24/11/2024

Doanh nghiệp khó khăn, người lao động tiếp tục mất việc

Doanh nghiệp khó khăn, người lao động tiếp tục mất việc

Thiếu đơn hàng, doanh thu giảm mạnh… những hệ luỵ do Covid-19 gây ra vẫn đang tiếp diễn ở nhiều công ty khiến lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng.
Số lượng người lao động bị thất nghiệp, giảm thu nhập dự báo còn gia tăng /// Ảnh: Ngọc Thắng
Số lượng người lao động bị thất nghiệp, giảm thu nhập dự báo còn gia tăng ẢNH: NGỌC THẮNG

Từ du lịch đến may mặc, da giày

Ngay từ đầu tháng 3, chị Hồng ở Quảng Ngãi đã phải quay trở lại quê khi chủ cơ sở may tại Q.Bình Tân (TP.HCM) thông báo cho nghỉ vì không bán được hàng. Chị Hồng cho biết, cơ sở may này đưa gia công bên ngoài và chỉ thuê 2 người phụ ở nhà. Vì chị lớn tuổi hơn nên cho nghỉ, chủ chỉ giữ lại một người phụ. “Về quê thì làm gì?” – “Cũng không biết làm gì hơn nhưng giờ đi xin chỗ khác ở TP.HCM không được, các mối bỏ hàng ở TP.HCM đều giảm lượng, người làm công thất nghiệp nhiều, lớn tuổi như tôi, khó có cơ hội. Thôi thì về quê, sống tằn tiện qua ngày chờ khi nào có việc mới vào lại thành phố”, chị Hồng ngậm ngùi.

Tỷ lệ thất nghiệp quý 2 tăng 2,73%

Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 2/2020 cả nước có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý 2 năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước. Tổng cộng tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỷ  trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng; 897.500 người thất nghiệp… Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng có 67,8% lao động bị ảnh hưởng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có 25,1% lao động bị ảnh hưởng.

Hai vợ chồng anh Quang ngụ ở Q.Tân Phú buôn bán tự do cũng cho biết hàng hóa ế ẩm, tiền kiếm được ít hơn trước nên đã trả bớt 1 phòng trọ cho chủ nhà để tiết kiệm tiền. “Hai vợ chồng cùng 2 đứa con cũng lớn, cộng thêm 2 chiếc xe máy đi lại nên ở một phòng trọ quá chật. Nhưng lúc này tui bán quần áo ế ẩm quá nên đành chịu. Cả nhà bảo nhau ráng ráng ở chật tí. Khi nào buôn bán dễ hơn thì lại thuê thêm phòng như trước kia. Tính ra sau hơn 4 tháng trả phòng cũng tiết kiệm được gần cả chục triệu đồng”, anh Quang nói.

Đó chỉ là 2 trường hợp trong số hàng triệu lao động đã bị mất việc hay bị tác động bởi dịch Covid-19. Cuối tháng 6, Công ty PouYuen đã thông báo cho nghỉ việc gần 3.000 công nhân trong tổng số khoảng 60.000 lao động do đơn hàng liên tục giảm mạnh. PouYuen được xem là một trong những công ty sản xuất giày có quy mô lớn nhất tại VN hiện nay. Việc cắt giảm lao động của công ty này không quá bất ngờ đối với nhiều doanh nghiệp (DN) ngành dệt may và da giày. Thậm chí, có một vài công ty may đã đóng cửa tạm ngưng hoạt động kể từ đầu tháng 4 đến nay vì không thể tìm ra đơn hàng.
Ngành du lịch rầm rộ kích cầu hơn tháng nay nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa vì chưa biết đến khi nào hoạt động mới trở lại bình thường như trước. Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, chia sẻ công ty đã cho khoảng 30% nhân viên nghỉ việc tạm thời trong 3 tháng kể từ đầu tháng 4 vừa qua. Số nghỉ việc đó không có lương nhưng vẫn được công ty đóng bảo hiểm xã hội. Trước đó ngay từ đầu tháng 3, toàn bộ hướng dẫn viên của công ty với hơn 10 người đều nghỉ làm không thời hạn, được công ty hỗ trợ 2 tháng lương. Đồng thời với gần 30 nhân viên còn giữ lại thì cũng giãn giờ làm, luân phiên làm 2 tuần nghỉ 2 tuần và chỉ còn hưởng lương 50% so với trước đó. Tuy nhiên, người đứng đầu Công ty Liên Bang ngậm ngùi cho biết đến cuối tháng 7 là hết thời hạn cho nghỉ tạm thời đối với 30% nhân sự trước đó thì có thể công ty buộc phải thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, cho nghỉ dài hạn. Bởi hiện nay, chỉ có mảng lữ hành nội địa còn túc tắc để duy trì hoạt động, giảm lỗ trong khi thị trường quốc tế vẫn hoàn toàn đóng cửa.
“Quỹ dự phòng của công ty chỉ đủ cầm cự đến tháng 9. Khi đó, trong số gần 30 nhân viên còn lại sẽ phải giảm tiếp đợt 2. Công ty buộc phải xem xét theo từng giai đoạn và sẽ phải tiếp tục cắt giảm lao động do quỹ dự phòng cạn kiệt. Thị trường du lịch nội địa hiện nay đang là cao điểm mùa hè mà vẫn không thể sôi động thì đến tháng 9 cũng dự báo sẽ đìu hiu. Thị trường quốc tế chưa biết 1 – 2 năm nữa mới có thể hoạt động. Chúng tôi vẫn duy trì vì không thể đóng cửa công ty ngay. Hơn nữa, cố gắng tạo công việc cho người lao động vì nhiều người đã gắn bó lâu dài. Nếu cho nghỉ ngay thì họ không biết làm gì. Nhiều hướng dẫn viên nghỉ việc phải đi bán hàng online, chạy GrabBike… nhưng giờ người nhiều việc ít cũng không dễ kiếm được thu nhập”, ông Từ Quý Thành cho hay.

