20/11/2024

Hồn biển ven bờ kênh Nhiêu Lộc

Hồn biển ven bờ kênh Nhiêu Lộc

Chảy qua 5 quận, con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là nơi chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu nằm trong lòng thành phố, kể từ thập niên 1990 của thế kỷ trước.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhìn từ cầu Công Lý trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) về hướng Q.Tân Bình /// TRẦN THANH BÌNH
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhìn từ cầu Công Lý trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.3) về hướng Q.Tân Bình  TRẦN THANH BÌNH

Nghe như tiếng sóng vọng về

Mùa thu 2012, cách đây gần 8 năm, TP.HCM ghi dấu ấn về chuyện cải tạo con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, con kênh chảy dọc theo thành phố từ hướng tây bắc đến đông nam rồi đổ ra sông Sài Gòn. Đó là lúc việc cải tạo kênh cơ bản hoàn thành và xác định chuyện đặt tên hai con đường ven kênh. Tả ngạn là đường Trường Sa dài 8,3 km và hữu ngạn là Hoàng Sa dài 7,4 km. Con kênh dài 8,7 km kể từ lúc khởi sự chương trình vào năm 1993, tính đến khi xong phần giai đoạn 1 quan trọng, kéo dài gần 10 năm. Thời gian này là những ngày sôi động của dự án, nên sự quan tâm với một công trình có ý nghĩa lịch sử – xã hội lên đến 8.600 tỉ đồng, đi qua 24 cây cầu dường như thu hút hết tâm trí tôi. Ngày nào cũng vậy, hầu như tôi đều có những cuộc điện thoại hoặc trực tiếp đến gặp Ban Quản lý dự án cải tạo Nhiêu Lộc – Thị Nghè, để lấy thông tin tiến độ.
Là một công trình không chỉ mang tầm vóc lớn lao có thể thay đổi diện mạo thành phố, mà có tác động sâu rộng đến hơn chục ngàn hộ dân sống trên và ven kênh, kéo dài qua 5 quận gồm 1, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh và Tân Bình nên luồng thông tin về dự án luôn nóng, phả vào trang báo của các tờ báo mỗi ngày.
Để có một nguồn vốn khổng lồ như vậy vào thời điểm đó, với vốn ODA là 5.252 tỉ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách là 3.348 tỉ đồng, TP.HCM đã phải “vận mười thành công lực” để xoay xở, hoàn tất.
Lần giở bài báo của mình có tựa đề Chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn được ưu đãi đăng trên Báo Thanh Niên ngày 15.10.1997, tôi càng thấy rõ hơn sự chung tay đồng lòng của người dân khi nhận thức được để có một dòng kênh xanh trong lành, họ phải chấp nhận dời đi: “Theo tính toán của Ban Chỉ đạo chương trình Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tổng số nhà ở phải giải tỏa di dời là 11.423 căn, trong đó phải giải quyết chỗ ở mới để di dời là 8.000 hộ và có 3.423 hộ tự lo chỗ ở mới”, bài báo phản ánh. Con số có vẻ khô khan, nhưng để có được một công trình như vậy, cuộc sống các hộ dân đã có những xáo động rất lớn, nên không thể không xảy ra một số vụ khiếu nại. Nhưng điều quan trọng nhất, thiển nghĩ những người sống ở thành phố này phải ghi nhận và tôn vinh sự hy sinh của hơn chục ngàn hộ dân. Với một cung cách sống và làm ăn quen thuộc tại nơi ở của mình, bởi do hoàn cảnh đưa đẩy nên họ phải rời đi, và “làm lại cuộc đời” tại nơi ở mới. Nhiều hộ phải dạt về các chung cư cao tầng, có khi tận ở Q.12, và phải nhiều năm sau mới gầy dựng, thích ứng được cách sống trên những khu nhà cao tầng.
Để rồi bây giờ, mỗi ngày qua lại trên 2 con đường tả ngạn và hữu ngạn dòng kênh, biết đâu họ vẫn cứ nghe vọng lại niềm yêu mến với âm điệu của tiếng sóng biển dội về qua những bản nhạc từ những chiếc máy hát trên con đường Trường Sa hoặc Hoàng Sa, ngay giữa lòng thành phố!

