng ta” của PAP có đoạn:
“Chúng ta sẽ tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số với tất cả các ngành nghề; hỗ trợ các công ty đổi mới và thích nghi với thay đổi và tăng trưởng; hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các nền tảng kỹ thuật số, tay nghề của tương lai, tín dụng doanh nghiệp và các hỗ trợ khác; thúc đẩy các ngành tăng trưởng mới như công nghệ, y sinh, công nghệ thông tin và dịch vụ kỹ thuật số, an ninh mạng, sản xuất thực phẩm, chăm sóc y tế và giáo dục…”.
Trong khi đó, tuyên cáo tranh cử của WP là “Hãy làm sao để lá phiếu của quý vị có giá trị” nói tới việc “tập trung cho giáo dục như công cụ biến mơ ước thành sự thật cho mọi con em; chính sách xã hội đỡ đần các gia đình khó khăn trong cuộc sống; ưu tiên xây dựng một nền kinh tế năng động với các công ty có trụ sở tại địa phương, cạnh tranh, có thể chịu được sự thay đổi toàn cầu và trong nước, đồng thời tạo ra việc làm xứng đáng cho người lao động; dồn sức hạ nhiệt giá cả; tăng cường hệ thống chăm sóc y tế và xã hội”.
Có thể sánh nội dung tranh cử này với của các đảng xã hội, cánh tả ở Âu – Mỹ.
Như vậy, người dân Singapore nay đang có nhiều chọn lựa để “ký gửi” những nhu cầu, ước vọng của mình. Cái “khế ước xã hội”, tức bản hiến pháp Singapore, từng bước được thực thi bởi chính ý muốn của người dân qua ba cuộc bầu cử gần nhất kể từ năm 2011, khi WP cứ lần hồi giành thêm ghế.
Song trước các cử tri, ông Lý Hiển Long vẫn phải thừa nhận: “Kết quả phản ánh nỗi đau khổ và sự bất an mà người Singapore đang cảm thấy trong cuộc khủng hoảng này. Đây không phải là cuộc bầu cử để cho thấy mọi chuyện đang tốt đẹp, mà là cuộc bầu cử mà mọi người phải đối mặt với những vấn đề thực sự và hiểu rõ rằng những khó khăn lớn hơn còn ở phía trước”.
Người dân Hong Kong được chọn gì?
Trong những ngày mà ở Singapore, người dân chuẩn bị bỏ phiếu chọn những liên danh hay ứng cử viên đơn danh mà họ tin là khả dĩ sẽ nói lên nguyện vọng thay họ ở nghị trường, thì ở Hong Kong, đạo luật an ninh mới được đưa vào áp dụng giữa những phản đối và tâm trạng u tối, căng thẳng của người dân.
Nửa tháng sau ngày thực thi luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, tờ Bưu Điện Hoa Nam (SCMP) 14-7 nay thuộc chính quyền Hong Kong thử giải thích: “Đạo luật an ninh cho Hong Kong đã được soạn ra theo cách mà việc xác định thế nào là vi phạm không được rõ ràng. Bắc Kinh muốn như thế để cho chúng ta lo ngại về những gì chúng ta nói và làm”.
Câu chuyện luật “không rõ ràng” trên đang được giải thích bởi các viên chức Hong Kong. Regina Ip Lau Suk-yee (Diệp Lưu Thục Nghi), thành viên Hội đồng điều hành Hong Kong và cựu bí thư đặc trách an ninh, phát biểu với Hoàn Cầu Thời Báo ngày 3-7 rằng luật an ninh quốc gia cho Hong Kong mới được áp dụng được một tuần, nên còn cần thời gian “chạy rôđa” để phù hợp với luật pháp địa phương và các thủ tục thực thi trong thành phố, với các pháp lệnh chi tiết hơn dự kiến sẽ được đưa ra để xử lý những tình huống khác nhau và thực thi chính xác luật pháp.
Trong bầu không khí còn quá mới mẻ này, tờ SCMP lòng vòng so sánh chuyện luật an ninh với tình hình dịch bệnh Covid-19, nêu thí dụ trước COVID-19 thì muốn hay không cũng cứ phải đeo khẩu trang, giãn cách xã hội…., dẫu chưa chắc chống được dịch, song hãy cứ tự phòng vệ như thế. Và Luật an ninh cũng vậy, thôi căng biểu ngữ, tụ họp đi “cho lành”.
Nhưng cuối cùng bài báo cũng phải chạm đến ý chính: “Điều chắc chắn là Bắc Kinh không muốn dân chủ kiểu phương Tây cho Hong Kong, những người kêu gọi điều đó đang dần im lặng hoặc bị loại khỏi các công sở. Dân chủ, giống như những từ ngữ trong luật an ninh quốc gia, là bất cứ điều gì chính quyền đại lục muốn nó là như thế”.
Cho rằng “mặc dù vẫn chưa rõ luật này sẽ được áp dụng ra sao, nhưng 66 điều trong luật an ninh quốc gia có nhiều cái khiến người ta phải lo ngại”, The Diplomat trong một bài viết ngày 1-7 bình luận:
“Luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong không chỉ hình sự hóa nhiều hình thức phản kháng hay hoạt động chính trị có thể được chấp nhận trước đây, coi chúng là hành vi xúi giục nổi loạn, khủng bố hay thông đồng.
Bằng việc thành lập một ủy ban an ninh quốc gia tại Hong Kong nhưng không thuộc quyền tài phán của Hong Kong, bằng cách tạo ra một hệ thống truy tố và xét xử song song, và bằng cách xóa bỏ rào cản giữa hệ thống pháp lý của Hong Kong và Đại lục, luật mới về cơ bản chính thức tái cơ cấu dàn xếp “một nước, hai chế độ””.
Một nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật người Pháp, Charlotte Montpezat, đã thuật lại bữa tiệc đêm trao trả Hong Kong trên tờ Huffington Post 15-8-2019: “Regent, được coi là khách sạn đẹp nhất thế giới, đã tổ chức một bữa tiệc bàn giao với điểm nhấn là buổi hòa nhạc riêng của Yo-Yo Ma (*)…
Cả đời tôi sẽ nhớ tiếng cello của Yo-Yo Ma trầm bổng trên vịnh Hong Kong được thắp sáng bởi pháo hoa bất tận… Thời gian không còn tồn tại. Thực tế về sự ghì siết của Trung Quốc đã bị pha loãng trong các nốt nhạc của Bach và bọt sủi rượu sâmbanh lấp lánh”.
Trong bối cảnh đó, một số nước như Anh hay Úc đã ra tuyên bố sẽ tiếp nhận người Hong Kong muốn đi định cư.
Hôm 1-7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố những người bị ảnh hưởng bởi luật an ninh mới sẽ được mở một “tuyến đường” để ra khỏi thuộc địa cũ của Vương quốc Anh.
Khoảng 350.000 người còn mang hộ chiếu lãnh thổ hải ngoại của Anh và 2,6 triệu người khác đủ điều kiện sẽ có thể đến Vương quốc Anh trong vòng 5 năm, và thêm một năm nữa, họ sẽ có thể nộp đơn xin quyền công dân.
(*): Yo-Yo Ma (Ma Hữu Hữu), nghệ sĩ cello bậc thầy thế giới, quốc tịch Mỹ.