Hãy lắng nghe tiếng nói con trẻ
Hãy lắng nghe tiếng nói con trẻ
Là giáo viên dạy môn giáo dục công dân (GDCD) hơn 10 năm, trước bối cảnh của xã hội với những điều tốt xấu đan xen vào nhau, mỗi bài giảng, mỗi đề thi, tôi đều gửi gắm niềm tin vào tương lai của học trò mình.
Câu chuyện thi học kỳ 2 lớp 9 vừa rồi một lần nữa giúp tôi củng cố niềm tin đó.
Đừng làm khổ con em mình
Hôm ấy, tôi được phân công là giám thị coi thi môn GDCD học kỳ 2 lớp 9. Đề thi có câu: “Trong những ngày qua, dư luận đang hướng về phiên tòa xét xử sơ thẩm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ tại Hòa Bình. Tại phiên tòa, bị cáo là cựu phó trưởng phòng khảo thí Diệp Thị Hồng Liên nói việc nâng điểm vì “ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
“Gù” ở đây được hiểu là xấu về nhân cách, “thẳng lưng” được hiểu là tốt về nhân cách. Quan điểm này hoàn toàn sai lệch, hậu quả của sự sai lệch đó là những người “gù” cùng đang đứng trước phiên tòa chờ nghe tuyên án…
Em hãy viết đoạn văn (7-10 dòng) phê phán những người “gù” và ca ngợi những người “thẳng lưng”. Từ đó, em liên hệ bản thân về cách rèn luyện để trở thành người “đứng thẳng” trong mọi hoàn cảnh”.
Bất chợt tôi nhìn thấy một em học sinh nam – em này trong lớp học rất tốt, ngoan – ngồi trầm ngâm khựng lại trước câu trên của đề thi, mắt đỏ ướt như muốn khóc. Sau khi thi xong tôi gặp riêng em và hỏi: “Sao lúc nãy làm bài đến câu cuối, thầy thấy em buồn quá vậy, có chuyện gì à?”.
Em nhỏ nhẹ: “Thưa thầy, đọc đề bài câu cuối, con buồn, con suy nghĩ rất nhiều, bởi vì lúc đó bất chợt con nghĩ đến những bạn mà có người thân của mình làm việc không tốt, vi phạm vậy đó, rồi tâm trạng các bạn sẽ như thế nào khi viết về chính người thân yêu của mình. Con thương những bạn đó thầy ơi…”. Em khe khẽ nói tiếp: “Lớn lên con sẽ cố gắng sống tốt, không để con cháu của mình phải khó xử như vậy đâu, thưa thầy”.
Tôi khá bất ngờ trước những lời bộc bạch đó, tôi rơm rớm nước mắt, xoa đầu em và khẽ nói: “Thầy tin ở em, cố lên em nhé”. Tôi ngoảnh bước đi mà lòng nặng trĩu, mong sao người lớn hãy luôn là những người tử tế, đừng làm khổ con em mình.
Đừng “chém gió”
Trước ngày thi, tôi có dặn các em khi thi môn GDCD đừng “chém gió”, đừng nghĩ đến điểm số mà hãy làm bài bằng trái tim. Những câu từ các em viết trên trang giấy là “hạt giống tâm hồn”, sẽ vươn thành “cây tốt” trong tương lai.
Trở lại với đề thi, khi chấm bài, tôi đọc được các “đáp án”:
– Tại sao chúng ta có thể “đứng thẳng” mà lại “gù” theo số đông và cái kết dành cho những người “gù” là phải đối mặt với pháp luật…
– Những người “gù” khi làm việc xấu họ không nghĩ luật nhân quả đang đợi họ phía trước, rồi gia đình họ cũng phải gánh chịu chung những hậu quả mà họ gây ra, nhân quả không phải là không đến mà là chưa đến…
– Ba mẹ thường khuyên chúng ta phải đứng thẳng, đi thẳng vì nếu dáng người gù thì sẽ rất xấu, nhưng thật ra xấu hơn cả dáng người gù chính là “gù” về nhân cách…
– Không phải người ta “gù” rồi mình nhất định “gù” theo. Cuộc sống của mình là do mình quyết định, đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy là bông hoa mọc lên giữa bùn, chớ vì xung quanh là bùn mà hoa héo úa. Sống tốt hay xấu là do mình chọn…
– Nếu được gặp cô Hồng Liên em sẽ dõng dạc dạ thưa và nói với cô rằng “Ai gù thì gù còn tôi thì vẫn luôn đứng thẳng”.
Hạt giống tâm hồn
Khi chấm bài thi của học trò, trong tôi dâng lên niềm hạnh phúc. Những chia sẻ của các em chính là “hạt giống tâm hồn”. “Hạt giống” đó đã tiếp cho giáo viên chúng tôi thêm động lực để yêu nghề, thêm niềm tin vào ngày mai tươi sáng của thế hệ trẻ. Mong sao người lớn hãy luôn là “tấm gương sáng” để đồng hành và nâng bước các con vào đời.