19/11/2024

Kỹ năng làm bài thi lớp 10 đạt kết quả cao

Kỹ năng làm bài thi lớp 10 đạt kết quả cao

Để vào học lớp 10 đúng nguyện vọng, mỗi thí sinh cần chuẩn bị những kỹ năng làm bài giúp đạt điểm xét tuyển cao nhất.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) chuẩn bị ôn tập môn toán cho kỳ tuyển sinh lớp 10 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 9 Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM) chuẩn bị ôn tập môn toán cho kỳ tuyển sinh lớp 10 ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

“Kỹ năng đọc hiểu” môn toán

Từ cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10, thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM, đưa ra những lưu ý cho thí sinh (TS) trong quá trình làm bài thi.
Theo thầy Trí, hai câu đầu tiên là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình nên khi làm, TS phải cẩn thận nhìn đúng dấu, biến đổi từng bước, tính toán thật chính xác để lấy trọn điểm phần này.
5 câu tiếp theo là các bài toán thực tế, câu hỏi thường dài, có nhiều thông tin khác nhau. Do đó, nhiều TS không có kỹ năng đọc – hiểu thường có cảm giác “choáng, rối mù” sau khi đọc đề. Đã từng xảy ra trường hợp đọc đề và cho rằng bài toán quá khó rồi bỏ luôn, không làm. Nhưng thật ra, bài toán thực tế không khó về thuật toán nhưng đòi hỏi TS phải hiểu đề bài, biết phân tích đề và chọn lọc những chi tiết, thông tin cần thiết, hợp lý để sử dụng giải bài.
Còn những câu hỏi hình học, thường làm khó TS do đòi hỏi tư duy cao. Vì vậy, muốn giải quyết được trọn vẹn bài toán hình học, TS phải thuộc các định lý, tính chất, biết cách chứng minh và thuần thục kỹ năng vẽ hình.
Kỹ năng làm bài thi lớp 10 đạt kết quả cao

Cùng nhau ôn tập là cách giúp học sinh củng cố kiến thức hiệu quả    ĐÀO NGỌC THẠCH

Ngoài ra, thầy Đặng Hữu Trí còn “mách nước”, nếu trong đề thi cho sẵn số Pi thì dùng con số này để giải bài, nếu trong đề không đề cập thì mặc định là số nhớ của máy tính. Khi giải các bài toán thực tế, cần phải đưa về phương trình dạng chuẩn mới được phép sử dụng máy tính để tìm ra nghiệm. Bài làm của TS không thực hiện bước này mà cho ra luôn nghiệm sẽ không được chấp nhận. TS cũng cần lưu ý đổi chính xác đơn vị để tránh sai kết quả đáng tiếc.
Thêm vào đó, khi vẽ hình, trừ hình tròn có thể sử dụng bút chì, các hình còn lại TS phải vẽ bằng bút mực. Nếu vẽ bằng bút chì trong trường hợp này sẽ bị coi là phạm quy. Khi vẽ đồ thị hàm số thì phải chỉ rõ trục tung, trục hoành.

Viết đúng, viết đủ môn ngữ văn

Thầy Võ Kim Bảo, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cũng đưa ra những lưu ý giúp TS đạt kết quả tốt nhất khi làm bài thi tuyển sinh môn ngữ văn.

Những lưu ý khi ôn tập tuyển sinh lớp 10 môn văn

Nắm vững yêu cầu của đề thi các năm trước
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn văn năm nay cơ bản giống đề thi của những năm gần đây về cấu trúc, thang điểm và thời gian làm bài. Theo đó, đề thi gồm 3 câu: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và văn học. Ở câu nghị luận văn học, HS được lựa chọn 1 trong 2 đề, đề có sự tích hợp giữa các tác phẩm văn học; hoặc tích hợp giữa văn học và xã hội… Do vậy, việc nắm vững yêu cầu của đề thi các năm trước là vô cùng cần thiết.
Các kỹ năng khi ôn tập
Trong quá trình ôn tập, HS cần rèn luyện các kỹ năng sau: Đọc và phân tích đề thi, từ đó có “chiến thuật” làm bài và phân bổ thời gian hợp lý; Trả lời ngắn gọn, thuyết phục, hướng vào các từ khóa chính của đáp án chấm, với các bí quyết (mẹo) làm bài để làm tốt câu đọc hiểu.
Để làm tốt câu nghị luận xã hội, HS cần rèn tư duy xã hội, hình thành thói quen quan sát và phân tích, tập bày tỏ quan điểm, chính kiến và tư duy phản biện. Kèm với đó là việc ghi nhớ một số dẫn chứng xã hội tiêu biểu theo chùm đề tài mà đề thi có thể cho.
Với câu nghị luận văn học, HS cần rèn kỹ năng tóm tắt văn bản để nhớ tác phẩm; kỹ năng so sánh liên hệ các tác phẩm trong và ngoài chương trình lớp 9; kỹ năng diễn đạt và thủ thuật đưa dẫn chứng vào bài làm…
Trần Ngọc Tuấn

