24/11/2024

COVID-19 ngày 9-7: Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày

COVID-19 ngày 9-7: Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày

Số ca hồi phục của toàn cầu đã nhiều hơn một nửa của tổng số 12 triệu ca bệnh. Tổng thống Philippines khen Tổng thống Mỹ và Brazil can đảm khi mở lại nền kinh tế.

 

COVID-19 ngày 9-7: Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục với 2.657 trường hợp. Gần một nửa trong số các ca COVID-19 mới tại đây đều được ghi nhận tại một trung tâm huấn luyện quân đội ở West Java.

Tính tới nay, quốc gia này đã có tổng cộng 70.736 ca nhiễm SARS-CoV-2. Các chuyên gia y tế nghi ngở rằng giới hạn trong khả năng thực hiện xét nghiệm đang ngăn cản Indonesia xác định chính xác số ca nhiễm.

Tuy nhiều người tin rằng số ca COVID-19 tại đây trong thực tế cao hơn nhiều, Jakarta đã bác bỏ nghi vấn này và kêu gọi người dân không hoảng loạn.

Trong ngày 8-7, Indonesia có thêm 58 ca tử vong liên quan đến COVID-19, nâng tổng số trường hợp tử vong vì dịch bệnh này lên 3.417, theo quan chức thuộc Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto.

Tỷ lệ hình thành kháng thể ở Hàn Quốc ở mức thấp

Ngày 9-7, Ủy ban ứng phó dịch bệnh trung ương thuộc Cơ quan phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) công bố kết quả điều tra sơ bộ về sự hình thành kháng thể virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Ủy ban trên đã điều tra về sự hình thành kháng thể virus SARS-CoV-2 trên 3.055 người dân thường từ ngày 21-4-19-6 vừa qua. Kết quả kiểm tra chỉ phát hiện được kháng thể trên một người, với tỷ lệ đạt 0,03%.

Giới chuyên gia cho biết thông thường, khi một người mắc bệnh truyền nhiễm do virus, cơ thể sẽ hình thành kháng thể vô hiệu hóa virus. Kết quả kiểm tra kháng thể có thể giúp các chuyên gia phán đoán số lượng bệnh nhân trên quy mô toàn quốc, bao gồm cả những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 tự khỏi bệnh mà không biết.

Trước đó, Ủy ban ứng phó dịch bệnh trung ương Hàn Quốc cũng đã tổ chức cuộc họp với các chuyên gia vào ngày 8-, phân tích rằng kết quả kiểm tra lần này vẫn chưa đảm bảo tính đại diện, do không bao gồm một số khu vực như tâm dịch thành phố Daegu. Do đó, tài liệu trên còn bị hạn chế trong việc đưa ra ước tính về số lượng người mắc bệnh trên quy mô toàn dân.

So với các nước, tỷ lệ hình thành kháng thể ở Hàn Quốc ở mức thấp. Điều này là nhờ người dân nước này tự giác đi xét nghiệm sớm, thời gian xét nghiệm nhanh, người dân tích cực tham gia tuân thủ giãn cách xã hội. Châu Âu và Nhật Bản cũng đang kiểm tra theo phương thức tương tự để xác định số lượng bệnh nhân COVID-19. Theo đó, tỷ lệ hình thành kháng thể ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) là 5%, thủ đô London (Anh) là 17%, thủ đô Stockholm (Thụy Điển) là 7,3% và Tokyo (Nhật Bản) là 0,1%.

Ủy ban trên dự kiến mở rộng đối tượng kiểm tra thêm 3.300 người ở mọi giới tính, độ tuổi, khu vực, bao gồm cả thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, nhằm xác định chính xác mức độ miễn dịch cộng đồng, số lượng bệnh nhân mắc bệnh không xuất hiện triệu chứng, từ đó tiếp tục hoàn thiện đối sách phòng dịch.

Tokyo ghi nhận ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục

Thủ đô Nhật Bản ngày 9-7 ghi nhận 224 ca nhiễm virus corona mới, theo đài NHK, con số cao nhất từ trước tới nay.

Kỷ lục trước đó là 206 ca mới được ghi nhận vào ngày 17-4 khi Tokyo và một số thành phố lớn đang trong tình trạng khẩn cấp.

