Để Trung Quốc không thống trị Indo-Pacific
Để Trung Quốc không thống trị Indo-Pacific
Trả lời Thanh Niên, GS Rory Medcalf (Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia – Đại học Quốc gia Úc) đã đánh giá tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trước các thách thức an ninh liên quan Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể gây ra đối đầu căng thẳng
Ông nghĩ thế nào về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific)?
Một vấn đề rất đáng quan ngại là Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các chính sách “cơ bắp” bất chấp tình hình dịch bệnh.
Lẽ ra, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Bắc Kinh nên xem đây là cơ hội để tăng cường hợp tác với các bên, rồi cùng nhau thỏa hiệp các bất đồng. Thế nhưng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình dịch bệnh như thời cơ để gây áp lực, tìm cách áp đặt lên nhiều nước xung quanh nhằm theo đuổi vị thế thống trị ở khu vực Đông Nam Á, Biển Đông. Trung Quốc cũng tiến hành tương tự với Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…
Như Trung Quốc dùng áp lực kinh tế để ngăn chặn Úc điều tra độc lập về nguồn gốc vi rút gây bệnh Covid-19, hay Bắc Kinh tăng cường hoạt động ở khu vực biên giới Trung – Ấn và hai bên đã xảy ra đụng độ, rồi Bắc Kinh cũng tăng cường kiểm soát Hồng Kông, gia tăng áp lực đối với Đài Loan, rồi quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ trở nên căng thẳng lên đến mức như Chiến tranh lạnh.
Thực sự, Trung Quốc đã hành xử sai lầm và điều này chỉ càng gia tăng ngờ vực của cộng đồng quốc tế trước Bắc Kinh. Cứ thế, các nước sẽ càng có động lực phối hợp để ứng phó Trung Quốc. Từ thực tế này, Bắc Kinh có thể khiến tình hình leo thang thành đối đầu căng thẳng, thậm chí ẩn chứa nguy cơ bùng nổ xung đột.
|
Trong cuốn sách vừa xuất bản gần đây là “Đế quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, tôi chỉ ra rằng Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách dễ dẫn đến khủng hoảng và bất ổn.
Trong một bối cảnh như thế, sự phối hợp của các nước đòi hỏi áp dụng nhiều giải pháp từ ngoại giao, răn đe đến củng cố ổn định nội tại.
Yếu tố mới quan trọng
Mỹ và nhóm bộ tứ an ninh đang ứng phó thế nào trước Trung Quốc?
Một phần quan trọng của việc ứng phó này là hợp tác cùng nhau để đưa ra các cách thức phản ứng sáng tạo, phù hợp. Trong đó, Mỹ đóng vai trò quan trọng. Nhưng một yếu tố mới rất quan trọng là từng thành phần của bộ tứ an ninh đối với cán cân an ninh khu vực, mà ở đây là nhóm các nước ở Indo-Pacific nằm ở tầm mức giữa các cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Cụ thể là 3 nước là Úc, Nhật Bản và Ấn Độ cũng tăng cường hợp tác lẫn nhau chứ không chỉ tăng cường hợp tác với Mỹ. Nhờ đó, tứ giác an ninh có vai trò đáng kể. Hiện nay, các bên đang đối thoại với nhau ở cấp bộ trưởng, nhưng có nhiều hoạt động phía sau hậu trường để tăng cường hợp tác song phương, hợp tác ba bên nhằm củng cố cho bộ tứ.
Chẳng hạn như mới đây, vào ngày 4.6, thông qua Hội nghị thượng đỉnh Úc – Ấn Độ (diễn ra trực tuyến) đã thông qua thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện, đặc biệt về các vấn đề hàng hải, chia sẻ thông tin tình báo và hậu cần…
Đây là ví dụ điển hình cho việc các thành viên của bộ tứ tăng cường hợp tác lẫn nhau cả về song phương hay đa phương, cùng phối hợp ở Indo-Pacific nhằm ngăn chặn khu vực bị chi phối mang tính thống trị bởi bất kỳ cường quốc nào.
Tương tự, quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ với Nhật Bản cũng ngày càng tăng lên. Và không dừng lại ở đó, đối thoại bộ tứ mở rộng có thêm sự tham gia của Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cũng góp phần phối hợp xử lý các vấn đề chung của thế giới, điển hình như hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19.
Đó là những ví dụ cho ngoại giao xây dựng hợp tác sáng tạo để hướng đến đảm bảo an ninh lâu dài ở Indo-Pacific.
Cần sự phối hợp nhiều lớp
Những hợp tác trên của bộ tứ và các nước có thể góp phần ngăn chặn những thách thức an ninh liên quan Trung Quốc ở Biển Đông và khu vực tây Thái Bình Dương?
Thực tế thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt động hợp tác về an ninh trong khu vực dưới sự tham gia, hỗ trợ từ bộ tứ an ninh. Điển hình là không chỉ các cuộc đối thoại mà còn có cả các bài tập chung về phòng thủ, hay phối hợp chia sẻ thông tin tình báo.
Tuy nhiên, nếu chỉ riêng đối thoại an ninh của bộ tứ thì không đủ để ứng phó hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông hay khu vực tây Thái Bình Dương. Để ứng phó hiệu quả thì cần sự phối hợp nhiều lớp từ song phương đến ba bên lẫn bốn bên, thậm chí nhiều hơn.
Ở khía cạnh đa phương thì còn nhiều nền tảng hợp tác ở Indo-Pacific như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các diễn đàn của ASEAN mà có thể “gắn” Trung Quốc, hay bất cứ một cường quốc nào, vào chuẩn mực hành xử và pháp lý quốc tế. Qua đó, Trung Quốc hay bất cứ cường quốc nào cũng phải nhận ra rằng đừng tìm cách thống trị một khu vực rộng lớn và đa cực. Khi đó, khu vực này sẽ không bị một đế chế nào thống trị.
Bên cạnh đó, để ứng phó các thách thức an ninh thì từng quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc… luôn cần tự thân xây dựng năng lực an ninh phù hợp để đảm bảo lợi ích chính đáng riêng. Khi kết hợp tổng thể nhiều yếu tố như trên, các nước ở khu vực có thể phát triển ổn định trong bối cảnh hiện tại.
Bộ tứ Mỹ – Nhật – Úc – Ấn phối hợp nhiều vấn đề
|
Thời gian qua, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với Úc và hai bên đạt được một số bước tiến quan trọng trong hợp tác song phương. Trong đó, điểm quan trọng là hai bên đạt thỏa thuận về hợp tác hàng hải, tương hỗ hậu cần và nâng cao đối thoại chiến lược song phương lên cấp bộ trưởng.
Đối thoại tứ giác Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ được định hình bởi bộ ngoại giao, nên không phải chỉ là đối thoại an ninh. Tuy nhiên đến nay, sự phát triển về an ninh quan trọng hơn đang diễn ra ở cấp song phương lẫn đa phương giữa bộ tứ này. Trong đó, bên cạnh vấn đề Biển Đông, bộ tứ Mỹ – Nhật – Úc – Ấn còn hợp tác nhiều vấn đề quan trọng như Ấn Độ Dương, biển Hoa Đông và khu vực Himalaya.
TS Dhruva Jaishankar
(Giám đốc sáng kiến Mỹ – Quỹ nghiên cứu quan sát, Ấn Độ)
(Giám đốc sáng kiến Mỹ – Quỹ nghiên cứu quan sát, Ấn Độ)
NGÔ MINH TRÍ
TNO