24/11/2024

“Thành phố luôn mong phát triển Cần Giờ đúng tầm”

“Thành phố luôn mong phát triển Cần Giờ đúng tầm”

Chính phủ vừa phê duyệt dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích đột phá về đời sống, kinh tế, xã hội cho Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung.
Dự án Khu đô thị du lịch tiến biển Cần Giờ sẽ là cú hích cho khu vực này phát triển /// Ảnh: Ngọc Dương
Dự án Khu đô thị du lịch tiến biển Cần Giờ sẽ là cú hích cho khu vực này phát triển ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Tuy nhiên, xung quanh dự án này cũng còn không ít những thắc mắc, quan ngại về vấn đề môi trường, sinh kế của người dân địa phương. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đức Tuấn, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp TP.HCM, nguyên Thư ký thường trực BQL Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, người tâm huyết và hiểu rất rõ về Cần Giờ, từ địa lý, thổ nhưỡng, đặc thù cho tới pháp lý, chủ trương và mong muốn của chính quyền TP.HCM về vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được đánh thức này.
“Thành phố luôn mong phát triển Cần Giờ đúng tầm” - ảnh 1

Cuộc sống hiện nay của cư dân tại Cần Giờ   ẢNH: NGỌC DƯƠNG

“Tiền tiêu” ứng phó với nước biển dâng

Nhiều người lo ngại việc thi công dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ sẽ ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thực hư việc này ra sao? Có phải chúng ta đang đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế?
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ thành phố đã có quy chế quản lý, trong đó có quy định rất rõ về vùng lõi, vùng đệm, vùng chuyển tiếp. Theo đó, vùng lõi giới hạn tất cả các hoạt động kinh tế, chỉ cho những hoạt động đã có truyền thống lâu đời. Ở vùng đệm thì chấp nhận các hoạt động kinh tế theo truyền thống, phục vụ người dân địa phương. Còn vùng chuyển tiếp, chấp nhận các hoạt động kinh tế ở cường độ cao. Dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ cách vùng lõi 18 km, hoàn toàn nằm ngoài vùng chuyển tiếp nên không ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt của rừng ngập mặn. Thậm chí ngay cả với hệ sinh thái rừng ngập mặn thì khu vực bãi triều cũng không nằm trong rừng ngập mặn. Những hoạt động chuẩn bị xây dựng, vận hành khu đô thị đã có quy trình giám sát về mặt kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với những hoạt động khu vực đó. Theo tôi, đây là khu đô thị theo đúng chủ trương tiến biển của thành phố. Về mặt pháp lý đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư. Bây giờ cái quan trọng nhất là thực hiện dự án như thế nào để đảm bảo Đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN-MT phê duyệt.
Biển Cần Giờ cũng đang đối diện với tình trạng nước biển dâng, theo ước tính đã mất tới 30.000 ha. Khi có dự án, tình trạng này có bị đẩy nhanh hơn không? Liệu có xảy ra viễn cảnh vài chục năm nữa Cần Giờ sẽ nằm trong biển nước không, thưa ông?
Phải nhìn nhận chính xác rằng 30.000 ha biến mất ấy là do quá trình xói mòn tự nhiên, không phải nước biển dâng. Khi xây dựng dự án với mục tiêu là khu đô thị sinh thái ven biển đồng nghĩa với việc người ta sẽ vận hành, bảo vệ nó một cách tốt nhất. Đặc biệt, theo tôi, dự án tiến biển này còn chính là cái tiền tiêu cho thích ứng và đối phó với nước biển dâng, sẽ như cái ranh để ngăn không cho nước biển xâm lấn vào thêm nữa. Hay nói cách khác, chúng ta có thể giữ đất bằng cách chủ động tiến biển.

