Lo ngại luật an ninh Hong Kong ảnh hưởng người dân khắp thế giới
Lo ngại luật an ninh Hong Kong ảnh hưởng người dân khắp thế giới
Một nghị sĩ đối lập ở Hong Kong nói rằng luật an ninh Hong Kong có thể ảnh hưởng tới “người dân khắp thế giới, những người đến Hong Kong để làm ăn, quá cảnh, du lịch và bất kỳ ai”.
Sau khoảng 6 tuần kể từ lần đầu được đề xuất, luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong gồm 66 điều đã được Bắc Kinh thông qua hôm 30-6 và có hiệu lực lúc 23h đêm cùng ngày.
Luật mới hình sự hóa 4 tội danh gồm: lật đổ, ly khai, khủng bố và thông đồng với các lực lượng bên ngoài để phá hoại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng những mô tả về 4 tội danh này được viết khá chung chung, nên có thể tùy thuộc vào cách diễn giải của chính quyền.
Có một nỗi lo là phạm vi ảnh hưởng của luật này rộng hơn so với những gì Bắc Kinh tuyên bố. Hãng tin AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng luật mới có thể được áp dụng vượt ra ngoài biên giới Hong Kong.
James To, một nghị sĩ đối lập ở Hong Kong, đánh giá luật mới có thể ảnh hưởng tới “người dân khắp thế giới, những người đến Hong Kong để làm ăn, quá cảnh, du lịch và bất kỳ ai”.
Trong khi đó, Donald Clarke, một chuyên gia về luật Trung Quốc tại Đại học George Washington, Mỹ, phân tích rằng mối lo chính là điều 38 của luật mới, trong đó nói rằng các hành vi vi phạm an ninh quốc gia diễn ra ở nước ngoài, thậm chí do người nước ngoài thực hiện, đều có thể bị truy tố.
“Nếu bạn từng nói bất kỳ thứ gì mà có thể xúc phạm chính quyền Bắc Kinh hay Hong Kong thì hãy rời khỏi Hong Kong”, Donald Clarke nói.
Ông bình luận: “Tôi không thấy có lý do gì để không nghĩ rằng luật mới đang khẳng định quyền xét xử với mọi người trên hành tinh”.
Hôm 1-7, ông Trần Minh Thông (Chen Ming-tong), người đứng đầu Hội đồng các vụ đại lục của Đài Loan, cũng đánh giá luật an ninh quốc gia sẽ không chỉ áp dụng với người Hong Kong, mà còn người Đài Loan và “tất cả người dân trên thế giới”, theo trang Taiwan News.
Ông Trần cũng trích dẫn điều 38 và một số điều luật khác để giải thích cho nhận định trên. Ông lấy ví dụ nếu một nhà báo Mỹ ở Mỹ xuất bản một bài báo chỉ trích Trung Quốc và sau đó bài báo này bị gắn mác là kích động lòng căm thù cho người Hong Kong đối với Bắc Kinh thì nhà báo này có thể bị xử theo luật trên.
Quan chức Đài Loan này nói rằng không chỉ người Hong Kong và người Đài Loan chú ý sát luật mới, mà “tất cả người dân trên thế giới phải đối diện với luật này một cách nghiêm túc”.
Trước đó, cả chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong đều liên tục nói rằng luật mới chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ “những kẻ gây rối” và sẽ không ảnh hưởng đến các quyền và sự tự do của người Hong Kong cũng như lợi ích của các nhà đầu tư.