Số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây khi Tokyo đẩy mạnh xét nghiệm công nhân tại các tụ điểm giải trí ở Shinjuki và Ikebukuro.

Trên toàn quốc, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm và 980 ca tử vong.

Việt Nam 84 ngày không ca nhiễm trong cộng đồng

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chiều 8-7 cho biết trong 24 giờ qua không có ca mắc COVID-19 mới. Đến nay, đã 84 ngày Việt Nam không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đến thời điểm này, 347/369 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 ghi nhận ở Việt Nam đã được công bố khỏi bệnh, chiếm 94% tổng số ca bệnh. Không có trường hợp nào tử vong do COVID-19.

Hiện còn 22 trường hợp đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, đa số có sức khỏe ổn định, trong đó 7 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính 1-2 lần với virus SARS-CoV-2.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 159 về số ca nhiễm trên bảng cập nhật của Worldometers.

Toàn cầu: 12 triệu ca nhiễm, 7 triệu ca hồi phục

Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 6h sáng 9-7, tổng số ca bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 12.137.975. Trong đó, tổng số ca tử vong là 550.878, trong khi tổng số ca hồi phục đã lên tới 7.016.791.

Mỹ – quốc gia có số ca nhiễm cao nhất thế giới (hơn 3,1 triệu) – đứng đầu thế giới về số ca hồi phục, với 1,38 triệu ca. Kế đến là Brazil (tổng cộng hơn 1,7 triệu ca nhiễm) với hơn 1,1 triệu ca hồi phục.

Có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ mà toàn bộ ca nhiễm đã hồi phục như: St. Vincent & Grenadines, Đông Timor, Grenada, New Caledonia, Lào, Dominica, Quần đảo Falkland, Greenland, Thành Vatican. Hầu hết những nơi này có số ca nhiễm thấp, dưới 100 ca nhiễm.

Mexico lại lập kỷ lục mới về số ca nhiễm virus corona mới trong một ngày, với 6.995 ca nhiễm mới và 782 ca tử vong mới tính đến hết ngày 8-7. Nước này đã vượt Tây Ban Nha, hiện đứng thứ 8 thế giới về số ca nhiễm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Mexico Hugo Lopez-Gatell cho biết đại dịch đang chậm lại.

COVID-19 ngày 9-7: Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày - Ảnh 2.

Một người điều khiến mô tô phía trước một bức tranh trên tường vẽ người mặc đồ bảo hộ phun thuốc khử trùng tại khu phố Tijuca ở Rio de Janeiro, Brazil ngày 8-7 – Ảnh: AFP

Một vùng của Tây Ban Nha bắt đeo khẩu trang mọi lúc nơi công cộng

Ngày 8-7, vùng Catalonia của Tây Ban Nha đã ra lệnh tất cả người dân và du khách tại đây phải đeo khẩu trang mọi lúc nơi công cộng. Nơi đây đã trở thành khu vực đầu tiên ở xứ sở bò tót thực hiện một cách cứng rắn hơn cả chỉ đạo quốc gia, theo đó chỉ yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi gần người khác.

Lệnh này có hiệu lực từ hôm nay (9-7), được lãnh đạo vùng là ông Quim Torra công bố khoảng 4 ngày sau khi hơn 200.000 người trong khu vực Segria ở Catalonia bị đặt vào tình trạng phong tỏa.

“Đeo khẩu trang sẽ là điều bắt buộc ở khắp nơi trên Catalonia, chứ không chỉ ở khu vực Segria. Tôi nghĩ đây là một biện pháp quan trọng” – ông Torra nói.

COVID-19 ngày 9-7: Indonesia ghi nhận kỷ lục ca nhiễm trong ngày - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thủ tướng Trudeau nói Canada chống dịch tốt hơn Mỹ

Theo Hãng tin Reuters, trong một bình luận hiếm hoi liên quan công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng Canada xử lý đại dịch này tốt hơn nhiều đồng minh, trong đó có Mỹ. Ông nói rằng thành công này sẽ giúp Canada có thể khởi động lại nền kinh tế.

“Chúng tôi có thể kiểm soát con virus này tốt hơn nhiều đồng minh của chúng tôi, đặc biệt bao gồm nước láng giềng của chúng tôi” – Ông Trudeau phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 8-7.