Cú hích cho Cần Giờ

Nhiều ý kiến cũng lo ngại, khi dự án hình thành người dân tại Cần Giờ sẽ mất kế sinh nhai, tạo mâu thuẫn giữa cư dân đô thị và dân cư xung quanh. Người dân thu nhập thấp nên ít có cơ hội thụ hưởng các dịch vụ y tế, trường học, nhà ở. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hoàn toàn ngược lại. Theo tôi, khu đô thị sinh thái thông minh này sẽ tạo ra cú hích về đời sống, kinh tế, dân trí cho Cần Giờ. Công nghệ, khoa học kỹ thuật sẽ phát triển mạnh, tạo ra công ăn việc làm mới, phù hợp với lực lượng cư dân mới tới. Khi đó, người dân Cần Giờ cũng phải tự nâng trình độ họ lên, thế hệ con em đi học ở thành phố về sẽ có công ăn việc làm ổn định, yên tâm hơn. Bên cạnh đó, dự án sẽ làm tăng nguồn thu của ngân sách huyện và thành phố, cải thiện điều kiện hạ tầng của huyện, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân bản địa.
Khi dự án được hoàn thành, dân số dự kiến sẽ khoảng 220.000 người, gần gấp 3 so với hiện nay. Theo ông, việc này sẽ có những tác động thế nào đến môi trường, cảnh quan ở Cần Giờ?

Dự án Khu du lịch tiến biển Cần Giờ có tổng vốn đầu tư khoảng 217.054 tỉ đồng, quy mô 2.870 ha với mục tiêu xây dựng thành khu đô thị du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, đô thị thông minh, dịch vụ công nghệ cao, nhà ở, dịch vụ, khách sạn…

Dự án nằm hoàn toàn bên ngoài khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, cách vùng lõi khoảng 18 km về phía bắc. Nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp 34.672,79 ha trong đó diện tích rừng ngập mặn là 32.451,02 ha (rừng phòng hộ Cần Giờ); nằm kế cận vùng chuyển tiếp thuộc ranh giới Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đúng là tôi có chút băn khoăn, áp lực phát triển kinh tế liệu có tác động đến môi trường hay không? Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư tuân thủ đúng các quy định, quy chuẩn nhà nước đặt ra thì không đáng lo ngại. Quan trọng nhất vẫn là con người thực hiện, có tâm và có tầm thì có thể kiểm soát được.

Tôi cũng hy vọng khi triển khai Khu đô thị tiến biển Cần Giờ, với uy tín đã có, chủ đầu tư sẽ tôn trọng tôn chỉ, mục đích mình đã đặt ra. Lãnh đạo thành phố cũng mong muốn xây dựng những đô thị vệ tinh xanh, thông minh, khu đô thị sinh thái thông minh Cần Giờ đáp ứng đúng chủ trương của thành phố. Đây không chỉ là đô thị sinh thái mà phải là đô thị thông minh, như vậy mới xứng tầm.
Là khu vực duy nhất của TP.HCM giáp biển, Cần Giờ được đánh giá có thể trở thành “mỏ vàng du lịch” của TP.HCM nếu biết khai thác đúng cách. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Chủ trương này của thành phố có từ lâu rồi chứ không phải mới đây, thành phố luôn mong muốn phát triển Cần Giờ đúng tầm. Từ năm 2000 sau khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển, thành phố đã đưa vào quy hoạch và mục tiêu là biến Cần Giờ thành đô thị sinh thái phục vụ cho du lịch. Hiện nay lượng khách du lịch cũng đã tăng rất mạnh từ 500.000 khách năm 2010 vọt lên 1,5 triệu khách năm 2018. Đặt ra bài toán mới về hạ tầng kỹ thuật, đô thị, hạ tầng du lịch để giải quyết lượng khách ngày càng tăng này.
Nếu có khu đô thị du lịch sẽ đa dạng hóa các hoạt động du lịch gắn kết với khu vực rừng ngập mặn. Từ đó phát huy đúng thế mạnh, đạt được mục tiêu nhà nước đặt ra là biến Cần Giờ thành 1 trong 20 khu du lịch sinh thái trọng điểm của cả nước. Tôi hy vọng, Khu đô thị du lịch tiến biển Cần Giờ sẽ là bước khởi đầu kích hoạt cho mọi hoạt động bền vững tiếp theo của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
VÂN HÀ
TNO