Theo thầy Kim Bảo, phần 1 – Đọc hiểu thường có 4 câu hỏi nhỏ, TS tránh làm rời rạc từng câu vì điều này gây khó khăn cho giám khảo khi chấm bài và có thể chấm sót. Bài làm cần trình bày thành một câu hoàn chỉnh, có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Tránh làm vắn tắt, chỉ đơn thuần viết đáp án, tránh sử dụng các ký hiệu… TS cần đọc câu hỏi trước, đọc ngữ liệu sau để tiết kiệm thời gian và dùng bút gạch chân ghi chú những chi tiết phục vụ cho việc trả lời câu hỏi.

Cũng theo thầy Bảo, với phần nghị luận xã hội, đề thường yêu cầu tạo lập văn bản trình bày quan điểm về một vấn đề quan trọng có ý nghĩa đối với bản thân học sinh và xã hội. Để đạt kết quả cao trong phần này, trước hết TS cần đảm bảo viết đúng yêu cầu của một văn bản nghị luận xã hội với đầy đủ mở bài, thân bài, kết bài. Sai lầm TS hay mắc phải là lạc đề, không hiểu đúng yêu cầu của đề bài.
“Cần đọc kỹ đề, xác định trọng tâm của đề và có hướng triển khai các luận điểm. Bên cạnh đó cũng phải chú ý cách lập luận, tránh viết rời rạc, vụn vặt, khô cứng. Sử dụng hợp lý những thao tác lập luận cơ bản như giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh… Triển khai các luận điểm một cách sắc sảo, đưa ra và phân tích các luận chứng tiêu biểu để chứng minh cho vấn đề. Cuối cùng, để bài nghị luận xã hội sâu sắc, TS cần phải có liên hệ, rút ra bài học nhận thức và bài học hành động cho bản thân với quan điểm mang tính cá nhân cao”, thầy Bảo hướng dẫn.
Phần nghị luận văn học yêu cầu TS trình bày quan điểm về một vấn đề thuộc lĩnh vực văn học. Do đó, cần đảm bảo các yêu cầu về kết cấu bài văn. Đồng thời nêu rõ đặc trưng riêng về kiến thức, kỹ năng. Về kiến thức, TS cần nắm vững kiến thức trọng tâm của các tác phẩm. Về kỹ năng, ngoài nắm vững các kỹ năng cơ bản của việc tạo lập văn bản, TS phải nêu được tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nội dung, nghệ thuật… Chú ý cân đối giữa các phần, xác định vấn đề trọng yếu của bài để đạt kết quả cao.

Môn tiếng Anh: Làm theo thứ tự mức độ câu hỏi

Cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, cho rằng yếu tố tâm lý quyết định sự thành công khi làm bài thi. Do vậy, khi bước vào phòng thi, TS luôn nghĩ bài này mình làm được và sẽ làm được.
Trong quá trình dạy và chấm bài thi, cô Xuân Oanh chỉ ra những lỗi TS hay mắc. Theo cô Oanh, những lỗi sai cơ bản phần nhiều xuất phát từ việc thiếu cẩn thận, vội vã, chủ quan trong quá trình giải quyết đề thi, dẫn đến mất điểm đáng tiếc. Chẳng hạn phần đọc hiểu, các em hay viết tắt T hoặc F thay vì phải viết đúng là TRUE hoặc FALSE. Thêm vào đó, đọc không kỹ đề dẫn tới việc không hoàn thành đúng yêu cầu của đề thi, không biết phân bổ thời gian dẫn tới ảnh hưởng tâm lý khi không đủ thời gian làm bài.
Vì vậy, đối với môn tiếng Anh, TS nên đọc đề từ trên xuống dưới, giải quyết câu dễ trước, câu khó sau, ghi ra giấy nháp những câu nào chưa làm để quay lại hoàn thành sau.
Đối với những TS còn hạn chế về kỹ năng đọc thì nên làm phần bài đọc cuối cùng vì nếu không hiểu nội dung sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến các câu hỏi khác. Khi làm, nên gạch chân từ mới, từ then chốt trong câu hỏi và đáp án, sau đó mới tập trung suy nghĩ, đoán các đáp án sai (về ngữ pháp, ý nghĩa hoặc cấu trúc) để tìm ra đáp án đúng nhất.
Để tạo thiện cảm với giám khảo, TS cần trình bày bài làm sạch sẽ, gọn gàng, chú ý các lỗi chính tả, chữ viết dễ nhìn, không dùng bút xóa, dạ quang… Cần phân bổ thời gian để sao cho có 5 phút kiểm tra lại toàn bộ phiếu trả lời và đảm bảo đầy đủ các thông tin cá nhân.
BÍCH THANH
TNO