Đổi nguồn nguyên liệu, hàng Việt thẳng tiến EU
Đổi nguồn nguyên liệu, hàng Việt thẳng tiến EU
Phụ thuộc xuất xứ nguyên phụ liệu Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng dệt may, da giày khó tận dụng ưu đãi thuế quan khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực.
Thế nhưng với người trong cuộc, vấn đề này đã được chuẩn bị khá sớm.
Xuất xứ không quá lo ngại
Theo quy định trong EVFTA, hàng dệt may để được hưởng thuế suất ưu đãi ở mức 0% phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ “2 công đoạn” (từ vải trở đi). Nghĩa là để được hưởng thuế quan ưu đãi, hàng dệt may của Việt Nam phải được làm từ vải có xuất xứ trong nước.
|
Ngoài ra, EU cũng cho phép các doanh nghiệp (DN) được sử dụng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng xuất khẩu sang khối này. Thế nhưng lâu nay, trên 70% nguyên phụ liệu dệt may đều phải nhập khẩu và đa số là từ Trung Quốc, nên nhiều ý kiến lo ngại, dệt may lại lỡ cơ hội hưởng ưu đãi.
Bà Cecile Phạm – Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, thừa nhận nguồn nguyên phụ liệu được DN sử dụng nhiều nhất vẫn là xuất xứ Trung Quốc. Nhưng không đợi đến bây giờ, công ty đã có sự chuẩn bị trước về xuất xứ nguyên phụ liệu. Hiện tại, công ty mua nguyên phụ liệu trong nước, Malaysia và Pakistan với mức giá cao hơn từ 5 – 7% so với vải Trung Quốc. Tuy đắt hơn một chút nhưng so với mức thuế giảm từ 18 – 20% về 0% theo EVFTA thì vẫn lợi hơn. Dù vậy theo bà Cecile Phạm, một số chủng loại vải, chẳng hạn như vải ép dùng may trang phục trượt tuyết, chưa có nước nào mà Dacotex đã làm việc “qua mặt” được hàng của Trung Quốc.
Tương tự với ngành da giày Việt Nam, theo ông Diệp Thành Kiệt – Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, nhiều DN hiện đã xuất khẩu vào thị trường EU trong khuôn khổ của chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và đang tận dụng được quy tắc xuất xứ trong GSP, đảm bảo 40% tỷ lệ nội địa hóa.
Quy tắc xuất xứ trong EVFTA đối với sản phẩm da giày không khác biệt. Ước tính, có khoảng 98% DN đã đạt được tiêu chí xuất xứ từ EU và có thể được hưởng thuế còn 0%. Đặc biệt, nhờ có EVFTA với lãi suất giảm về 0% thì ngành da giày của Việt Nam sẽ được chia “miếng bánh” lớn hơn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm mạnh.
“Giả sử trước đây sản phẩm da giày của Việt Nam chiếm khoảng 1/8 miếng bánh thị trường EU với giá trị khoảng 20/100 và khi dịch Covid-19 diễn ra, thị trường co hẹp lại chỉ còn khoảng 50%. Nhưng nhờ thuế suất giảm còn 0% sau khi EVFTA có hiệu lực thì da giày Việt Nam lại được chia lên 1/4, như vậy giá trị sẽ còn khoảng 15 thay vì sụt giảm mạnh chỉ còn 10”, ông Diệp Thành Kiệt chia sẻ thêm.
Ô tô, thịt bò, thịt heo từ EU
Ở chiều ngược lại, thuế nhập khẩu (NK) nhiều mặt hàng từ EU vào Việt Nam cũng giảm. Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022 để triển khai cam kết theo EVFTA. Theo đó, nhiều mặt hàng NK vào Việt Nam như ô tô, thịt bò, thịt heo đông lạnh… sẽ được giảm thuế theo lộ trình từng năm.
Cụ thể theo dự thảo, thuế NK ô tô từ EU vào Việt Nam sẽ giảm 14,2 – 15,6% sau 2 năm tới, trung bình mỗi năm giảm từ 7,1 – 7,8%. Những dòng xe sedan có dung tích xi lanh 1.000 – 2.500 cc sẽ giảm thuế NK từ 70,9% xuống 63,8% năm 2021, rồi tiếp tục về 56,7% vào năm 2022; xe sedan có dung tích xi lanh trên 2.500 cc hiện chịu thuế suất 67,2% sẽ giảm lần lượt xuống 60,5% năm 2021 và 53,8% năm 2022; xe dung tích xi lanh từ 3.000 cc trở lên có thuế NK là 70,2% sẽ giảm về 62,4% vào năm sau và 54,6% năm 2022.
Giám đốc một công ty chuyên NK và phân phối ô tô từ EU tại TP.HCM cho rằng mức giảm thuế 7 – 8% mỗi năm sẽ chưa tác động mạnh đến giá xe hơi nhập trong nước.
Như xe nhập từ thị trường ASEAN có thuế NK giảm từ 40% về 0%, nhưng giá xe đến tay người tiêu dùng giảm chưa đến 20%. Bởi vì Việt Nam thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ năm 2017, khiến giá xe không giảm như kỳ vọng. Xe nhập từ EU nếu giảm 7 – 8% mỗi năm, người tiêu dùng thường tính kiểu xe 2 tỉ đồng, giảm 7% chắc sẽ rẻ hơn 150 triệu đồng/chiếc nhưng chỉ trên lý thuyết.
