19/11/2024

Có kiến thức, người dân sẽ tin và thanh toán QR, cà thẻ

Có kiến thức, người dân sẽ tin và thanh toán QR, cà thẻ

Để người dân có những kiến thức tài chính như về thanh toán, quản lý tài chính… thì chương trình giáo dục tài chính cần đưa vào trường học.

 

Có kiến thức, người dân sẽ tin và thanh toán QR, cà thẻ - Ảnh 1.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ của VietinBank – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nên có môn giáo dục tài chính từ cấp 2

Bà Nguyễn Thị Phượng, phó tổng giám đốc Agribank, cho biết thời gian qua ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện nhiều chương trình phổ cập kiến thức giáo dục tài chính cộng đồng trên các kênh truyền hình quốc gia như chương trình Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái…

“Chúng tôi rất mong ngành giáo dục đưa môn giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy từ học sinh cấp 2. Lứa tuổi học sinh cần phải biết các kiến thức về tài chính và sau này sẽ biết quản lý tài chính. Khi còn là học sinh, nếu được bố mẹ cho tiền thì giữ tiền như thế nào và tiêu đồng tiền đó ra sao… Đây là các kiến thức rất quan trọng” – bà Phượng nói.

Cũng chung đề nghị cần đưa giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục chính quy ở VN, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng nên có chương trình giáo dục phù hợp với lứa tuổi như với học sinh trên 15 tuổi, cho phụ nữ, nhất là ở vùng sâu vùng xa…

“Khi có kiến thức cơ bản về tài chính, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt thì người dân sẽ thấy lợi ích và tự tin sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại như chuyển khoản, QR, cà thẻ… Qua đó sẽ nâng cao tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng vọt, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông”, ông Hiếu nhận định.

Giáo dục tài chính giúp thay đổi thói quen thanh toán

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Thúy Sen – vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước – đánh giá giáo dục tài chính góp phần thay đổi thói quen trong thanh toán. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó có các cơ quan báo chí, các tổ chức tín dụng thực hiện nhiều chương trình truyền thông giáo dục phổ cập các kiến thức tài chính, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt.

Với nội dung đa dạng, phong phú, dễ hiểu, hướng tới công chúng và đặc biệt là giới trẻ và học sinh, các chương trình “Tiền khéo tiền khôn”; “Những đứa trẻ thông thái”; “Đồng tiền thông thái” và “Hiểu đúng về tiền”… mang lại nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực cho người dân.

Bà Sen cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và đưa ra các chương trình truyền thông để góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng sử dụng dịch vụ tài chính, đẩy mạnh truyền thông về thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng. Trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp truyền thông để những người chưa tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến.

Ông Trần Công Quỳnh Lân, phó tổng giám đốc VietinBank, đề xuất VN nên phổ cập dịch vụ tài chính ngân hàng đến với tất cả mọi người dân. Việc tăng cường các chương trình giáo dục tài chính là một định hướng thiết thực của Ngân hàng Nhà nước giúp người dân có thêm kiến thức, hiểu về dịch vụ ngân hàng và giúp các dịch vụ tài chính ngân hàng có thể phổ cập tới từng người dân.

“Đối với dịch vụ thanh toán, khi chúng ta làm được việc đó cộng với những ứng dụng di động có thể thực hiện mua sắm online, thanh toán các dịch vụ… thì người dân sẽ không còn nhu cầu sử dụng tiền mặt nữa. Đây chính là định hướng mà VietinBank theo đuổi và ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư về nguồn lực, về công nghệ để có thể hiện thực hóa điều này”, ông Lân khẳng định.

Phải làm cho người dùng “thử một lần”

Ông Nguyễn Chiến Thắng, phó giám đốc Trung tâm Chính sách và sản phẩm khách hàng cá nhân Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB), cho rằng để gạt đi tâm lý e ngại của người dân khi dùng các phương thức thanh toán không tiền mặt, ngân hàng và các tổ chức thanh toán cần phải gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Theo đó, cần hướng dẫn khách hàng có cái nhìn cởi mở hơn với các dịch vụ thanh toán phi tiền mặt. Các ngân hàng cần tăng cường các chương trình khuyến mãi, chiết khấu… nhằm thu hút các khách hàng; truyền thông rộng rãi để góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về lợi ích có được của thanh toán không dùng tiền mặt cũng như an tâm về tính bảo mật khi giao dịch.

“Góp phần tích cực vào việc triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, SHB đã không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng điện tử và triển khai đầy đủ các dịch vụ trên kênh ngân hàng điện tử: thanh toán tiền điện, nước, tivi, truyền hình, điện thoại…”, ông Lân nói.

Việt Nam đang làm rất tốt rồi

Tôi đã sống ở Việt Nam được 20 năm và làm việc trong các công ty fintech. Giống như nhiều chuyên gia tư vấn, như nhiều người nước ngoài khác, tôi nghĩ sự phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam không quá chậm, không quá nhanh. Bởi chúng ta phải giữ mọi thứ cân bằng, tiến từng bước một, phát triển dịch vụ tốt hơn dành cho khách hàng, theo sát xu hướng phát triển công nghệ, đồng thời giảm thiểu các rủi ro.

Việt Nam đang làm rất tốt rồi. Điểm quan trọng nhất trong phát triển của ngân hàng số tại Việt Nam là đổi mới. Một số ngân hàng đang làm điều đó, không phải các ứng dụng (apps) ngân hàng số giống nhau, mà là những ý tưởng mới, sự hợp tác, tính năng mới, sản phẩm mới.

Ông Claude Spiese (cố vấn cấp cao của Grant Thornton Việt Nam)

ÁNH HỒNG – LÊ THANH
TTO