20/11/2024

Đại dịch Covid-19 tăng tốc khó lường

Đại dịch Covid-19 tăng tốc khó lường

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 tiếp tục tăng tốc, trong khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kêu gọi tạm ngừng các xung đột để phòng chống dịch.
Bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Brazil /// Ảnh: AFP
Bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện dã chiến ở Brazil ẢNH: AFP
AFP ngày 2.7 dẫn lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho hay thế giới trong tuần qua ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 mới luôn vượt mức 160.000/ngày, cho thấy đại dịch đang tiếp tục tăng tốc. Đáng lưu ý, số ca mắc trong tháng 6 chiếm đến 60% tổng số ca được ghi nhận từ khi dịch bùng phát đến nay.

Tổng thống Trump thừa nhận
đeo khẩu trang là tốt

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết ông không ngại đeo khẩu trang, sau khi thường xuyên không đeo ở nơi công cộng. “Tôi sẵn sàng đeo khẩu trang. Tôi nghĩ khẩu trang là tốt”, ông trả lời trong cuộc phỏng vấn với Đài Fox News. Tổng thống Mỹ cho biết ông thường không đeo khẩu trang trong những lần xuất hiện trước công chúng vì ông giữ khoảng cách đủ xa với người khác. Chủ nhân Nhà Trắng cho biết thêm mọi người đã được xét nghiệm Covid-19 trước khi gặp ông tại Nhà Trắng.

Tình hình dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó Mỹ vừa ghi nhận kỷ lục kinh hoàng với 52.000 ca nhiễm mới trong ngày 1.7. Hàng loạt tiểu bang từ California đến Florida đóng cửa các nhà hàng, quán bar và bãi biển, ngay trước kỷ niệm ngày Quốc khánh Mỹ (4.7).

Trong khi đó, Brazil đã vượt mốc 60.000 ca tử vong, còn Ấn Độ đang chật vật với hệ thống y tế khi đã có hơn 600.000 trường hợp nhiễm. Nhật Bản hôm qua lo ngại tình hình tệ lại khi ghi nhận 107 ca nhiễm mới ở Tokyo, con số cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Cũng tại châu Á, Indonesia lại chứng kiến kỷ lục buồn về số ca nhiễm Covid-19.
Cùng ngày, giám đốc khu vực Trung Đông và Địa Trung Hải của WHO Ahmed al-Mandhari cảnh báo khu vực này đang ở “ngưỡng then chốt” trong việc đối phó Covid-19, với số ca nhiễm tăng do nhiều nước nới lỏng các quy định phòng chống dịch và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém tại các nước có xung đột. Tại 22 quốc gia thuộc khu vực này, số ca nhiễm vừa vượt “cột mốc đáng lo ngại” là 1 triệu.
Trước tình hình trên, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên ra nghị quyết về Covid-19, với nội dung kêu gọi các bên tạm dừng mọi xung đột vũ trang trong ít nhất 90 ngày liên tiếp, nhằm đảm bảo viện trợ nhân đạo diễn ra an toàn và không bị cản trở.
Liên quan vắc xin, tờ The Guardian đưa tin lực lượng chuyên trách phòng chống Covid-19 ở Anh vừa báo cáo quốc hội rằng Đại học Oxford được cho là đang dẫn đầu trong việc bào chế và thử nghiệm. Theo đó, vắc xin có thể được cung cấp vào đầu năm tới dù ban đầu có thể chỉ giúp giảm các triệu chứng khi mắc bệnh chứ không giúp miễn nhiễm.
KHÁNH AN
TNO