Những ngày đầu gian nan với ‘ma men’
Những ngày đầu gian nan với ‘ma men’
Chuyện dân nhậu cù nhầy, xin xỏ, tìm cách đối phó với cảnh sát giao thông (CSGT) hoặc viện đủ lý do tránh đo nồng cộ cồn để không bị xử phạt là chuyện không còn mới trong đợt đầu áp dụng nghị định 100.
Dân nhậu viện đủ lý do để không hợp tác
Theo lãnh đạo một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM, công tác xử lý người vi phạm giao thông, trong đó có lỗi vi phạm nồng độ cồn, các chiến sĩ CSGT trực tiếp xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Người vi phạm nồng độ cồn không hợp tác, làm nhiều cách không đo nồng độ cồn. Thậm chí, có trường hợp “ma men” phản ứng gay gắt, chửi bới, lăng mạ CSGT.
Một trong các lý do được đưa ra là người dân chưa kịp tiếp cận được nhiều thông tin với nghị định 100 nên còn bỡ ngỡ và phản ứng khi nghe mức xử phạt mới đối với các lỗi vi phạm.
“Đội đã quán triệt khi gặp phải phản ứng của người dân, anh em trong đội đều giữ bình tĩnh, nhất là với những người say xỉn, đồng thời giải thích cho họ hiểu đây là quy định của Nhà nước, lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ theo quy định” – vị lãnh đạo này nói.
Lý do khác mà các lái xe đưa ra để không chấp hành đo nồng độ cồn: máy đo nồng độ cồn kém chất lượng, máy đo chưa kiểm định, không có tem kiểm định, ống thổi mất vệ sinh… Thực tế, để công tác kiểm tra được nhanh chóng, CSGT sẽ tự thay ống mới để làm việc tiếp với các trường hợp sau đó nên nhiều người không thấy, hoài nghi ống thổi mất vệ sinh.
“Để thuyết phục người được kiểm tra, người tiếp theo sẽ được thay bằng ống thổi mới và người này được tự tháo vỏ đựng ống để đảm bảo đó là ống thổi mới” – vị này nói.
Phải phối hợp nhiều bên để xử lý
Trong đợt đầu áp dụng nghị định 100, phóng viên báo Tuổi Trẻ nhiều lần tác nghiệp cùng các tổ công tác chuyên đề nồng độ cồn, ghi nhận nhiều trường hợp khi CSGT kiên quyết xử lý, nhưng sau khi thổi đo độ cồn, “ma men” tiếp tục không chấp hành.
Điển hình như trường hợp của K.B.L. (31 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) gây náo loạn khu vực ngã tư Hàng Xanh đêm 3-1. Phải mất 5 phút sau khi L. cố thủ trên yên xe, tổ công tác mới thuyết phục được anh này đo nồng độ cồn với mức 0,97mg/lít khí thở. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe của L..
Khi nghe CSGT công bố số tiền phải đóng phạt và thời hạn giữ giấy phép lái xe đối với lỗi vi phạm của mình, L. đã phản ứng dữ dội, không ký vào biên bản vi phạm và tự ý bỏ đi. Tổ công tác đã mời công an phường đến hỗ trợ niêm phong xe của L. đưa về trụ sở.
Một trường hợp khác, vào đêm 6-1, một tổ công tác sử dụng phương pháp đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế, phát hiện ông P.T.T. (49 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, quốc tịch Pháp) lái ôtô. CSGT mời ông T. xuống xe thổi vào máy đo nồng độ cồn và xác định ông T. vi phạm ở mức 0,12mg/lít khí thở. CSGT lập biên bản vi phạm đối với ông T. và giải thích.
Tuy nhiên người phụ nữ đi cùng xe với ông T. liên tục lớn tiếng. Tổ công tác đã mời người này ra khu vực khác để lập biên bản nhưng bà ta nhất quyết không đi. Người phụ nữ liên tục nói CSGT đã làm sai và không chấp nhận giải thích của CSGT với lý do “mới uống nửa lon bia”… .
Không những thế, trường hợp “ma men” dùng “chiêu” cù nhầy không hợp tác để không phải đo nồng độ cồn là chuyện thường gặp, có trường hợp người say xỉn ngủ luôn tại chỗ nên CSGT phải nhờ đến sự phối hợp của lực lượng chức năng địa phương để xử lý.
Nhiều trường hợp “ông lớn” say xỉn phản ứng với CSGT vì “xin xỏ” không thành đã buông lời chửi bới, lăng mạ nên CSGT cũng phải phối hợp với công an phường vừa xử lý vi phạm giao thông và xử lý hành vi nhục mạ người thi hành công vụ.
Đã hết lý do… bỡ ngỡ
Theo một lãnh đạo đội CSGT ở TP.HCM, sau một thời gian áp dụng nghị định này người dân dần trở nên quen với nghị định 100, tuân thủ và chấp hành lỗi vi phạm. “Ma men” cũng phần nào hiểu được lỗi vi phạm với mức phạt cao nên hạn chế di chuyển bằng xe cá nhân về khi say xỉn…
Hiện tại và trong thời gian tới, đội vẫn thường xuyên ra quân thực hiện xử phạt đối với các lỗi như vi phạm nồng độ cồn, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ… có tính răn đe để người dân chấp hành tốt, ý thức hơn khi tham gia giao thông.