23/12/2024

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước

Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được vận hành từ năm 2004, qua hai lần nâng cấp tiêu tốn hơn 12 tỉ đồng, nhưng suốt 9 năm nay vẫn hoạt động thoi thóp khiến 3.400 hộ dân phải chạy mua nước khắp nơi.

 

 

 

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước - Ảnh 1.

Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được đầu tư 12 tỉ đồng nhưng nước không đến được nhà dân – Ảnh: THÁI THỊNH

Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh được đầu tư xây dựng năm 2004, nhằm cấp nước cho 3.400 hộ dân thuộc 16 thôn xã Mỹ Chánh và một số thôn của xã Mỹ Cát. Tuy nhiên, hoạt động của nhà máy này không được như kỳ vọng.

Bà Phạm Thị Liên (thôn Đông An, xã Mỹ Chánh) cho biết gia đình bà sống đối diện Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh đã 15 năm nay.

“Nhà máy vận hành nhưng chưa lúc nào cung cấp đủ nước, từ năm 2015 đến nay thì chảy “cà giật cà thọt”, mỗi ngày chỉ 1-2 tiếng. Nước chưa kịp tráng đường ống đã hết, mỗi ngày nhà tôi hứng chưa được một can nhựa 30 lít, có hai vợ chồng nên lấy thêm ít nước từ giếng đào, tằn tiện cũng sống được. Nhưng bà con xung quanh phải khổ sở chạy khắp nơi mua nước” – bà Liên nói.

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Dũng (thôn Đông An, xã Mỹ Chánh) cho biết giếng nhà ông cạn trơ, máy bơm được 10 phút là ngừng – Ảnh: THÁI THỊNH

Xã Mỹ Chánh có 6 thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, Thượng An, An Hoan, Công Trung, Trung Xuân nằm sát chân nước mặn ven đầm Đề Gi nên nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn, người dân không thể khoan giếng để lấy nước ngọt.

Chị Trương Thị Vân, người dân thôn An Xuyên 3, cho biết dù sống cách Nhà máy nước Mỹ Chánh chưa đầy 2km nhưng nước không đến nơi. Để có nước sinh hoạt, ngày nào chị cũng phải dùng xe máy đi mua nước của một số hộ ở xã lân cận về sử dụng.

“Năm nào cũng vậy, cứ đến thời điểm nắng nóng gay gắt, người dân phải đi mua nước về sử dụng rất vất vả. Mỗi ngày, chúng tôi thường đi 2 lần, lúc sáng sớm và chiều tối. Mua can lớn 1.500 đồng, can nhỏ thì trả 1.000 đồng” – chị Vân nói.

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước - Ảnh 3.

Anh Đồng Tấn Lát phải đi mua nước ở xã khác dù ở cách Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh 2km – Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Lê Văn Toản – phó chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh – cho biết tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại đây kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10 hằng năm, nhưng đỉnh điểm là từ tháng 6 đến tháng 9 do nguồn nước sông La Tinh bị cạn kiệt.

Nhà máy nước sạch của xã được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2004 với kinh phí 2 tỉ đồng giao hợp tác xã quản lý. Đến năm 2011, nhà máy xuống cấp trầm trọng và được tổ chức Đông Tây hội ngộ hỗ trợ 10 tỉ đầu tư, nâng cấp.

“Tuy nhiên, trớ trêu là nhà máy chính được nâng cấp nhưng hệ thống đường ống dẫn nước, giếng nguồn lấy nước… lại không được đầu tư nên quá trình sử dụng ngày càng xuống cấp. Đường ống thủng bể, thất thoát nước không phát hiện được, giếng thu không đủ hoạt động theo công suất thiết kế dẫn đến việc nước không đến được nhà dân” – ông Toản nói.

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước - Ảnh 4.

Mỗi bình nước người dân mua với giá 2.000 đồng/bình 30 lít – Ảnh: THÁI THỊNH

Ông Đào Văn Hùng – phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Bình Định – cho biết những năm qua do không bố trí được nguồn vốn, kinh phí nên chưa thể nâng cấp, sửa chữa Nhà máy nước Mỹ Chánh.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, hiện UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Mỹ Chánh (giai đoạn 2) do UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư, nhằm cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho 20.463 người (tính đến năm 2025) với kinh phí 38,3 tỉ đồng.

Theo đó, để chủ động nguồn nước, nhà máy sẽ lấy nước từ đập Cây Ké (xã Cát Tài) đưa về nhà máy xử lý. Nhưng theo UBND xã Mỹ Chánh, nếu đúng tiến độ, ít nhất phải 1 năm nữa người dân mới có nước sạch để dùng.

“Tùy tấm lòng của nẫu”

Sống cạnh nhà máy nước 12 tỉ, dân vẫn chạy… tìm nước - Ảnh 5.

Người dân bỏ tiền vào ống sau khi mua nước ở gia đình chị Phạm Thị Vơi (thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát) – Ảnh: THÁI THỊNH

Chị Phạm Thị Vơi (thôn An Mỹ, xã Mỹ Cát) cho biết do thiếu nước sạch 3 năm nay, 70 hộ dân ở thôn họp lại bỏ tiền ra mua một đường ống từ xã Cát Minh cách đó 3km với giá 17.000 đồng/m3 nước để sử dụng.

Thấy nhà mình có nước sạch mà nhiều bà con nghèo không có, đêm nào chị Vơi cũng thức tầm 1-2h sáng (thời điểm đó nước chảy mạnh) canh lấy nước lên bồn rồi lắp một hệ thống vòi từ bồn ra đường cái cho người dân các thôn, xã lân cận đến lấy về dùng.

“Trước tôi không lấy tiền, nhưng nước mua ngày càng đắt nên tôi bỏ 1 chai nhựa, khoét lỗ rồi dặn ai lấy nước thì bỏ vào 1.500 đồng/can, người khổ quá thì thôi. Mỗi ngày có cả trăm người dân đến lấy nước, xếp hàng từ 4 – 5 giờ sáng, tôi cũng không kiểm soát tiền, ai bỏ nhiêu bỏ, tùy tấm lòng của nẫu (người ta)” – chị Vơi bộc bạch.

THÁI THỊNH
TTO