25/11/2024

Vì sao phải tắt điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh?

Vì sao phải tắt điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh?

Trong quá trình máy bay cất, hạ cánh, nếu hành khách sử dụng điện thoại, sóng điện thoại sẽ làm nhiễu sóng trao đổi giữa phi công và trạm kiểm soát, tạo ra những tiếng ‘tít tít’ chèn lên cuộc trao đổi.

 

 

Vì sao phải tắt điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh? - Ảnh 1.

Tất cả các hãng hàng không đều cấm hành khách sử dụng điện thoại trong quá trình tàu bay cất, hạ cánh – Ảnh: Telegraph

Cục hàng không Việt Nam đã ra quyết định vào đầu tháng 7, xử phạt nữ hành khách 25 tuổi (hộ khẩu tại TP Thái Nguyên) 4 triệu đồng và cấm bay 12 tháng. Lý do nữ hành khách đi chuyến bay VJ139 Hà Nội – TP.HCM ngày 19-6 đã không chấp hành quy định về an toàn hàng không theo hướng dẫn của tiếp viên, sử dụng điện thoại trong khi máy bay đang lăn để chuẩn bị cất cánh.

Sự việc trên đã thu hút nhiều người quan tâm về các quy định sử dụng điện thoại trên máy bay chuẩn bị cất, hạ cánh. Bởi quá trình chuẩn bị cất cánh và hạ cánh là 2 giai đoạn quan trọng bậc nhất trong một chuyến bay. Đó là khi phi hành đoàn phải phối hợp nhịp nhàng hết sức với đài không lưu, chưa kể kỹ năng và sự tập trung của người lái.

Theo các chuyên gia về hàng không, trong quá trình máy bay cất, hạ cánh, nếu hành khách sử dụng điện thoại, sóng điện thoại sẽ làm nhiễu sóng trao đổi giữa phi công và trạm kiểm soát, tạo ra những tiếng “tít tít” chèn lên cuộc trao đổi. Điều này ảnh hưởng tới quá trình tiếp nhận thông tin của phi công và có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Thực tế, những tai nạn nguy hiểm đều tập trung ở hai giai đoạn này, kéo dài khoảng 15 – 20 phút để đạt được độ cao hơn 3.000m.

“Bạn có thể sử dụng điện thoại ở chế độ máy bay trong khi bay, nhưng phải tắt hoàn toàn trong lúc cất cánh và hạ cánh, như tất cả các thiết bị điện tử khác vì đây là những thời điểm nguy hiểm nhất trong chuyến bay” – một bài đăng trên Reddit nêu.

Một nhân viên kỹ thuật của hãng British Airways của nước Anh đã có một số báo cáo về việc sử dụng điện thoại trong chuyến bay gây nguy cơ hỏng cả hệ thống kỹ thuật.

“Tín hiệu điện thoại di động có thể can thiệp vào các hệ thống dẫn đường và hạ cánh của máy bay”, người này chia sẻ. Nguyên nhân là do các thiết bị điện tử sẽ truyền tín hiệu và kết nối với mạng truyền thông qua các cột sóng trên mặt đất, gây ảnh hưởng tới việc nhận tín hiệu tại buồng lái.

Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ, hơn 1300 máy bay phản lực ở Mỹ có màn hình buồng lái dễ bị nhiễu từ wifi, điện thoại di động và thậm chí cả tần số bên ngoài như radar thời tiết.

Trang tin ABC News cho hay, theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, trong giai đoạn 2003 – 2009 đã có 75 vụ việc xảy ra do tín hiệu điện thoại, trong đó có 26 vụ gây ảnh hưởng tới hệ thống điều hành bay. Báo cáo cũng chỉ ra rằng một tín hiệu điện thoại di động “đi lạc” có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiết bị công nghệ trong buồng lái. Máy bay càng cũ sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn từ việc nhiễu sóng này.

Những thông tin trên càng khẳng định hậu quả tiềm tàng nếu hành khách cố tình sử dụng điện thoại trong quá trình cất, hạ cánh. Vì vậy, tắt các thiết bị điện tử trong quá trình cất và hạ cánh, để chế độ “máy bay” trong quá trình bay là rất quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân hành khách và cả chuyến bay.

Thậm chí, Cục hàng không Việt Nam đã từng ra chỉ thị yêu cầu các hãng hàng không chấn chỉnh đội ngũ tiếp viên hàng không phải nghiêm túc, kiên quyết nhắc nhở hành khách không sử dụng các thiết bị thu phát sóng, điện thoại di động, máy tính cá nhân, Ipad, tai nghe nhạc trên tàu bay trong quá trình cất, hạ cánh.

Năm 2017, tại Trung Quốc, chỉ trong vòng một tháng đã có ba hành khách bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ do sử dụng điện thoại trong chuyến bay. Trong đó, một hành khách nữ đã bị bắt và tạm giam 5 ngày khi từ chối tắt điện thoại trong quá trình máy bay cất cánh và gọi điện thoại trong quá trình bay. Hai hành khách còn lại cũng bị bắt và tạm giam trong vòng 3-5 ngày vì không tuân theo quy định an toàn bay.

C.TRUNG
TTO