Thị trường vẫn chưa “sáng”

Hầu hết các DN đều bị tác động và vẫn đang trong giai đoạn khó khăn khi đơn hàng sụt giảm, hàng hóa tiêu thụ chậm… Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP.HCM, phân tích: Một số công ty trong ngành có sản xuất mặt hàng liên quan đến y tế như găng tay cao su hay bao bì cho ngành thực phẩm thì vẫn hoạt động bình thường. Nhưng khoảng 50% DN đã bị giảm doanh thu từ 10 – 50%. Từ đó bắt buộc DN phải giảm lao động nhưng do cố gắng duy trì, giảm giờ làm nên chỉ sa thải thực sự từ 10 – 15% nhân viên. Đối với các DN chủ yếu tập trung xuất khẩu thì chưa thấy có tín hiệu “sáng” nào. Bản thân ông dự báo tình hình này sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm nay.
Đồng quan điểm, ông Từ Quý Thành nhận định giai đoạn khó khăn vẫn chưa thể chấm dứt, có thể kéo dài trong 1 – 2 năm tới. Thậm chí hiện đã có nhiều DN “chết” lâm sàng nên số người thất nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ còn gia tăng. Vì vậy, ông mong muốn nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong việc kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa như nhiều nước đã làm. “Nhật Bản đã áp dụng chính sách chi trả một phần chi phí để khuyến khích người dân đi du lịch nội địa. Mong là VN sẽ có các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn trong thời gian tới, trực tiếp cho người dân thì họ mới dám chi tiêu hoặc đi du lịch. Bởi nếu chỉ giảm thuế thì không phù hợp khi bản thân các DN ngưng hoạt động, không có lợi nhuận…”, ông Từ Quý Thành chia sẻ thêm.
Chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng việc kích cầu thị trường nội địa là quan trọng. Mỹ, Canada… đã mạnh tay cho tiền người dân để chi tiêu, giúp DN vẫn duy trì sản xuất. Đây là giải pháp nhanh nhất để DN vượt qua giai đoạn khó khăn và hàng triệu người không bị mất việc. VN không có đủ ngân sách để thực hiện như vậy, nhưng theo TS Đinh Thế Hiển, có thể xem xét cho người dân vay tiền với lãi suất bằng 0% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại và nhà nước cấp bù lãi suất. Đặc biệt có thể xem xét cho vay tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.
“Người lao động được vay tiền để trang trải cuộc sống, mua hàng hóa thì DN mới sản xuất; người dân mua nông sản thì nông dân mới tiếp tục trồng trọt… Từ đó sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực ngành nghề. Việc cho vay sẽ theo hạn mức và thông qua thẻ chỉ dùng để thanh toán khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ mà không giải ngân tiền mặt. Tôi cho rằng giải pháp này cũng không gây áp lực cho lạm phát vì dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất. Đồng thời với các giải pháp khác như đầu tư công, giảm lãi suất cho vay DN… thì mới đủ để vực dậy nền kinh tế hiện nay, giúp DN hồi phục đồng nghĩa là sẽ chặn được tỷ lệ thất nghiệp trên đà tăng”, TS Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
MAI PHƯƠNG
TNO