25/11/2024

Đòi nợ thuê bị khai tử, nó chịu tử không hay biến thành… đòi nợ chui?

Đòi nợ thuê bị khai tử, nó chịu tử không hay biến thành… đòi nợ chui?

Hàng loạt công ty đòi nợ thuê cho biết đang tính đến việc chuyển đổi hoặc giải thể, sau khi Luật đầu tư sửa đổi với với quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được thông qua, nhưng các chuyên gia lo dịch vụ này sẽ biến tướng.

 

Đòi nợ thuê bị khai tử, nó chịu tử không hay biến thành... đòi nợ chui? - Ảnh 1.

Nhiều người lỡ vay tiền của các app cho biết thường bị “khủng bố” tinh thần nếu chậm trả – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Chưa bao giờ câu chuyện đòi nợ thuê, khủng bố đòi nợ nóng như hiện nay, nhất là sau khi có trường hợp bị khủng bố đòi nợ cùng quẫn đã phải tự tử. Liệu câu chuyện đòi nợ theo kiểu khủng bố có được chấm dứt sau khi dịch vụ đòi nợ thuê bị khai tử?

Chuyển đổi để… sống tiếp

Hơn 10 năm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, ông Nguyễn Đăng Hòa – giám đốc Công ty TNHH đòi nợ T.D. (TP.HCM) – cho biết sau khi Quốc hội “khai tử” nghề, các doanh nghiệp (DN) phải tính đến chuyện đóng cửa, cho nhân viên tìm kiếm công việc mới bởi nếu không chuyển đổi công việc, 10 nhân sự của công ty sẽ rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Dù sẵn sàng chấp hành theo các quy định của pháp luật, nhưng ông Hòa cũng rất “tâm tư” khi nhiều hợp đồng vẫn đang dở dang, một số con nợ mà DN đang thu hồi cũng chây ì vì biết nghề này sắp bị cấm.

Theo ông Hòa, nhu cầu tìm đến công ty đòi nợ của các khách hàng cá nhân, DN là rất lớn bởi các thủ tục khởi kiện thường kéo dài và việc thi hành án rất phức tạp.

Nếu “khai tử” dịch vụ này, nhiều khả năng sẽ sản sinh những dịch vụ đòi nợ chui, kéo theo nhiều hệ lụy khi người đi đòi nợ sẽ không được quản lý chặt như những DN làm ăn đúng pháp luật.

“Do đó, Nhà nước cũng cần tính toán đến phương án hỗ trợ các DN làm ăn không vi phạm pháp luật trước khi chính thức khai tử” – ông Hòa nói.

Tương tự, ông Phan Quang Trực – giám đốc Công ty thu hồi nợ T.T & C.S. (TP.HCM) – cho biết gần 30 nhân sự của công ty sắp phải chuyển đổi nghề nghiệp khi nghề này chính thức bị xóa bỏ.

Theo ông Trực, công an phường cũng đã rà soát và mời công ty tới làm việc để tính đến phương án đóng cửa. Trước mắt, DN vẫn hoạt động bình thường nhưng số lượng khách hàng gọi đến tư vấn, ký hợp đồng cũng giảm.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đòi nợ thuê, ông Trực thừa nhận nhiều DN cũng sử dụng các “cộng tác viên” đi đòi nợ không đúng quy định, không tuân thủ các quy định của pháp luật dẫn đến người dân có cái nhìn xấu về nghề này.

Riêng với những công ty hoạt động đúng pháp luật, các nhân sự đều do công an quản lý, khi hoạt động phải thông báo với chính quyền địa phương và có những quy tắc riêng nên việc xóa sổ ngành nghề này là một điều đáng tiếc. “Nhiều nhân sự mới vào nghề cũng tâm tư nhưng luật đã quy định, chúng tôi phải chấp hành và các nhân viên buộc phải tính đến chuyện tìm nghề khác mà kiếm sống” – ông Trực nói.

Giám đốc một công ty đòi nợ ở TP.HCM cũng cảnh báo nhiều khả năng các công ty đòi nợ sẽ “biến hóa”, chuyển đổi hình thức kinh doanh như hoạt động dưới mô hình công ty mua bán nợ.

Theo vị này, đã có những công ty đòi nợ bị tước giấy phép và chuyển sang thành lập công ty mua bán nợ, nhưng thực tế lại không “mua bán” mà chỉ thỏa thuận trên giấy tờ.

“Nhiều khách hàng sau khi thỏa thuận với công ty mua bán nợ, cuối cùng cũng tìm đến các công ty đòi nợ bởi thực tế hoạt động không hiệu quả” – vị này nói.

