23/12/2024

Đầu tư cải tiến công nghệ là giải pháp sống còn cho xuất khẩu

Đầu tư cải tiến công nghệ là giải pháp sống còn cho xuất khẩu

Sáng qua (30.6), Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA” do Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và UBND TP.HCM đồng tổ chức diễn ra tại TP.HCM.
Chỉ cần 30% xuất khẩu cà phê thô chuyển sang hòa tan, giá trị thu về chênh lệch sẽ rất lớn /// Ảnh: Ng.Nga
Chỉ cần 30% xuất khẩu cà phê thô chuyển sang hòa tan, giá trị thu về chênh lệch sẽ rất lớn  ẢNH: NG.NGA
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành nông nghiệp đang đối diện những khó khăn lớn chưa từng có trong lịch sử. Còn Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, nếu không tổ chức lại sản xuất, không đầu tư theo chuỗi, chế biến sâu, thì hàng VN khó “ghi bàn” tại các thị trường lớn.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm quan trọng để DN cải tiến, đầu tư chuyên sâu để “gặt hái” thành quả trong tương lai gần.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, cho biết chiến lược của công ty là đầu tư sản xuất và xuất khẩu cà phê hòa tan, có giá trị cao gấp 5 lần so với xuất cà phê thô. “Chủ trương của Hiệp hội Cà phê VN sẽ đẩy mạnh từ hơn 3 tỉ USD lên 6 tỉ USD trong tương lai. Muốn làm được điều đó, chỉ có xuất khẩu cà phê hòa tan mới tăng giá trị gia tăng tốt được. Chỉ cần 30% xuất khẩu cà phê thô chuyển sang hòa tan, giá trị thu về chênh lệch rất lớn. Quan trọng ứng phó với dịch này, tôi nghĩ phải thay đổi cách nhìn thị trường, tập trung làm hàng tinh chế để xuất khẩu, mang lại giá trị gia tăng cao gấp 5 – 10 lần. Điều này chúng ta nói từ lâu, nhưng dịch bệnh vừa qua là cơ hội để nhìn nhận chiến lược một cách thấu đáo và rộng hơn”, ông Nam nói.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng để giảm thiểu ảnh hưởng mà bài học đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trong giai đoạn vừa qua đã phơi ra, với nhiều ngành, cơ quan quản lý đang kết nối, cần tăng cường thúc đẩy các chuỗi liên kết nội địa. “Điển hình là ngành dệt may, da giày, đã có nhiều DN sợi, vải tìm đến với DN may. Khi các liên kết ngang lẫn dọc được chặt hơn thì nguy cơ thiếu nguyên liệu do quá phụ thuộc vào một bạn hàng cũng giảm xuống”, vị này khẳng định.
Trong lĩnh vực đầu tư cải tiến công nghệ, Cục Công nghiệp thông tin Chính phủ đang tập trung nghiên cứu và hỗ trợ các DN lĩnh vực chế biến thực phẩm, cụ thể hỗ trợ các công ty trong nghiên cứu và cải thiện chất lượng sản phẩm, hỗ trợ cho thuê thiết bị, nhà xưởng. Hoặc nhà nước đầu tư rồi cho DN vừa và nhỏ thuê lại… Công nghiệp chế biến thực phẩm của VN hiện đã đạt được những bước phát triển tích cực những năm gần đây. Cả nước đã hình thành hệ thống khoảng hơn 7.500 DN chế biến nông lâm thủy sản, trong đó có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt 5 – 7%. Tuy nhiên, theo Cục Công nghiệp, công nghệ chế biến thực phẩm phụ thuộc lớn vào máy móc nhập khẩu trong khi sản xuất giảm trong giai đoạn 2006 – 2016.
Sau đại dịch, nhiều xu hướng tiêu dùng, thói quen thay đổi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định việc tăng đầu tư, đổi mới công nghệ áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm để vào được các thị trường cao cấp là chiến lược “sống còn” của DN.
N.N – C.H
TNO