Vì thông thường, tỷ giá trung bình mỗi năm tăng 1,5%, rồi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt nay lại tính thuế theo giá bán, tức bao gồm chi phí bán hàng, chi phí của DN. Thế nên, DN phải đôn giá bán lên để bảo toàn phần lãi cho mình.
“Tôi khẳng định, năm 2021, hay 2022, không có xe hơi nhập từ EU giá rẻ được. Có chăng, giảm vài chục triệu như các chương trình khuyến mãi hiện tại của các hãng xe vẫn được tổ chức hằng năm. Tôi ước tính khi thuế NK giảm hơn 7%/năm thì giá xe chỉ giảm được khoảng 2,5%. Khi thuế NK giảm về còn 0% thì giá xe đến tay người dùng mới giảm được khoảng 20 – 25%”, vị giám đốc trên nói.
Tương tự, ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Bút – chuyên nhập khẩu thịt cá các loại từ thị trường EU, cho rằng theo dự thảo, thuế NK thịt heo và các phụ phẩm liên quan đến thịt heo giảm từ 15% xuống 10% vào năm 2021 và xuống 5% vào năm 2022; thịt lọc không xương từ 10,5% xuống 7% và xuống 3,5% trong 2 năm tới… Tuy nhiên, hiện tại, thị trường trong nước đang tiêu thụ thịt heo nhập từ Nga với thuế nhập 0%, nên các sản phẩm từ EU cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Còn các loại thịt gà, thuế NK từ EU hiện hơn 36%, năm 2021 sẽ giảm còn 32,7% và xuống 29% vào năm 2022, mức giảm không nhiều. Hơn nữa, thị trường trong nước chủ yếu ăn đùi gà, cánh gà từ Brazil và Mỹ.
Tương tự, Việt Nam tiêu thụ chủ yếu là các sản phẩm thịt bò từ Úc, Mỹ. Vì vậy, sau EVFTA, để nói người Việt có cơ hội mua thịt giá thấp hơn từ EU thì không nhiều. Như vậy, ngành chăn nuôi trong nước cũng chưa bị tác động mạnh.
Tránh tận dụng kiểu “mì ăn liền”
Theo ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch HĐQT Công ty may Sài Gòn 3, những công ty chưa xuất hàng sang thị trường châu Âu cũng sẽ có cơ hội nhiều hơn, khách hàng sẽ đa dạng hơn. Từ trước đến nay, nhiều DN trong nước chưa quan tâm đến vấn đề xuất xứ thì từ nay sẽ quan tâm đến vấn đề này, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may thay vì trước đây chỉ lo tìm vải phù hợp và giá rẻ nhất. Đặc biệt, ông Hồng nhấn mạnh EVFTA sẽ kéo theo nhu cầu đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu tại VN gia tăng. Từ đó cũng dần dần thúc đẩy hoạt động công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam phát triển.
Còn theo ông Diệp Thành Kiệt, quan trọng nhất khi EVFTA có hiệu lực là cơ hội để nâng giá trị sản phẩm da giày của Việt Nam. Chẳng hạn trước đây một đôi giày sản xuất tại VN chỉ có giá khoảng 20 USD thì liệu sắp tới, có khả năng sản xuất ra những đôi giày có giá 50 – 100 USD hay không? Nguyên phụ liệu là một yếu tố, còn lại để nâng giá trị của sản phẩm còn phụ thuộc vào kỹ năng, tay nghề, trình độ thiết kế…
Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng câu chuyện của các hiệp định thương mại là câu chuyện lâu dài, đừng tư duy “mì ăn liền”. EVFTA nói cách nào đó còn “dễ thở” hơn CPTPP. Hiện nay cả thế giới đang trong giai đoạn chống dịch, nên mọi đánh giá về cơ hội, khả năng tận dụng cơ hội sẽ không như trước đây. Nhưng ở góc nhìn thời hậu dịch và nhất là trung và dài hạn, EVFTA chắc chắn là cơ hội lớn với kinh tế Việt Nam.
“Có hai thứ quan trọng cần phải hướng đến là làm hàng hóa có giá trị gia tăng nhiều hơn, đầu tư để chuyển dịch nguồn cung ứng nguyên phụ liệu. Mua vải từ Hàn Quốc sẽ có lợi hơn, nhưng vải của Hàn đắt quá, không chào hàng được. Vậy bài toán ở đây là phải đầu tư, không thể “bóc ngắn cắn dài” được mãi. Đầu tư từ những điều nhỏ nhất về tuân thủ lao động, môi trường…”, ông Thành nhận xét.
Đừng vì đang dịch bệnh Covid-19, thị trường đang “bế quan tỏa cảng” mà đứng yên. DN đứng yên lúc này là “chết”. Không đầu tư được làm vải, phải xông pha tìm thị trường khác mua nguyên liệu thay thế ngay.
Chính sách hỗ trợ DN trong dịch Covid-19 phải dựa trên việc tạo tối đa điều kiện, hậu thuẫn tối đa cho DN chuyển đổi để lấy lại đơn hàng từ đối tác EU sau dịch. TS Võ Trí Thành
MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA
TNO