Khó dẹp đòi nợ kiểu khủng bố?

Thời gian gần đây, dù lực lượng công an ra quân triệt phá nhiều app cho vay nhưng phản ảnh về các app cho vay nặng lãi vẫn dồn dập đổ về Tuổi Trẻ. Có trường hợp vay 3 triệu đồng nhưng giải ngân 2,2 triệu đồng, trễ vài ngày tổng tiền phải trả nhảy lên 5,9 triệu.

Có người vay 5 triệu nhưng sau 14 ngày trả thành 7 triệu đồng. Nếu không trả sẽ phải nhận hàng trăm cuộc gọi đe dọa bắt trả tiền. Có trường hợp bị khủng bố bằng hơn 200 số điện thoại khác nhau, bị ghép mặt vào các tấm hình sex…

Chị Tuyền (TP.HCM) cho biết vay qua ứng dụng và bị trễ hạn trả nợ do đợt dịch COVID-19 vừa qua đã bị các app khủng bố bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin với những lời lẽ tục tĩu, thậm chí còn đe dọa tính mạng chị và người thân.

“Họ còn gọi cho người thân của tôi nói tôi có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, công an sẽ vào cuộc để gây áp lực. Lúc nào tôi cũng nơm nớp lo sợ” – chị Tuyền nói.

Không chỉ các app, công ty tài chính cũng sử dụng lực lượng đòi nợ để thúc nợ với những trường hợp quá hạn lâu.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, với những khoản nợ quá hạn lâu (trên 180 ngày), công ty tài chính sẽ chuyển cho các đối tác là các công ty đòi nợ thuê thực hiện việc thu hồi nợ.

Và người vay sẽ bị khủng bố do thường phải đòi được nợ mới lấy được phí, dao động 30-40% với khoản nợ nhỏ. Khoản nợ càng lớn thì mức phí càng giảm nhưng thấp nhất cũng phải 15-18%, chưa kể “phí công tác” cho nhân viên đi đòi nợ.

Do phí cao, việc áp dụng chiêu trò để thu nợ là điều dễ hiểu vì nếu không họ sẽ mất trắng chi phí đã bỏ ra. Với việc cấm dịch vụ đòi nợ thuê, trao đổi với báo chí mới đây, bà Vũ Thị Ngọc Kiều – trưởng phòng pháp lý Công ty ATM Online, một công ty fintech (công nghệ tài chính) có liên kết làm dịch vụ cho vay online qua web – cho biết các công ty fintech sẽ cân nhắc chọn giải pháp bán nợ qua bên thứ ba khi quy định cấm đòi nợ thuê chính thức có hiệu lực vào năm sau.

Lãnh đạo một công ty tài chính (giấu tên) cho biết với quy định mới, thay vì thuê công ty đòi nợ, DN này sẽ tính toán bán nợ sang bên thứ ba vì các công ty thu nợ không bị cấm đòi khoản nợ của mình.

“Khi đòi nợ thuê, các công ty thu nợ sẽ bị ràng buộc bởi một số điều khoản nhất định với công ty tài chính, nhưng khi bán dứt nợ thì họ sẽ không chịu ràng buộc gì. Như vậy khả năng các vụ khủng bố đòi nợ không dứt mà còn nặng hơn” – vị này nói.

Sẽ khó quản hơn?

Sau khi có thông tin về việc “đòi nợ kiểu khủng bố” gây chết người, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các công ty tài chính rà soát toàn bộ các quy định nội bộ về cấp tín dụng, đôn đốc thu hồi nợ và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước trước ngày 15-7.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các công ty tài chính cho biết sẽ xem xét chính sách cũng như điều kiện cho vay thận trọng hơn khi quy định mới chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, nhu cầu dịch vụ đòi nợ thuê là thật. Trong quá trình hoạt động vừa qua, nhiều DN đòi nợ thuê không tuân thủ điều kiện kinh doanh cũng như quy định pháp luật có liên quan làm phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực như khủng bố bằng chất bẩn, phá hoại tài sản hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ…

“Nếu dịch vụ này bị cấm, các DN sẽ lách bằng cách lập các hợp đồng ủy thác, hợp đồng nhờ thu nợ hoặc bán nợ với giá bằng 1/2, thậm chí hợp đồng tặng cho nợ. Như vậy càng khó quản hơn” – ông Đức khuyến cáo.

A.HỒNG

ÁNH HỒNG – NGỌC HIỂN
TTO