Chuyện về trưởng nữ quan cai cơ

Theo nhiều sử liệu, trước khi có tên là rạch Bà Nghè, rồi đến rạch Thị Nghè, thì con kênh này có tên là rạch Nghi Giang. Bà Nghè Nguyễn Thị Khánh là trưởng nữ của quan Cai cơ Nguyễn Cửu Vân (tước Vân Trường hầu), vốn từng được chúa Nguyễn Phúc Chu sai đem quân đi bình định quân Xiêm La để giữ yên cho Chân Lạp, phên dậu của nước ta. Một giai đoạn rối ren ở phương Nam vào khoảng đầu thế kỷ 18 đã được quan Cai cơ Nguyễn Cửu Vân “dọn dẹp” và gỡ được những nút thắt quan trọng bằng việc đánh tan quân của Nặc Ông Thâm khi ông này quấy phá vương triều Chân Lạp, và Nặc Ông Yêm là hoàng tử xứ Chân Lạp (sau này lên ngôi vua) phải chạy sang Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.
Nhưng điều đáng chú ý, bà Nghè chính là người đã xây chiếc cầu Thị Nghè cho dân đi lại, sau đó được người trong vùng đặt tên cho cây cầu và đặt luôn cho con kênh này. Một người em trai của bà Nghè là quan Tổng suất Nguyễn Cửu Đàm, người được xem là nhà quy hoạch Sài Gòn đầu tiên, đã xây nên Lũy Bán Bích từ năm 1771 để ngăn ngừa quân các nước khác đến quấy nhiễu phương Nam. Nguyễn Cửu Đàm cũng là người có nhiều công lớn khi đánh dẹp giặc Xiêm La, nối nghiệp lớn của cha trong việc phò nhà Nguyễn những năm của buổi đầu dựng nghiệp.
Hồn biển ven bờ kênh Nhiêu Lộc1
Đọc lại lịch sử ghi dấu như vậy để thấy công lao của dòng họ Nguyễn Cửu ở phương Nam rất lớn, kể cả về phò vua dựng nghiệp, mở mang bờ cõi và xây dựng những công trình có giá trị với Sài Gòn thuở ấy. Với sự giúp sức của những dòng họ công thần như vậy, nhà Nguyễn đã định danh trong lịch sử công trạng vô cùng to lớn của mình trong việc lập dinh định phủ với Trấn Biên dinh, Phiên Trấn dinh và Long Hồ dinh. Bởi vậy, nên ở đoạn kết của chương VI có tựa đề Công việc họ Nguyễn làm ở xứ Nam từ trang 330 đến 343 của Việt Nam Sử Lược, học giả Trần Trọng Kim đánh giá: “Công việc họ Nguyễn làm ở phía Nam quan trọng cho nước Nam ta hơn cả là việc mở mang bờ cõi, khiến cho nước lớn lên, người nhiều hơn, và nhất là chiêu mộ những người nghèo khổ trong nước đưa đi khai hóa những vùng đất phì nhiêu bỏ hoang, làm thành ra một xứ Nam Việt bây giờ phồn phú hơn cả mọi nơi…”.

Để kênh xanh, cá yên

Đã 25 năm ngày ngày qua lại dòng kênh len lỏi chảy giữa TP.HCM náo nhiệt, với mỗi thời khắc con nước lớn ròng, có khi nghe thoảng lại mùi khó chịu đổ ra từ cống rãnh, cứ tự nhủ vì sao lại như thế? Một thành phố xinh tươi, nơi biết bao người tụ hội mưu sinh, mà con kênh xinh đẹp chảy qua đang phải “gồng gánh” một “vết thương ý thức” khó chấp nhận. Lại nữa, đôi khi chạy theo dọc kênh, nhìn những cành liễu rủ phía Bình Thạnh, thấp thoáng những người rảnh rỗi đứng tựa lan can bờ kênh thả câu. Trong đầu cứ vẩn vơ bật lên ý nghĩ rằng đã có biết bao nhiêu bài báo, bao nhiêu ý kiến về câu chuyện hãy để cho cá trong dòng kênh được yên, nhưng hình ảnh ấy vẫn cứ tiếp diễn!
Chợt nhớ cách đây vài năm, có lần đọc bài của một đồng nghiệp dẫn lời một vị giám đốc đơn vị khai thác tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè than thở rằng, thuyền du lịch chở khách không ít lần vướng dây câu của những người câu cá trái phép. Và không chỉ câu cá, những người này còn ném đá lên thuyền du lịch, khiến cho tour này đã phải “ngậm đắng nuốt cay”, nhiều lần dở chuyến vì khách không dám đi thuyền.
Và mỗi ngày qua lại nơi đây, lại ước sao mọi người để cho dòng kênh trong xanh, những bầy cá lượn lờ bơi lội. Bất giác nghĩ, để điều ấy thành một-hiện-thực-đẹp, rất cần có sự chung tay quyết liệt của mỗi một người dân thành phố!
Không chỉ xây cầu Thị Nghè, liên quan đến tên địa danh này, bà Nghè Nguyễn Thị Khánh còn lập ra chợ Thị Nghè để cư dân thời ấy mua bán. Theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng trong quyển sách du khảo Sài Gòn trăm bước mô tả 5 ngôi chợ lâu đời nhất Sài Gòn, thì chợ Thị Nghè đã được lập gần 200 năm bên bờ kênh Thị Nghè, cũng là tên cây cầu bắc qua kênh, nối đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) với đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh). “Thị Nghè trước kia có nhiều nhà sàn dựng trên kênh rạch, chủ các ngôi nhà tạm bợ này là cư dân từ các vùng miền trôi dạt về Sài Gòn lánh nạn chiến tranh. Những năm đầu thập niên 1990, TP.HCM chủ trương giải tỏa toàn bộ nhà sàn và nhà lấn chiếm kênh rạch, những cư dân trong vùng giải tỏa được giải quyết tái định cư. Một số hộ may mắn được bố trí ra hai con đường mới to đẹp ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng quanh chợ Thị Nghè hiện nay còn không ít người khó khăn vẫn bám trụ kiếm sống”.
TRẦN THANH BÌNH
TNO