24/11/2024

‘Rộ’ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

‘Rộ’ hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt

Hàng loạt sản phẩm nhập khẩu được gia công đơn giản để lấy nhãn xuất xứ Việt Nam rồi xuất ngược đi các nước nhằm hưởng thuế ưu đãi.
Các linh kiện xe đạp do Công ty Excel (Trung Quốc) nhập khẩu về Việt Nam lắp ráp và gắn “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ /// ẢNH: NG.NGA
Các linh kiện xe đạp do Công ty Excel (Trung Quốc) nhập khẩu về Việt Nam lắp ráp và gắn “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ  ẢNH: NG.NGA
Hệ lụy là nhiều nơi đã phát hiện và áp thuế cao với cả ngành hàng sản xuất của Việt Nam.

Chỉ sơn, chà nhám… để lấy “Made in Vietnam”

Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhập 5 tỉ USD nhôm từ Trung Quốc để sản xuất tại Việt Nam rồi xuất sang Mỹ và bị phía hải quan Mỹ cho rằng gian lận chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam nhằm lách thuế. Liên quan vụ việc, Tổng cục Hải quan giải thích qua điều tra xác định, không đủ căn cứ kết luận doanh nghiệp (DN) vi phạm gian lận xuất xứ Việt Nam do thành phẩm của công đoạn sản xuất này là nguyên liệu của công đoạn sản xuất khác, trong quá trình chuyển đổi, họ đáp ứng được chuyển đổi mã số. Nhưng chuyện này cũng cho thấy các hình thức gian lận xuất xứ đang diễn ra theo chiều hướng tinh vi mà phía cơ quan quản lý cũng khó xác định.
Tổng cục Hải quan cho biết 100% DN dính nghi án tráo xuất xứ, bị kiểm tra sau thông quan đều có vi phạm. Hành vi chung của các DN này là nhập hàng từ Trung Quốc, có nhà xưởng tại Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện vài thao tác “lắp ráp đơn giản”.
Thậm chí các DN dù chưa hoàn thành giai đoạn đầu tư lắp ráp dây chuyền máy móc nhưng đã có sản phẩm xuất khẩu (DN nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác – PV)… với mục đích lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước. Các mặt hàng vi phạm tráo xuất xứ đã bị các đơn vị hải quan điểm mặt trong thời gian qua phổ biến ở 3 nhóm hàng: xe đạp, xe đạp điện; pin năng lượng mặt trời và mặt hàng gỗ, nội thất từ gỗ.
Chẳng hạn, tháng 10.2019, Công ty TNHH xe đạp Excel (Bình Dương) làm thủ tục xuất lô hàng xe đạp, xe đạp điện và lướt điện gắn “made in Vietnam” xuất đi Mỹ. Qua kiểm tra, hải quan phát hiện toàn bộ lô hàng của Công ty Excel (có 100% vốn đầu tư từ Trung Quốc) nhập khẩu 100% linh kiện từ Trung Quốc, về Việt Nam chỉ lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đặc biệt, các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam, chỉ gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in label mà không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào khác.
Tương tự, đối với mặt hàng pin năng lượng mặt trời, cơ quan hải quan đã kiểm tra sau thông quan đối với 5 DN đều vi phạm xuất xứ. Hình thức là mua nguyên liệu các tấm tế bào quang điện từ các nhà cung cấp trong nước, hoặc nhập trực tiếp từ nước ngoài, về sản xuất thành tấm module năng lượng mặt trời rồi xuất khẩu….

Siết chặt kiểm tra

Ông Nghiêm Thanh Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho rằng nhiều quy định của Việt Nam có liên quan xuất xứ hàng hóa còn thiếu và chồng chéo. Chẳng hạn như quy định gia công đáng kể và không đáng kể chưa rõ ràng.
Do vậy, các cơ quan cần rà soát và chỉnh sửa, bổ sung về các tiêu chí xuất xứ hàng hóa cụ thể hơn, không thể để mỗi cơ quan, DN lại hiểu một kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, đáng chú ý nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất cần phải được thẩm tra từ khâu cấp phép đến tình hình hoạt động.
Hay mã HS (mã số của hàng hóa xuất nhập khẩu theo hệ thống phân loại hàng hóa – PV) của Việt Nam hiện mới chỉ dừng ở 8 con số nên không bao phủ hết được tất cả sản phẩm trên thị trường nên cũng cần nghiên cứu thay đổi như tăng lên 10 con số như nhiều nước đã áp dụng. Quan trọng nhất là phải có cơ chế giám sát chặt chẽ để hạn chế nguy cơ nhiều ngành hàng của Việt Nam bị áp thuế vạ lây, mất thị trường xuất khẩu.
Theo chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An – Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, đa số DN muốn gắn xuất xứ hàng Việt Nam đều có ý đồ từ đầu. Như vậy Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Bộ Công thương phải có trách nhiệm rà soát các DN xin C/O, đặc biệt là các đơn vị mới thành lập, để đảm bảo DN đủ điều kiện để xin C/O.
Cơ quan hải quan cũng phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ trong việc rà soát hàng hóa xuất khẩu để đảm bảo C/O được cấp là phù hợp. Khi đã nghi ngờ, cơ quan hải quan cho dừng thông quan để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất… nên rất dễ để biết hàng đủ hay không đủ điều kiện gắn xuất xứ Việt, không cần thiết đi “cãi” nhau với DN làm gì.
Còn luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật R&T LCT, nhận định để hạn chế việc gian lận về xuất xứ hàng hóa, việc thống nhất ban hành các tiêu chí quy định về ghi nhãn “made in Vietnam” đối với hàng hóa tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu là điều cần thiết phải làm để hạn chế tình trạng này.
Năm 2009, sản phẩm bao bì làm bằng nhựa PE từ Việt Nam xuất vào Mỹ có mức tăng trưởng về sản lượng và kim ngạch từ 8 – 12%/năm lên trên 30% trong hai năm liên tiếp. Đây là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam kiện thuế chồng thuế tại thị trường Mỹ (thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp).
Việc tăng trưởng mạnh về sản lượng và kim ngạch này đến từ hai DN FDI 100% vốn Trung Quốc đầu tư nhà máy tại Việt Nam với dây chuyền đơn giản – thực chất là vài công đoạn cuối (cắt/chia cuộn/vô bao) nhằm lấy xuất xứ Việt Nam và hưởng thuế suất ưu đãi, sau khi mặt hàng này tại Trung Quốc bị phía Mỹ áp thuế chống phá giá.
Sau khi sản phẩm này của Việt Nam bị Mỹ áp thuế cao, các DN này cũng biến mất khỏi Việt Nam. Hậu quả là ngành hàng bao bì nhựa PE của Việt Nam mất luôn thị trường Mỹ do chịu mức thuế suất chống bán phá giá lên tới 50% đến tận ngày nay.
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO