25/12/2024

Phó chủ tịch ADB: Đa dạng lựa chọn vốn để phát triển hạ tầng

Đó là kiến nghị của Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen P.Groff (ảnh) khi trả lời Thanh Niên nhân dịp đến VN dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN).

 

Phó chủ tịch ADB: Đa dạng lựa chọn vốn để phát triển hạ tầng

Đó là kiến nghị của Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Stephen P.Groff (ảnh) khi trả lời Thanh Niên nhân dịp đến VN dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN).




 
 

Phó chủ tịch ADB: Đa dạng lựa chọn vốn để phát triển hạ tầng

ẢNH: NVCC

Vấn đề sử dụng hiệu quả vốn vay ODA đang dấy lên những dư luận trái chiều tại VN, đặc biệt khi các dự án đều chậm tiến độ khá nhiều. Ông nhận định thế nào về tiến độ giải ngân các khoản VN vay của ADB và có khuyến nghị gì về cách giữ được nợ công ở mức an toàn mà vẫn bảo đảm tiến độ giải ngân?

ADB đánh giá cao quan hệ đối tác lâu dài với VN và tự hào về những tác động tích cực mà sự hỗ trợ của chúng tôi đã mang lại. Ví dụ, trong giai đoạn 2010 – 2016, chúng tôi đã hỗ trợ Chính phủ VN cấp điện thêm cho 40.000 hộ gia đình nông thôn, cải thiện cơ sở vật chất trường học cho 875.400 học sinh và đào tạo hơn 400.000 giáo viên. ADB đã phân bổ cho VN ít nhất 1,6 tỉ USD cho các khoản vay khu vực công trong giai đoạn 2018 – 2020 và có thể còn nữa.
 
Có một số cách để giảm thiểu việc giải ngân vốn chậm, như điều chỉnh mức vốn và quy trình phân bổ ODA trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cho phù hợp với nhu cầu thực tế của dự án. Việc sớm đưa các dự án ODA vào kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ giảm thiểu chậm trễ khởi động dự án. Một lựa chọn khác là sử dụng các khoản vay ODA để tài trợ cho việc giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư hoặc các yêu cầu khác.
 
Nhu cầu vốn cho đầu tư hạ tầng của VN là rất lớn, đặc biệt khi VN có ít nhất 3 dự án vào loại chục tỉ USD đang đợi, như sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, đường sắt cao tốc Bắc – Nam… Trong bối cảnh VN không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi nữa thì đâu là lựa chọn tốt hơn để huy động vốn cho nhu cầu phát triển hạ tầng?
 
Đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng luôn đầy thách thức. Dù các dự án đối tác công – tư (PPP) đang trở nên phổ biến, đa số vẫn đòi hỏi một số hình thức bảo lãnh của chính phủ. Do đó, Chính phủ VN nhất định phải tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và huy động vốn cho cơ sở hạ tầng.
 

Phó chủ tịch ADB: Đa dạng lựa chọn vốn để phát triển hạ tầng1

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) sử dụng nguồn vốn OD  ẢNH: KHẢ HOÀ
 
Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng các bước hữu ích để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng có thể bao gồm xây dựng các khung chính sách, pháp lý và thể chế để cải thiện khả năng tồn tại của dịch vụ, doanh nghiệp hạ tầng và khả năng thanh toán của các dự án. Thúc đẩy PPP và nâng cao hiệu quả của các khung pháp lý sẽ tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
 
Ngoài ra, cũng có các lựa chọn khác như phát triển thị trường tài chính hiệu quả hơn, đặc biệt là cho trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, cũng như thị trường vốn nội tệ để có thể kết nối với các khoản tiết kiệm nhàn rỗi trong nước, giảm rủi ro tiền tệ cho nhà đầu tư.
 
Theo ông, PPP là lựa chọn duy nhất hay lựa chọn tối ưu để VN đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư? Đâu là cách để có những dự án PPP thành công?
 

PPP chỉ là một trong những lựa chọn và không phải là thuốc chữa bách bệnh. Để thành công, các dự án phải có khả năng thanh toán vì các ngân hàng sẵn sàng cho vay nhiều hơn nếu dự án được cấu trúc đúng và rủi ro được giảm thiểu. Nên có sự cạnh tranh công bằng (trong lựa chọn các nhà đầu tư) để đảm bảo một dự án “đáng đồng tiền bát gạo”. Việc tập trung mạnh vào hiệu quả dịch vụ rất cần thiết, vì các dự án không cung cấp được dịch vụ tốt chắc chắn sẽ có nhiều hậu quả hơn hiệu quả. Cuối cùng, có một tỷ lệ phân bổ rủi ro thích hợp giữa nhà nước, người dân và các chủ đầu tư là chìa khoá để tối đa hoá cơ hội thành công của dự án.

 
Các nước đang phát triển như VN luôn phải đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa ổn định vĩ mô và nhu cầu đầu tư phát triển. Ông có khuyến nghị gì với VN để giải quyết vấn đề này?
 
Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững và toàn diện. Để đạt được điều này, VN có thể trao quyền cho khu vực tư nhân như một công cụ phát triển kinh tế bằng cách giúp các doanh nghiệp vừa và lớn mở rộng năng lực và quy mô công nghiệp.
 
Thứ hai, việc trang bị kỹ năng của người nghèo phải là một ưu tiên. Họ nên được tiếp cận với công việc phi nông nghiệp để giảm chênh lệch thu nhập. Một yêu cầu bắt buộc là phải khai thác tốt hơn các công nghệ tiên tiến, thông qua các chính sách chủ động mở đường cho những cách thức tăng trưởng kinh tế mới. Một điều quan trọng khác là nâng cao hiệu quả của chi tiêu công để các nguồn lực tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng.
 
ADB đã và đang giúp VN tăng cường khung pháp lý, năng lực quản lý tài chính công, tập trung vào ngân sách nhà nước và quản lý đầu tư công cũng như năng lực thực hiện của các bộ và địa phương. Nền tảng quan trọng nhất là phải có một chính quyền đủ năng lực. Chính quyền hiệu quả và có trách nhiệm, đặc biệt ở cấp tỉnh, là hạt nhân để có thể quản trị hiệu quả những thay đổi kinh tế và xã hội quy mô lớn.
 
Các nước có nền tảng công nghệ thấp và chưa quen với tư duy công nghiệp như VN có cơ hội nào “sánh vai” với các nước phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (IR4) không? Đâu là lĩnh vực VN nên tập trung để tận dụng cơ hội này?
 
Một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ được hưởng lợi từ IR4. Ví dụ trong ngành nông nghiệp, những tiến bộ công nghệ đang cơ giới hóa sản xuất và thúc đẩy năng suất. ICT (công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông) có thể giúp nông dân đưa ra quyết định dựa trên thông tin chất lượng cao hơn và kịp thời hơn. Ngành công nghiệp, nơi công nghệ tiên tiến đã đóng vai trò quan trọng, đương nhiên cũng có cơ hội. Ngành dịch vụ ở VN và các nước đang phát triển khác cũng sẽ chuyển đổi bằng công nghệ di động tinh vi hơn và sự tiếp cận tốt hơn với internet chất lượng cao.
 
Để hỗ trợ phát triển kỹ năng cho người lao động, chính sách nên tập trung nâng cao sự kết hợp cả kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng cốt lõi như sáng tạo, tư duy phê phán, giao tiếp và làm việc theo nhóm. Việc huấn luyện, đào tạo đa kỹ năng, tái đào tạo và học tập suốt đời rất quan trọng để tạo ra những người lao động có năng suất và khả năng thích nghi cao.
 
Các chính sách cũng có thể giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động. Doanh nghiệp vừa và nhỏ ở VN đang sử dụng công nghệ tiên tiến nhưng cần trợ giúp để mở rộng quy mô. Sự hỗ trợ và bảo vệ người lao động phải là một ưu tiên. Công nhân VN có tay nghề cao sẽ chuyển việc thường xuyên hơn và họ cần sự hỗ trợ để duy trì mức sống hợp lý, bao gồm cả bảo vệ xã hội đầy đủ.
 
Cảm ơn ông! 
 
 
 
VŨ HÂN