24/01/2025

Mối dây gắn bó Việt Nam – Nhật Bản

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN – Nhật Bản (21.9.1973 – 21.9.2018), Thanh Niên giới thiệu bài viết của nhà sử học Yoshiharu Tsuboi, tác giả cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa.

 

Mối dây gắn bó Việt Nam – Nhật Bản

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN – Nhật Bản (21.9.1973 – 21.9.2018), Thanh Niên giới thiệu bài viết của nhà sử học Yoshiharu Tsuboi, tác giả cuốn Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa.
 
 
 
 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhật hoàng duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Hà Nội tháng 3.2017 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Nhật hoàng duyệt đội danh dự trong lễ đón chính thức tại Hà Nội tháng 3.2017   ẢNH: NGỌC THẮNG

 
Năm 2018 đánh dấu cột mốc kỷ niệm 45 năm Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Thời điểm năm 1973, Chiến tranh Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ khốc liệt và một đồng minh của Nhật Bản là Mỹ từng chi viện cho chính quyền VNCH. Tuy nhiên, chấp nhận đối mặt với sự phản đối của Mỹ, Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). Nhân dịp này, tôi xin phép được kể một câu chuyện lâu nay ít được biết đến.
 
Vượt qua khác biệt
Năm 1972 chứng kiến sự hòa giải đầy kịch tính giữa Mỹ và Trung Quốc. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger (sau này kiêm thêm chức Ngoại trưởng) bí mật tiến hành đàm phán, dẫn đến chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Richard Nixon. Khi đó, dù là đồng minh với Mỹ nhưng Nhật Bản hoàn toàn bị phớt lờ và chỉ biết về tiến trình này qua truyền thông. Vì thế, nhiều nhà ngoại giao Nhật rất bức xúc và muốn tìm kiếm một hướng đi mới.
 
Mặt khác, ông Wasuke Miyake, người đứng đầu Văn phòng Đông Nam Á số 1 (phụ trách các vấn đề về Việt Nam), đã nhìn thấy xu hướng tất yếu là Việt Nam sẽ thống nhất đất nước, phát triển một quốc gia toàn vẹn, độc lập và tự chủ. Từ đó, được sự đồng ý của Ngoại trưởng Takeo Fukuda, Miyake nỗ lực vận động về sự cần thiết phải thiết lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH.
 
Đương nhiên, trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng có ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng việc làm trái ý Mỹ và cắt đứt với VNCH là “thiếu suy nghĩ”. Tuy nhiên, Miyake và thuộc cấp vẫn âm thầm đến Hà Nội vào đầu năm 1973 để trình bày với chính phủ VNDCCH về phương thức “tách bạch chính trị và kinh tế”. Theo ông, dù có khác biệt về chính trị nhưng Nhật Bản vẫn mong muốn xúc tiến viện trợ kinh tế và hợp tác để giúp hồi phục nền kinh tế Việt Nam vốn kiệt quệ vì chiến tranh. Thế rồi, ngày 21.9 năm đó, tuyên bố chung được công bố về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa VNDCCH và Nhật Bản.
 
Mối duyên lịch sử
Tại sao Nhật Bản có thể phát huy sáng kiến từ quan điểm của riêng mình để thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1973, tức trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc 2 năm? Ở đây tồn tại lý do mang tính lịch sử và lý do địa – chính trị. Hai nước đã có lịch sử giao lưu từ xa xưa hơn 1.000 năm giao lưu nhân dân kể từ khi nhà sư Phật Triết đến Nara, kinh đô Nhật Bản thời đó, để giao lưu Phật giáo và âm nhạc. Sư Phật Triết đã tham dự lễ cúng dường khai nhãn đại Phật điện chùa Todaiji năm 752, và truyền bá về cây gỗ thơm cũng như nhã nhạc. Đặc biệt, vào thế kỷ 17, khi Tướng quân Ieyasu Tokugawa thi hành chính sách gửi thuyền buôn mang giấy phép thông hành đóng triện đỏ đến các cảng Đông Nam Á (gọi là chính sách mậu dịch châu ấn thuyền), mậu dịch song phương phát triển đến mức người Nhật ở Hội An có khi lên đến hơn 1.000 người và hình thành cả khu phố Nhật. Hiện nay, tại Hội An, nơi đã được công nhận là Di sản thế giới, vẫn còn lưu lại những ngôi mộ người Nhật và chùa Cầu vẫn thường được gọi là “cầu Nhật Bản”.
 
Về địa chính trị, cả Nhật Bản và Việt Nam đều tiếp xúc với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Nhìn từ góc độ lãnh thổ và dân số thì Nhật Bản và Việt Nam đều là quốc gia nhỏ so với nước này. Vì thế, trong bối cảnh quan hệ hợp tác đan xen phức tạp ở khu vực thì Việt Nam và Nhật Bản có đầy đủ những yếu tố tất yếu để phát triển mối quan hệ thân thiết. Đó là chưa kể giữa 2 nước còn có nhiều điểm chung về văn hoá như xem gạo là lương thực chính, cùng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo…
 
Trải qua 45 năm, quan hệ song phương vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Năm ngoái, Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Hiện du khách Việt Nam sang Nhật Bản lên đến gần 200.000 người, số người Việt Nam làm việc, học tập ở Nhật tăng nhanh lên 260.000 người. Từ đầu năm đến nay, nhiều chương trình kỷ niệm được tổ chức, xác nhận mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
 
Chân thành chia ngọt sẻ bùi
Trong lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Tokyo hồi tháng 6, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận định hai nước đã cùng đi một chặng đường dài, xây dựng quan hệ hợp tác hữu nghị, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi. “Vượt qua bao thăng trầm của lịch sử, hai bên đã nỗ lực cùng nhau đưa quan hệ phát triển mạnh mẽ thực chất trên mọi lĩnh vực. Ngày nay, hai nước chúng ta không chỉ là đối tác chiến lược sâu rộng mà thực sự là những người bạn chân thành, chia ngọt sẻ bùi và thấu hiểu”, Phó thủ tướng phát biểu.

 

Yoshiharu Tsuboi (Giáo sư Đại học Waseda)