31/12/2024

Đổi mới thi cử: Tiếp tục đề xuất 2 phần thi trong một đề thi

Tại toạ đàm Đổi mới thi, thực tiễn và những vấn đề đặt ra do Báo Đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quốc hội, tổ chức hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra 2 mục tiêu rất khác nhau cho một kỳ thi mang tới nhiều hệ luỵ.

 

Đổi mới thi cử: Tiếp tục đề xuất 2 phần thi trong một đề thi

Tại toạ đàm Đổi mới thi, thực tiễn và những vấn đề đặt ra do Báo Đại biểu nhân dân, cơ quan ngôn luận của Quốc hội, tổ chức hôm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra 2 mục tiêu rất khác nhau cho một kỳ thi mang tới nhiều hệ luỵ.

 

 

 

Thay vì làm một đề thi nhằm 2 mục đích, nhiều ý kiến đề xuất từ năm sau kỳ thi THPT quốc gia, mỗi môn thi có 2 phần thi /// Đào Ngọc Thạch

Thay vì làm một đề thi nhằm 2 mục đích, nhiều ý kiến đề xuất từ năm sau kỳ thi THPT quốc gia, mỗi môn thi có 2 phần thi   ĐÀO NGỌC THẠCH

 
Nhiều tiêu cực trong chấm thi do mục tiêu “2 trong 1”?
Theo TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đây là kỳ thi mà chúng ta thường gọi nôm na là “2 trong 1”, thực tế đó là hai mục tiêu khá khác nhau. Vì thế, việc xử lý về kỹ thuật cho “kỳ thi ghép” này là rất khó, bởi nếu đạt mục tiêu thứ nhất một cách trọn vẹn thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu thứ hai. Ông Thắng nói thêm: “Nếu chỉ là mục tiêu tốt nghiệp THPT thì chắc sẽ không có nhiều sai phạm như vừa qua. Vì sai phạm chủ yếu là làm cho thí sinh có kết quả tốt để đáp ứng được yêu cầu xét tuyển ĐH, CĐ, để vào được các trường công an, quân đội. Đây rõ ràng là vấn đề kỹ thuật các nhà quản lý cần quan tâm để hài hoà hai mục tiêu này”.


Theo TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh ĐH “3 chung” trước đây có một ưu điểm cần tiếp thu, đó là cực kỳ nghiêm túc. Nhưng theo xã hội thì đó là kỳ thi tốn kém, vì thí sinh phải di chuyển xa. TS Ngọc khẳng định: “Suy cho cùng chẳng có cái gì cực tốt mà lại cực rẻ”, và “được cái này thì phải mất cái kia”. Sở dĩ kỳ thi “3 chung” đạt được hiệu quả khách quan, nghiêm túc, công bằng, đó là bởi kỳ thi này do các trường đại học coi thi, chấm thi, tách địa phương ra khỏi việc tổ chức thi.

 
GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng phản ánh một hệ lụy khác của kỳ thi “2 trong 1”. Đó là tỷ lệ sinh viên bỏ học sau năm thứ nhất rất nhiều, lên tới khoảng 10%/năm. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với trước đây, khi ĐH Quốc gia Hà Nội còn tham gia kỳ thi “3 chung”. Theo GS Đức, thực tế trên có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như vì thí sinh chọn trường theo khả năng đỗ chứ không phải vì yêu thích, mà cũng có thể do năm đầu các em phải học các môn cơ bản nặng nên nản mà bỏ. “Một điểm đáng chú ý nữa là xu hướng lựa chọn ngành xã hội nhân văn rất lớn, chưa bao giờ tỷ lệ này bùng nổ như bây giờ, cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo!”, GS Đức khuyến cáo.
 
“2 trong 1 buổi thi ” thay cho “2 trong 1 đề”
Theo đề xuất của GS Đức, nếu vẫn tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia, vừa để xét tốt nghiệp, vừa làm căn cứ cho các trường ĐH xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT nên giảm bớt số lượng tổ hợp xét tuyển (156 tổ hợp như hiện nay là quá nhiều), và cần xác định môn nào là cốt lõi để cấu thành tổ hợp.
 
GS Đức đề xuất: “Tôi đề nghị Bộ phải có tổng kết, đánh giá (về kỳ thi THPT quốc gia – PV). Muốn vậy phải khảo sát, đánh giá ở các trường ĐH xem trước đây thi “3 chung” thế nào, bây giờ thi thế nào. Khảo sát chất lượng học tập mới là quan trọng”.
 
TS Quách Tuấn Ngọc cho rằng vẫn nên gọi là kỳ thi “2 trong 1”, nhưng thay vì “2 trong 1” đề như 4 năm trước thì giờ nên là “2 trong 1 buổi”. “Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi ĐH). Học sinh nào không có nhu cầu thi ĐH cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi ĐH, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi ĐH phải do trường ĐH chủ trì”, TS Ngọc giải thích.
 
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cũng cho biết Bộ đã nhận thấy những bất cập của kỳ thi 2018 nên đã có hướng đổi mới khắc phục các bất cập này, trong đó có việc rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ hơn trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi này, để từ đó có giải pháp phù hợp và tăng cường trách nhiệm vừa xử lý. “Từ nay cho đến khi chúng ta kết thúc thi theo chương trình sách giáo khoa hiện hành. Đây cũng là sự chuẩn bị nhuần nhuyễn để phục vụ cho tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo dự kiến kỳ thi đầu tiên này sẽ vào năm 2024. Trong lộ trình này cần tính toán để việc đổi mới thi là lộ trình không bị ngắt quãng, không bị sốc”, ông Trinh cho biết.
 
Giáo viên sẽ không chấm thi học sinh tỉnh mình
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết qua 4 năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, quy chế và quy trình tổ chức thi chặt chẽ theo hướng năm sau cụ thể, chi tiết hơn. Ông Trinh cũng chia sẻ: “Mặc dù chuẩn bị kỹ như vậy nhưng vẫn có tiêu cực xảy ra. Chúng tôi có trách nhiệm trong hiệu quả thanh tra giám sát tại địa phương nhưng thực sự mà nói, vi phạm này có sự tính toán từ trước, có sự tổ chức của một nhóm người. Công nghệ dù có hoàn chỉnh đến đâu thì cũng là sản phẩm do con người làm ra nên con người quyết định sự thành bại dù công nghệ có hoàn hảo đến mấy”.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ đã báo cáo và được Chính phủ đồng ý cho phép giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020. Vì thế, tinh thần đổi mới kỳ thi là kế thừa những ưu điểm những kết quả của phương án tổ chức thi những năm trước và khắc phục những tồn tại của năm nay.
 
Để khắc phục nhược điểm của kỳ thi mà đã bộc lộ ở năm nay, có một số nội dung phía Bộ thấy cần làm, chẳng hạn hoàn thiện quy chế, khắc phục các điểm yếu về kỹ thuật, tạo rào cản kỹ thuật, có cơ chế kiểm soát để cho những người có nghề về công nghệ thông tin có ý muốn gian lận cũng khó có thể thực hiện. Để đảm bảo khách quan, Bộ GD-ĐT sẽ sắp xếp để trường ĐH địa phương không coi thi hoặc làm thi ở địa phương mình (với các trường ĐH trung ương đóng tại địa phương thì Bộ sẽ xem xét, cân nhắc khi phân công nhiệm vụ làm thi). Đặc biệt là về công tác chấm thi, Bộ cũng sẽ điều chỉnh để giáo viên làm nhiệm vụ chấm thi sẽ không chấm thi học sinh của tỉnh mình.

 

QUÝ HIÊN – TUỆ NGUYỄN