Canada – với dân số bằng 1/10 của Mỹ – đến nay ghi nhận tổng cộng 106.415 ca nhiễm và 8.734 ca tử vong. Ông Trudeau nói rằng tình hình đang ổn định dù vẫn vẫn còn một số điểm nóng. Trái lại, Mỹ đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 134.735 ca tử vong do COVID-19.

Tổng thống Brazil nói vẫn khỏe sau khi mắc COVID-19

Ngày 8-7, Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil cho biết ông vẫn đang “rất khỏe” sau khi dùng thuốc sốt rét hydroxychloroquine để trị COVID-19. Ông cũng nhắm chỉ trích vào những người bày tỏ hoài nghi về loại thuốc này, theo trang tin The Hill.

Ông Bolsonaro thông báo dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 hôm 7-7, gia nhập một danh sách nhỏ các nhà lãnh đạo thế giới bị nhiễm bệnh. Trước đây ông gọi COVID-19 chỉ là “cúm nhỏ nhặt”.

Theo Đài BBC, nhiều bộ trưởng trong chính quyền gần đây có tiếp xúc với ông Bolsonaro cũng đang được xét nghiệm COVID-19. Chẳng hạn Ngoại trưởng Ernesto Araújo của Brazil tuần trước dự một sự kiện chung với ông Bolsonaro. Ông thông báo đã được xét nghiệm và kết quả là âm tính. Trong khi đó, các nhà báo tham gia phỏng vấn ông Bolsonarro đã được cách ly.

Hãng hàng không Mỹ có thể sa thải 36.000 nhân viên vì COVID-19

Theo Hãng tin AFP, United Airlines – một hãng hàng không lớn của Mỹ – ngày 8-7 cho biết có thể họ sẽ sa thải lên tới 36.000 nhân viên vào ngày 1-10 tới khi hãng bay này đang tìm cách tồn tại giữa cuộc khủng hoảng do COVID-19.

United Airlines nhấn mạnh họ phải cắt giảm các chi phí do sự sụt giảm nghiêm trọng trong nhu cầu đi lại bằng máy bay.  Hãng bay này cho biết họ không nghĩ việc đi lại bằng máy bay sẽ bình thường trở lại nếu chưa có thuốc trị hoặc vắc-xin hiệu quả.

Philippines mở lại nền kinh tế: “Chúng tôi nghèo, không thể đặt cược”

Ngày 8-7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gọi người đồng cấp Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro là “can đảm” vì đã mở cửa lại nền kinh tế thậm chí khi hai nước này có số ca nhiễm cao nhất nhì thế giới, theo báo The Philippine Star.

Tổng thống Duterte nói rằng ông không thể tranh đua “thái độ bất chấp tất cả” với COVID-19 của ông Trump và ông Bolsonaro, trong bối cảnh ông công bố dần mở lại nền kinh tế Philippines. Ông tuyên bố rằng ông sẽ “phải rất thận trọng trong việc mở lại nền kinh tế”, căn cứ vào tình hình số ca nhiễm tăng gần đây.

“Thật sự chúng tôi không đủ sức để đối phó toàn bộ bệnh dịch. Chúng tôi nghèo và chúng tôi không thể đặt cược may rủi. Chúng tôi vẫn còn đang vật lộn với làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên” – ông Duterte phát biểu.

Nam Phi cảnh báo người dân chuẩn bị cho giai đoạn tồi tệ nhất

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 8-7 đã cảnh báo người dân Nam Phi chuẩn bị cho giai đoạn tồi tệ nhất khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh ở nước này.

Ông nói người dân Nam Phi phải đối diện với một thực tế, theo đó “chúng ta biết rằng một số người trong chúng ta thậm chí không thể đi chôn cất những người mà chúng ta yêu thương bởi vì các biện pháp hạn chế hoặc vì chính chúng ta đã bị nhiễm bệnh”.

Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi, Bộ trưởng Zweli Mkhize nói rằng Nam Phi đang tiến vào giai đoạn đỉnh dịch và “cơn bão mà chúng tôi đã liên tục cảnh báo giờ đây đang đến”.

BẢO ANH – HỒNG VÂN – M.KHÔI
TTO