Theo tờ
Stars and Stripes , hàng ngàn binh sĩ Mỹ có thể được điều động đến Thái Bình Dương dưới
kế hoạch giảm quân đồn trú tại Đức.
Hôm 15.6, Tổng thống Mỹ
Donald Trump thông báo ý định cắt giảm 34.500 binh sĩ đóng tại Đức xuống còn 25.000 trong động thái bị nhiều nghị sĩ 2 nước phản đối. Ông chủ Nhà Trắng khi đó nói chính quyền Berlin “lơ là” phần đóng góp cho ngân sách NATO và đối xử “tệ” với Mỹ về khía cạnh thương mại.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, dù chưa có thông báo chính thức, chi tiết về các bộ phận binh sĩ rút quân đang được nghiên cứu và các
tướng lĩnh đang cân nhắc các lựa chọn.
“Thói quen thời
Chiến tranh lạnh về việc đồn trú số lượng lớn các binh sĩ cùng gia đình họ tại những căn cứ lớn như ở Đức giờ đây phần nào đã lỗi thời. Dù các căn cứ không quân và trung tâm hậu cần vẫn quan trọng, việc đồn trú này không còn ý nghĩa như trước”, ông O’Brien đưa ra nhận định vào ngày 23.6.
Quan chức này cho biết vài ngàn binh sĩ tại Đức có thể được điều động đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Mỹ duy trì hiện diện quân sự tại Nhật Bản,
Hàn Quốc và
Singapore, cũng như luân chuyển tại các nơi như ở Úc.
“Tại khu vực này, Mỹ và các đồng minh đối diện với thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc”, ông nêu rõ.
Ông Ross Babbage, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Úc, cho biết nước này chào mừng đề xuất trên. Theo ông, điều đó sẽ “đắp thịt lên xương” tại Thái Bình Dương theo chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ đưa ra vào năm 2011.
Ông Babbage cho rằng Mỹ cần củng cố sự hiện diện trong khu vực nhằm tăng cường lòng tin vào Mỹ và các đồng minh phương Tây nói chung.
“Đang có sự tăng tốc trong việc đối phó với sự trỗi dậy của
Trung Quốc và nguy cơ căng thẳng, mâu thuẫn trong khu vực”, ông cho hay.
Giáo sư Cord Scott tại Đại học Maryland (Mỹ) cũng nhận định rằng Mỹ nên đưa quân đến châu Á vì có các mối đe dọa về kinh tế và quân sự, đồng thời lưu ý về căng thẳng giữa Ấn Độ với Trung Quốc và tại bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyên gia Robert Dujarric tại Đại học Temple ở Nhật Bản cho rằng việc Mỹ rút quân tại Đức không liên quan đến việc giúp đỡ châu Á – Thái Bình Dương, mà chỉ là do Tổng thống Trump “có vấn đề” với
NATO.
KHÁNH AN
TNO