Cấm hơn 10 năm vẫn ngang nhiên hoạt động
Vấn đề kiểm soát, hạn chế các phương tiện xe tự chế 3 – 4 bánh và xe chở hàng đã được Chính phủ và TP.HCM nêu ra từ cách đây hàng thập niên. Cụ thể, Nghị quyết 32 ngày 29.6.2007 của Chính phủ nêu rõ việc đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3 – 4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Cùng với đó, Thủ tướng cũng ban hành quyết định hỗ trợ các chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm. Thực hiện lệnh cấm, từ đó đến nay TP.HCM đã
thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3 – 4 bánh tự chế, đồng thời chi 160 tỉ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng.
Hiện trên địa bàn TP vẫn có khoảng 30.000 xe tự chế, xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hoạt động. Đáng nói, trong số này, chỉ có…
1 xe còn thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường!
Thế nhưng dù lệnh cấm đã ban hành hơn 10 năm, không khó để bắt gặp những chiếc xe 3 – 4 bánh chở hàng hóa cồng kềnh ngang nhiên “lượn lờ” khắp các tuyến đường trên địa bàn TPHCM. Trên quãng đường chưa đầy 3 km di chuyển từ Q.4 qua đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) trưa 17.7, chúng tôi ghi nhận có tới 3 chiếc xe 4 bánh tự chế nối đuôi nhau, trong đó có 1 xe lỉnh kỉnh phía sau nhiều thùng giấy, 2 xe còn lại chở vật liệu xây dựng. Khu vực cầu Kênh Tẻ hướng về đường Nguyễn Hữu Thọ giờ cao điểm trưa xe ô tô nối đuôi nhau nhích từng chút, trong khi các xe chở hàng thản nhiên luồn lách, lúc chèn qua làn ô tô, khi lại len qua làn xe máy, khiến tình trạng ùn ứ cục bộ càng thêm nghiêm trọng. Ngay khu vực Q.1, đường Nguyễn Thị Nghĩa, chiếc xe 3 bánh với thanh thép dài cả 4 m nghênh ngang chiếm dụng diện tích lớn lòng đường.
Càng đi ra các tuyến đường khu vực cửa ngõ, ngoại thành như đường Lý Thường Kiệt, Nơ Trang Long, Trường Chinh, khu vực huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức…, các loại xe 3 – 4 bánh tự chế càng hoạt động sôi nổi. Phía sau những chiếc xe này kéo theo những thùng hàng cồng kềnh toàn sắt, thép, có khi là những tấm kính sắc lẹm nhưng chỉ được quàng dây hết sức lỏng lẻo, tạm bợ. Đã không ít những trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra khi xe máy va chạm với xe chở hàng, nạn nhân tử vong ngay tại chỗ vì bị những thanh sắt, tấm kính phía sau đâm trúng.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn TP vẫn có khoảng 30.000 xe tự chế, xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hoạt động. Đáng nói, trong số này, chỉ có… 1 xe còn thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường!
Xe tự chế chở hàng cồng kềnh ngang nhiên lưu thông giữa trung tâm TP.HCM chiều 17.7 ẢNH: KHẢ HÒA
|
Hạn chế, tiến tới ngưng sản xuất xe 50TĐ
Một năm sau khi ban hành quyết định
loại bỏ xe ba gác, xe 3 – 4 bánh tự chế, để đáp ứng nhu cầu người dân cần phương tiện thay thế, năm 2009, Chính phủ đã chấp thuận cho thí điểm sản xuất, lắp ráp một loại xe tương tự như xe ô tô tải, có 4 bánh, 2 trục, cabin, thùng hàng đằng sau… Xe sử dụng động cơ xăng của xe máy và không đáp ứng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật của xe ô tô. Loại xe này lưu hành dưới dạng thí điểm nên được đăng ký, cấp bảng số mang hiệu TĐ, thường gọi là xe 50TĐ.
Đáng nói, dù là phương tiện thay thế nhưng thực tế, xe 50TĐ lại gây ra rất nhiều bất cập cả về an toàn giao thông và vấn đề quản lý. Dù xe này có 4 bánh như xe ô tô, thể tích lớn nhưng trên đường phố đô thị lại lưu thông ở làn đường dành cho xe 2 – 3 bánh, gây ùn tắc cục bộ, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Đến năm 2014, để giải quyết những bất cập, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16 quy định loại xe trên phải chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, mức xử phạt theo quy định của loại phương tiện tương tự xe ô tô tải có tải trọng dưới 3.500 kg. Người điều khiển xe cũng phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên. Ngoài việc phải chấp hành quy định như ô tô tải, trong thông tư trên, Bộ GTVT cũng soạn một bộ yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra riêng cho loại xe này. Muốn lưu hành, chủ xe phải đem xe đến cơ quan đăng kiểm để kiểm tra. Nếu kiểm tra đạt yêu cầu kỹ thuật, xe mới được cấp giấy chứng nhận lưu hành và dán tem lưu hành. Thời hạn hiệu lực của giấy lưu hành chỉ là 6 tháng nên chủ xe phải đem xe đi đăng kiểm mỗi 6 tháng một lần.
Thế nhưng sau nhiều năm thí điểm, Sở GTVT đánh giá chất lượng của xe chở hàng 4 bánh rất kém, nhanh xuống cấp, nhất là khi chủ phương tiện chưa có ý thức cao về việc bảo dưỡng, sửa chữa nhằm duy trì trạng thái kỹ thuật giữa 2 kỳ kiểm định. Các lỗi thường gặp khi vào kiểm định gồm tự ý thay đổi kết cấu thùng xe, khung xe, động cơ xe, lốp xe; hệ thống lái, hệ thống phanh không đạt tiêu chuẩn; cabin xe không đúng thiết kế. Do vậy, phần lớn các chủ xe không đưa xe vào kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Chưa kể, để đáp ứng nhu cầu chở hàng, chủ phương tiện tự cơi nới thùng hàng hoặc thay thế các bộ phận nên thường không đảm bảo các yêu cầu quy định về an toàn chất lượng và bảo vệ môi trường của xe cơ giới và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Loại xe này thường xuyên chở hàng cồng kềnh và chở quá tải trọng cho phép do sức chở tối đa không quá 500 kg.
Mặt khác, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe 50TĐ chưa có, việc sản xuất xe chở hàng, chở người 4 bánh có gắn động cơ không có quy chuẩn để kiểm tra, đối chiếu, trong khi trên thị trường hiện nay có nhiều loại xe có tải trọng tương đương nhưng chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tốt hơn, hoàn toàn có thể thay thế cho xe chở hàng 4 bánh. Do đó, Sở GTVT TP kiến nghị UBND TP giao 24 quận, huyện yêu cầu các cơ sở sửa chữa xe cam kết không tham gia thay đổi các hệ thống tổng thành, cơi nới, thay đổi kết cấu thùng xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ nếu không có thiết kế đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, giao các đơn vị liên quan đánh giá chất lượng thực tế để làm cơ sở xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền hạn chế sản xuất và tiến tới ngừng sản xuất đối với xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ.
Nhằm từng bước kiểm soát hoạt động của các loại xe thô sơ 3 – 4 bánh tự chế, đảm bảo phù hợp với điều kiện đô thị đặc thù của TP, cũng như phù hợp với lộ trình chuyển đổi phương tiện, dần làm thay đổi thói quen của người dân sử dụng loại phương tiện này, Sở GTVT đề xuất phương án tổ chức giao thông cho các loại phương tiện trên theo từng giai đoạn.